Gia tăng đối tượng cần trợ giúp xã hội

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:22 - Chia sẻ
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, nhu cầu trợ giúp xã hội ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, chính sách trợ giúp xã hội cần đổi mới theo hướng tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực hiện chính sách và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách.

Chưa toàn diện, chưa linh hoạt 

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 3 triệu người, hàng triệu người được hỗ trợ lương thực hàng năm, đào tạo nâng cao năng lực cho hàng trăm nghìn nhân viên làm công tác xã hội, xây dựng và phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội, công tác xã hội cả ở cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Các chương trình chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, nạn nhân bom mìn, trẻ em đặc biệt khó khăn... đã trợ giúp cho hàng trăm nghìn người khó khăn có cuộc sống ngày càng tốt hơn. 

Dù vậy, hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay chưa toàn diện, tính linh hoạt thấp, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình mới. Cùng với đó, mức chính sách còn thấp, chưa phù hợp; một số địa phương còn chưa bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách, đề án; không ít chính sách chưa đi vào cuộc sống, nhất là những quy định dành cho người khuyết tật... Đặc biệt, hiện nay chưa ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, giải pháp thanh toán trong thực hiện chính sách. Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã rất thẳng thắn khi rằng, tư duy và nhận thức về trợ giúp xã hội chưa đồng nhất còn tư tưởng coi trợ giúp xã hội là làm nhân đạo, từ thiện. Trong khi đó hệ thống chính sách, giải pháp chưa thật sự đáp ứng được đòi hỏi trong thực tiễn, do đó vẫn còn một bộ phận dân cư chưa tiếp cận chính sách.

Chính vì vậy, làm thế nào để hoàn thành mục tiêu đã được đặt ra tại Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đang là vấn đề đặt ra đối với ngành lao động, thương binh và xã hội. Điều đáng quan tâm hơn là trong bối cảnh kinh tế xã hội đang chịu tác động mạnh của các nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đô thị hóa... thì để hoàn thành mục tiêu này càng không đơn giản. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Quyết định số 488/QĐ-TTg xác định, trong giai đoạn 2021 - 2025: 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; bảo đảm 90% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; bảo đảm 90% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời... Để đạt mục tiêu này, cần đổi mới chính sách, cũng như quy trình thực hiện trợ giúp xã hội. 

Nguồn: ITN

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Chưa có chính sách trợ cấp thường xuyên đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, bảo hiểm xã hội còn cào bằng, chưa phân biệt giữa người nghèo và người có mức sống cao, khá giả, tuổi thọ trung bình của người dân tộc thiểu số thường thấp hơn tuổi thọ trung bình của cả nước.

Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021 dự kiến có khoảng 3,690 triệu đối tượng hưởng chính sách trợ giúp theo quy định mới. Trong đó, đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 3,140 triệu người; đối tượng dự kiến tăng thêm khoảng 550.000 người, gồm: Khoảng 204.000 người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, xã bãi ngang và khoảng 210.000 trẻ em dưới 36 tháng tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc sống tại địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang; khoảng 130.000 người mắc bệnh mãn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước...

Như vậy, số lượng người được trợ cấp xã hội ngày càng tăng lên. Để bảo đảm các chính sách được thực hiện trên thực tế, bên cạnh những biện pháp có tính lâu dài như hoàn thiện chính sách, pháp luật thì cần có những giải pháp trước mắt như xây dựng hệ thống đăng ký hưởng chính sách và chi trả điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia an sinh xã hội nhằm tiết kiệm chi phí hành chính, hạn chế sai sót, tăng cường minh bạch… Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội. Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, chính sách pháp luật trợ giúp xã hội sẽ được dần dần đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội; ban hành bổ sung chính sách chưa được thể chế hóa như chính sách về công tác xã hội, cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội… 

Cùng với những nỗ lực của Bộ, ngành liên quan thì các tổ chức quốc tế, phi chính phủ cũng đã có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này. Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam xây dựng chương trình chung về phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Mục tiêu của chương trình là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống an sinh xã hội bao trùm và tích hợp nhằm thúc đẩy giải quyết các rủi ro theo vòng đời và tăng cường phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, chương trình áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời, nhạy cảm giới; tránh áp dụng cách tiếp cận theo đối tượng mục tiêu hoặc phân loại, hạn chế đối tượng áp dụng. Đặc biệt, chương trình sẽ tăng cường kết hợp giữa sàn an sinh xã hội phổ cập do ngân sách nhà nước tài trợ và bảo hiểm xã hội có đóng góp nhằm khắc phục các rủi ro theo vòng đời...

Thái Yến