Bạn đọc viết

Gặp khó trong xác định người phiên dịch công chứng

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:26 - Chia sẻ
Với những quy định chung chung như: Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch; Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng... tại Luật Công chứng đã khiến cho công chứng viên gặp không ít khó khăn, nhất là việc đánh giá người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số.

Khoản 3, Điều 47 Luật Công chứng năm 2014 quy định, trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch. Đây là quy định nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch mà không biết tiếng Việt, chưa am hiểu về pháp luật. Tuy nhiên, các điều kiện liên quan đến người phiên dịch thì còn rất chung chung, dẫn đến việc áp dụng pháp luật tùy nghi. Chẳng hạn, quy định “trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch”. Trong thực tế, hoạt động công chứng xảy ra nhiều tình huống khác nhau, có người nói và viết được tiếng Việt nhưng ở mức độ rất hạn chế; có người nghe và hiểu được tiếng Việt nhưng lại không đọc được tiếng Việt. Vậy, để đánh giá mức độ thông thạo tiếng Việt thì công chứng viên vào căn cứ hay tiêu chí nào? Đến nay, Luật Công chứng năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định bất kỳ một tiêu chí cụ thể nào về việc đánh giá mức độ thông thạo tiếng Việt.

Thực tế khảo sát của Bộ Tư pháp ở một số địa phương cho thấy, đa phần các công chứng viên khi tiến hành công chứng các hợp đồng, giao dịch có chủ thể tham gia là người dân tộc thiểu số thường dựa vào kinh nghiệm làm việc của bản thân và thông qua quá trình giao tiếp để đánh giá mức độ thông thạo tiếng Việt của họ. Như vậy, việc xác định mức độ hoàn toàn dựa vào yếu tố chủ quan của mỗi công chứng viên và hiển nhiên mỗi người lại có sự đánh giá về sự “thành thạo tiếng Việt” cũng không giống nhau. Chính vì lẽ đó, đối với công chứng viên này thì đủ điều kiện “thông thạo”, nhưng cũng người đó, đối với công chứng viên khác thì chưa hẳn đã đạt tiêu chí “thông thạo”. Trên thực tế, tại các tổ chức hành nghề công chứng, khi gặp trường hợp cần phải có người phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số thì người yêu cầu công chứng thường mời người phiên dịch là người cùng dân tộc hoặc người quen trong làng để việc công chứng diễn ra nhanh chóng, đỡ mất thời gian.

Cũng tại Khoản 3, Điều 47, Luật Công chứng quy định “người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình”: Quy định này tạo ra sự chủ động cho người yêu cầu công chứng, giảm bớt gánh nặng cho công chứng viên. Người yêu cầu công chứng được quyền lựa chọn người phiên dịch phù hợp với quy định của pháp luật. Song, có những trường hợp người yêu cầu công chứng mời người phiên dịch theo chủ quan của họ, lựa chọn người thân trong gia đình để thực hiện việc phiên dịch thì có đảm bảo được tính khách quan hay không? Khi phát sinh những tình huống như vậy thì công chứng viên phải xử lý như thế nào?

Từ thực tế này, thiết nghĩ pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn của người phiên dịch, cũng như trách nhiệm pháp lý của họ khi tham gia giao dịch công chứng.

Phạm Hải