Gắn kết với cơ quan dân cử địa phương - dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Bài 1: Từ tư duy nhạy bén của người đứng đầu

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:05 - Chia sẻ

Cùng với những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội để thực hiện chức năng theo quy định, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV để lại dấu ấn trong việc tăng cường mối quan hệ với cơ quan dân cử địa phương thông qua hoạt động Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực trên toàn quốc. Từ tư duy nhạy bén của người đứng đầu đến những nỗ lực không ngừng sáng tạo trong phương thức tổ chức đã nâng tầm hội nghị Thường trực HĐND khu vực, mà “điểm tựa” chính là sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng tới một mái nhà chung dân cử ngày càng vững chãi, ấm áp, để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và Nhân dân.

Trước thực tế vai trò của Quốc hội đối với cơ quan dân cử ở địa phương có phần mờ nhạt, với sự nhạy bén trong vai trò người đứng đầu Quốc hội Khóa XIV, ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu thiết lập mối quan hệ với hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương. Trong đó, một nội dung được lãnh đạo Quốc hội quan tâm là hoạt động trao đổi kinh nghiệm của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Quảng Trị ngày 28.12.2019.
Ảnh: Trọng Đức

Sáng kiến nhưng chỉ dừng lại ở nội bộ

Cách đây 23 năm, từ sáng kiến của đại diện Thường trực HĐND tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ. Chính từ hiệu quả thiết thực ban đầu mang lại, mô hình hội nghị khu vực đã có sự lan tỏa rộng khắp. Đến nay, cả nước đã hình thành 6 khu vực. Mỗi khu vực tổ chức 2 hội nghị trong một năm, quay vòng đăng cai giữa các tỉnh, thành phố.

Mặc dù đã tồn tại hơn 20 năm, với tổng số lượng 12 hội nghị/năm, nhưng từ năm 1997 đến năm 2016, các hội nghị phần nhiều mang tính trao đổi, là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương tương đồng về điều kiện tự nhiên và xã hội. Các hội nghị đều do địa phương đăng cai thực hiện từ công tác chuẩn bị đến lựa chọn chủ đề, thời gian, thành phần khách mời… Ngay cả việc đặt tên hội nghị cũng không thống nhất giữa các khu vực, thậm chí giữa các tỉnh, thành. Số lượng đại biểu Trung ương nói chung và của Quốc hội nói riêng tham dự chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhớ lại thời điểm trước nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, hiếm hoi có hội nghị được lãnh đạo Quốc hội tham dự. Khách mời ở Trung ương (nếu có) thì chỉ là Ban Công tác đại biểu, hoặc Vụ Công tác đại biểu.

Sự thiếu vắng vai trò Quốc hội trong hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương xuất phát từ địa vị pháp lý của hai thiết chế này. Cùng được hiến định là cơ quan quyền lực, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở ủy quyền của Nhân dân, chỉ khác về phạm vi đại diện toàn dân (Quốc hội) hay đại diện cho cử tri tại một đơn vị hành chính nhất định (HĐND các cấp). Từ Hiến pháp 1946 và được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Quốc hội (năm 1960), Sắc lệnh số 63/SL của Chủ tịch nước về HĐND và Ủy ban hành chính (năm 1945) đến các bản Hiến pháp và văn bản pháp luật về Quốc hội và chính quyền địa phương được ban hành sau này, mối quan hệ giữa Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương luôn là dấu hỏi.

Mối liên hệ giữa Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương có lẽ được xác định rõ nhất thông qua chức năng hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND. Vì vậy, sự tham gia của Quốc hội đối với cơ quan dân cử ở địa phương ít nhiều khiên cưỡng. Từ nhiều nhiệm kỳ, vai trò của Quốc hội đối với cơ quan dân cử ở địa phương có phần mờ nhạt. Đã nhiều lãnh đạo chủ chốt của HĐND trăn trở: “Không biết cấp trên của mình là ai”. Khi vướng mắc trong hoạt động, cơ quan dân cử không biết hỏi Quốc hội hay Chính phủ vì cả hai đều có chức năng hướng dẫn HĐND. Nhiều đề nghị, thắc mắc của địa phương tại hội nghị chưa được Quốc hội và Chính phủ kịp thời lắng nghe và giải đáp vì thiếu cơ chế xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Sau 20 năm, Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực cứ mãi là hoạt động “nội bộ” của các cơ quan dân cử ở địa phương.

Thiết lập sự gắn kết 

Vượt qua những rào cản và sự phân định thiếu rõ ràng trong mối quan hệ, nhằm phát huy sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống dân cử, sự ảnh hưởng thuận chiều từ hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử đến công tác quản lý điều hành của cơ quan hành pháp/hành chính, bằng những hoạt động cụ thể, Quốc hội Khóa XIV đã dần thiết lập sự gắn kết với cơ quan dân cử ở địa phương. Đây cũng là yêu cầu thực tiễn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và chính quyền địa phương được quy định tại các nghị quyết của Đảng về cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành và có hiệu lực từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tư duy về nguyên tắc hoạt động của cơ quan nhà nước được nhận thức rõ ràng hơn trước. Thay vì quan điểm, mọi hoạt động nhân danh nhà nước chỉ dựa vào quy định của pháp luật thì đối với cơ quan dân cử, nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất là hoạt động gì hướng tới Nhân dân, có tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ vì quyền lợi của Nhân dân sẽ là cơ sở để thực hiện.

Trải qua nhiều vị trí công tác ở địa phương và trung ương, ở cơ quan hành pháp và lập pháp, tập thể lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với cơ quan dân cử ở địa phương. Việc thiết lập này không chỉ căn cứ vào quy định pháp luật, mà còn hướng dẫn những gì pháp luật đang bỏ ngỏ. Khi đó, vai trò của Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương được thể hiện theo chiều hướng là sự đồng hành của cả hệ thống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn những gì pháp luật quy định mà còn là nơi truyền đi kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động và xử lý tình huống có tính đặc thù của cơ quan dân cử.

Sau khi HĐND các cấp ổn định về tổ chức và dần đi vào hoạt động, từ phía Quốc hội đã có nhiều chương trình, kế hoạch về cơ quan dân cử ở địa phương được triển khai như việc bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu, hoạt động phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng chương trình giám sát tại địa phương, công tác hoàn thiện pháp luật về chế độ chính sách, điều kiện bảo đảm và hướng dẫn hoạt động của HĐND… Một nội dung được lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm là hoạt động trao đổi kinh nghiệm của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 6 khu vực trên cả nước.

Là một người tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử, với mong muốn xác lập mối quan hệ giữa Quốc hội với cơ quan dân cử ở địa phương ngày càng gần gũi, gắn bó hơn để tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND, ngay từ khi được lãnh đạo Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã trực tiếp chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan dân cử để việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn.

HẢI LAM