Đàm phán hòa bình Mỹ - Afghanistan

Giá nào cho hòa bình?

- Thứ Sáu, 23/08/2019, 07:15 - Chia sẻ
Ngay trước khi Mỹ và lực lượng Taleban ở Afghanistan bước vào vòng đàm phán cuối cùng nhằm mang lại hòa bình cho quốc gia Nam Á, liên tiếp xảy ra đánh bom đẫm máu làm rung chuyển Afghanistan. Các vụ tấn công một lần nữa nhắc nhở Mỹ và cộng đồng quốc tế rằng: Cuộc chiến ở Afghanistan kéo dài suốt 18 năm qua chưa kết thúc.

Quốc khánh đẫm máu

Trong ba ngày qua, đúng vào dịp Afghanistan tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Quốc khánh, quốc gia Nam Á này đã phải hứng chịu hàng loạt vụ tấn công trên khắp đất nước, làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. Trong số đó, ít nhất 66 người bị thương trong khoảng 10 vụ đánh bom nhằm vào các nhà hàng và quảng trường công cộng tại thành phố Jalalabad, miền Đông Afghanistan ngày 19.8. Mặc dù chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công tại Jalalabad, nhưng đây là khu vực mà cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng nổi dậy Taliban hoạt động.

Trước đó, Afghanistan đã chứng kiến thảm kịch đẫm máu nhất trong năm nay, khi một kẻ đánh bom tự sát kích hoạt khối thuốc nổ mang trên người tại một đám cưới ở Thủ đô Kabul ngày 17.8. Mặc dù cô dâu và chú rể may mắn sống sót, nhưng ít nhất 80 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương. Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở  Khorasan đã tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công trên.

Phái đoàn Hỗ trợ kiên quyết của NATO tại Afghanistan ngày 21.8 cho biết, hai quân nhân Mỹ đã thiệt mạng khi đang tham gia chiến dịch chung cùng các binh sĩ thuộc lực lượng Chính phủ Afghanistan. Theo phòng báo chí của NATO, kể từ đầu năm đến nay, 16 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại Afghanistan. Trong đó, 14 binh sĩ hy sinh trong khi chiến đấu và 2 binh sĩ thiệt mạng trong sự cố. Bên cạnh đó, các vụ tấn công do Taleban tiến hành cũng tăng mạnh trong năm nay, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường vô tội.

Các vụ tấn công trên xảy ra đúng vào thời điểm Mỹ và lực lượng Taleban bước vào vòng đàm phán hòa bình quan trọng ở Qatar. Đây được kỳ vọng là vòng đàm phán cuối cùng nhằm giúp các bên đạt thỏa thuận và chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 2 thập kỷ qua ở Afghanistan. Tuy nhiên, thực tế đẫm máu trên cho thấy, xung đột và thương vong vẫn diễn ra từng ngày từng giờ tại Afghanistan, trong khi không ai biết một thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Mỹ và Taleban có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột hay không.


Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào đám cưới ở Thủ đô Kabul

Thỏa thuận bằng mọi giá

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter không lâu sau khi xảy ra vụ đánh bom đẫm máu ở Kabul, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad tuyên bố, Mỹ cần đẩy nhanh tiến trình hòa bình Afghanistan, bao gồm cả các cuộc đàm phán giữa những người Afghanistan. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh, ngày 20.8, các nhà đàm phán đại diện cho Mỹ và lực lượng Taleban đã nối lại hòa đàm tại Qatar, với mục tiêu đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đây là một phần nỗ lực tổng thể nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Các nhà bình luận cho rằng, tuyên bố của ông Khalilzad phần nào phản ánh thái độ của Washington đối với tiến trình hòa bình Afghanitan: Đạt được thỏa thuận bằng mọi giá!

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã nóng lòng muốn rút binh sĩ Mỹ khỏi chiến trường Nam Á này. Vì vậy, thời gian qua, Washington đã nỗ lực thúc đẩy các cuộc hòa đàm với Taleban. Tuy nhiên, giới chức Afghanistan và các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lo ngại, bước đi này có thể đẩy Afghanistan vào cuộc nội chiến mới, với kết cục tiềm tàng là sự trở lại cầm quyền của Taleban trong lúc các phần tử khủng bố quốc tế có thể tìm thấy nơi ẩn náu ở quốc gia Nam Á này.

Vài tháng trước, Mỹ cho biết đã đạt được một số đồng thuận chính với Taleban, trong đó hai bên nhất trí tiến hành các cuộc hòa đàm trực tiếp mà không có sự tham gia của Chính phủ Afghanistan, điều trước nay Taleban hằng mong muốn. Theo các nguồn tin từ Nhà Trắng, các cuộc đàm phán trực tiếp đã giúp hai bên đạt được tới 99% vấn đề cần giải quyết. Nếu Washington và Taleban đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Đổi lại, Taleban phải cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành bàn đạp phát động các vụ tấn công khủng bố quốc tế. Bên cạnh đó, Taleban dự kiến phải cam kết đối thoại chia sẻ quyền lực với chính phủ do Mỹ hậu thuẫn tại Afghanistan và xem xét về một lệnh ngừng bắn.

Sau vụ đánh bom tự sát tại đám cưới ở Thủ đô Kabul và hàng loạt vụ tấn công khác nhằm vào dân thường và binh sĩ nước ngoài tại Afghanistan, dư luận Afghanistan nghi ngờ hiệu quả cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taleban. Một số ý kiến cho rằng, việc Mỹ tiến hành đàm phán trực tiếp với Taleban đã trao cho lực lượng này tính hợp pháp. Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Mỹ và Taleban sẽ không thể giúp chấm dứt cuộc chiến giữa Taleban và lực lượng của Chính phủ Afghanistan, chưa kể có thể giúp ngăn chặn nguy cơ bạo lực từ IS hay mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda có tiềm năng hồi sinh và lớn mạnh trở lại sau khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường này.

Sohrab Qaderi, thành viên Hội đồng tỉnh Nangarhar thuộc vùng biên giới giữa Afghanistan với Pakistan đánh giá: Thỏa thuận giữa Mỹ và Taleban có thể xem như cơ hội lớn cho IS tuyển mộ phiến quân từ Taleban. Người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Sediq Sediqqi cũng bày tỏ quan ngại về sự lớn mạnh trở lại của IS và sức hút của tổ chức này đối với một số thành viên của Taleban. Theo ông Sediqqi, hầu hết thành viên IS là cựu phần tử Taleban và có khả năng một số phần tử khác của Taleban sẽ gia nhập IS.

Nếu Mỹ - Taleban đạt thỏa thuận, Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ ca ngợi đây là thỏa thuận lịch sử. Còn với người dân Afghanistan, tất cả những gì họ mong muốn là hòa bình được lập lại. Tuy nhiên, mong mỏi đó khó có thể được đáp ứng chỉ bởi thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taleban.

Ngọc Khánh