Gia Lai đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí triển khai 7 dự án về dân cư

- Thứ Hai, 16/09/2019, 18:36 - Chia sẻ
Ngày 16.9, tại thành phố Pleiku, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế-xã hội; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng nêu rõ, tám tháng của năm 2019, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, quốc phòng-an ninh ổn định, công tác đối ngoại được tăng cường.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, đạt hơn 67% dự toán Trung ương giao và tăng 0,6% so với cùng kỳ; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD.

Toàn tỉnh có 24 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 2.100 tỷ đồng; 77 dự án được lập thủ tục đầu tư với số vốn 27.000 tỷ đồng; 27 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 35 dự án điện Mặt Trời với tổng công suất dự kiến hơn 4.000 MWp; 17 nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió, với tổng công suất dự kiến hơn 3.500 MW.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 60 xã và 14 làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Pleiku, thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Gia Lai đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.

Các hợp tác xã ngày càng tăng về quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.

Toàn tỉnh hiện có 251 hợp tác xã với hơn 17.500 thành viên, tăng 186 hợp tác xã so với năm 2003, qua đó đã giải quyết việc làm cho hơn 1.800 lao động.

Việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả khả quan.

Ba công ty (gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Càphê Gia Lai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chè Bàu Cạn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chè Biển Hồ) đã được chuyển thành công ty cổ phần Nhà nước không nắm giữ cổ phần, đi vào hoạt động ổn định, có doanh thu.

Đối với 11 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp (gồm Ka Nak, Sơ Pai, Hà Nừng, Trạm Lập, Kông Chro, Kông Hde, Kông Chiêng, Lơ Ku, Đăk Roong, Krông Pa và Ia Pa), tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo thực hiện xong các bước phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; phương án sản xuất kinh doanh; bổ sung vốn điều lệ; phương án sử dụng đất; đang triển khai đo đạc, lập hồ sơ địa hình, đóng mốc giới ngoài thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các hợp tác xã vùng Tây Nguyên; sớm hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai bảy dự án bố trí dân cư vùng thiên tai lũ lụt; xem xét bố trí vốn dự phòng ngân sách Trung ương thực hiện Dự án đường tỉnh 666, từ huyện Mang Yang đi Ia Pa chiều dài hơn 60km bị sạt lở, hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng và dự án đường liên huyện Chư Sê-Chưpưh-Chưprông chiều dài 33km phục vụ cho sự phát triển vành đai kinh tế các địa phương này. Tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ khôi phục những diện tích hồ tiêu bị chết do mưa kéo dài khác thường trong năm 2018.

Tỉnh Gia Lai có hơn 12.000ha cao su trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo bị chết và kém phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi cây trồng và phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đồng thời phải trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp trồng cao su đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nay phải tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây trồng, trồng rừng thay thế bằng ba lần diện tích chuyển mục đích sử dụng nên đến nay chưa có đơn vị nào triển khai được. Vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương xem xét có hướng tháo gỡ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm đưa diện tích đất này vào sử dụng có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đáng mừng là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước, dịch vụ tăng khá và giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Gia Lai cố gắng tập trung quyết liệt các giải pháp để đạt được mục tiêu cao nhất về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Tỉnh tiếp tục tập trung hiện thực hóa các dự án công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, chế biến nông, lâm sản theo định hướng tái cơ cấu lại; phát huy các cơ hội, lợi thế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc như chế biến, năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 04 gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương, tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghị quyết 18, 19 về sắp xếp lại hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế.

Tỉnh cần tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9 về phát triển kinh tế tập thể; Nghị quyết 30 về về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, chú trọng yếu tố phát triển bền vững và nâng cao chất lượng; tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản; chương trình phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch tốt hơn nữa, cải thiện năng lực cạnh tranh hiệu quả quản trị hành chính công, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu lực quản lý ngân sách, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Về những kiến nghị của tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận; đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét để tháo gỡ.

Theo TTXVN