Bạn đọc viết

Gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật

- Thứ Tư, 03/06/2020, 07:11 - Chia sẻ
Thêm giấy phép, thêm thủ tục, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp và chính cơ quan quản lý là những ý kiến đáng chú ý của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đóng góp vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Khoản 1, Điều 56 Dự thảo Luật quy định, việc đặt biển tuyên truyền, quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Góp ý vào đề xuất này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có nguy cơ chồng chéo về thủ tục với các văn bản pháp luật khác. Cụ thể, Điều 31, Luật Quảng cáo quy định, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng sẽ cấp giấy phép xây dựng cho một số trường hợp xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập. Và theo quy định tại khoản 6, Điều 8, Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng thì trong Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng cho xây dựng, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất phải có “văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của UBND cấp huyện”.

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, thì một công trình quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ có thể phải xin đến 3 giấy phép của 3 cơ quan có thẩm quyền khác nhau cấp phép. Điều này tạo ra sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn, doanh nghiệp có giấy phép xây dựng cũng có thể không được phép xây dựng nếu không được cơ quan có thẩm quyền quản lý về đường bộ chấp thuận.

Quá trình tổng hợp ý kiến doanh nghiệp của VCCI cũng cho thấy, đây là đề xuất được nhiều doanh nghiệp đánh giá “thiếu minh bạch”. Bởi, Dự thảo không quy định về bất kỳ tiêu chí/căn cứ để cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận hoặc từ chối việc đặt biển quảng cáo, tuyên truyền trong hành lang an toàn đường bộ. Ngoài ra, Dự thảo cũng không đề cập cơ quan quản lý đường bộ nào có thẩm quyền trong các trường hợp cụ thể.

Không chỉ dừng lại ở việc đề xuất gây chồng chéo, Dự thảo Luật còn đề xuất thêm giấy phép mới. Chẳng hạn, Điều 109, Dự thảo quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”. Theo VCCI đề xuất này sẽ tăng thủ tục xin - cho không cần thiết, để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.

Hay, Điều 118 Dự thảo Luật quy định để được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, doanh nghiệp phải có đến 4 loại giấy phép: 1 loại giấy phép mẹ (giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô) và 3 loại giấy phép con (chứng chỉ hành nghề lái xe vận tải; chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải; chứng chỉ quản lý an toàn giao thông). Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ thì doanh nghiệp chỉ cần 1 loại giấy phép mẹ - tức là giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô - là được hoạt động kinh doanh. 

Nguyễn Minh