Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đô thị thông minh

Giải pháp chiến lược giải quyết các thách thức

- Chủ Nhật, 13/10/2019, 09:20 - Chia sẻ
Quá trình đô thị hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, nhưng cũng trở thành thách thức lớn của thế kỷ XXI tại nhiều quốc gia. Phát triển đô thị thông minh được coi là giải pháp chiến lược nhằm giải quyết những thách thức mà quá trình đô thị hóa đặt ra.

Giải pháp phát triển đô thị bền vững

Tiến trình đô thị hóa toàn cầu đang tăng tốc, với 55% dân số thế giới hiện đang tập trung tại các khu vực đô thị. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, con số này sẽ tiếp tục tăng lên gần 70% vào năm 2050. Trong khi đó, một số “đại đô thị” vốn đang phải vật lộn nhằm đối phó với dòng người hiện tại. Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra một thực tế, mọi quốc gia trên thế giới đều đang ngày càng đô thị hóa.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng tạo ra những thách thức lớn về kinh tế - xã hội và môi trường. Mật độ dân số không ngừng tăng, những cú sốc từ áp lực môi trường, nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng và sự kỳ vọng lớn từ người dân và khách viếng thăm; về nhu cầu cung cấp các dịch vụ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cần phải được đáp ứng với chi phí bền vững. Trước những bài toán đặt ra, các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia xác định, tạo ra các đô thị thông minh là giải pháp tốt nhất nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh tại các khu vực đô thị, đồng thời, làm cho các khu vực đô thị trở nên đáng sống hơn và thực sự bền vững.

Ý tưởng về đô thị thông minh ra đời khoảng năm 1990 bởi các chuyên gia công nghệ thông tin ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và thành phố Bangalore (hay Thung lũng Silicon của Ấn Độ). Khái niệm đô thị thông minh được biết đến rộng rãi từ cuối những năm 2000 và xuất hiện với tần suất ngày càng tăng trong cả các cuộc tranh luận chính sách và học thuật. Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, khái niệm này dần được hoàn thiện và xuất hiện nhiều biến thể ở nhiều cấp độ khác nhau, tùy theo tình hình ứng dụng triển khai thực tế tại các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, khái niệm đô thị thông minh có thể được hiểu là vùng đô thị phát triển sử dụng các công nghệ thông tin - truyền thông và các thiết bị được kết nối với Mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT), nhằm tối ưu hóa hiệu quả của các hoạt động, dịch vụ của thành phố và kết nối với người dân. Các công nghệ thành phố thông minh cho phép chính quyền thành phố tương tác trực tiếp với cơ sở hạ tầng của cộng đồng và thành phố, giám sát những gì đang xảy ra trong thành phố cũng như theo dõi sát sao quá trình phát triển của thành phố.

Công nghệ thông tin được sử dụng trong đô thị thông minh nhằm tăng cường chất lượng, hiệu suất và tính tương tác của các dịch vụ đô thị, giảm chi phí và tiêu thụ tài nguyên, tăng cường liên hệ giữa người dân và chính quyền. Điều này cũng bao gồm dữ liệu được thu thập từ người dân và các thiết bị, được xử lý và phân tích để giám sát và quản lý hệ thống giao thông, nhà máy điện, mạng lưới cấp nước, xử lý chất thải… Các ứng dụng đô thị thông minh được phát triển nhằm giúp quản lý dòng chảy đô thị và cho phép phản hồi theo thời gian thực. Do đó, đô thị thông minh có khả năng sẵn sàng đối phó với thách thức hơn so với đô thị thông thường.

Còn được gọi là đô thị sinh thái hoặc đô thị bền vững, đô thị thông minh nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, đơn giản hóa quản lý đô thị, nâng cao tính chính xác và chất lượng của việc ra quyết định, cung cấp các dịch vụ tùy biến cho người dân thành phố với sự quan tâm đa dạng theo cách hiệu quả hơn, giải quyết các vấn đề đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đô thị thông minh nổi bật bởi các đặc thù: Quản lý thông minh, lối sống thông minh, di chuyển thông minh, nhà ở thông minh cũng như nền kinh tế thông minh. Những thay đổi lớn về công nghệ, kinh tế và môi trường như biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải trí trực tuyến, dân số già, tăng dân số đô thị và áp lực về tài chính công... đã tạo ra sự quan tâm dành cho phát triển đô thị thông minh.

Xu hướng chính sách  

Khái niệm đô thị thông minh không chỉ trở thành hiện thực mà việc phát triển đô thị thông minh cũng đang trở thành xu hướng chính sách ngày càng tăng trên thế giới. Ước tính, khoảng 2/3 các thành phố trên thế giới đã và đang đầu tư cho công nghệ đô thị thông minh. Nhiều thành phố khác cũng đang nhắm tới triển khai giải pháp này.

Xu hướng phát triển đô thị thông minh được phản ánh trong các sáng kiến chính sách của một số quốc gia và khu vực. Ở Anh, các chương trình Thành phố tầm nhìn tương lai và Bệ phóng thành phố tương lai của Chính phủ Anh thúc đẩy đổi mới đô thị, chủ yếu thông qua nhiều chiến lược đô thị thông minh khác nhau. Trong đó, sáng kiến Đô thị tương lai Glasgow (Scotland) đưa ra các ý tưởng phổ quát của đô thị thông minh như tích hợp quản lý dữ liệu lớn (big data) với ứng dụng truyền thông xã hội, chú trọng vào hiệu suất bền vững đô thị, đặc biệt lien quan đến lĩnh vực năng lượng và giao thông đô thị.

 Ở châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra sáng kiến Cộng đồng và thành phố thông minh vào năm 2011, nhằm củng cố quan hệ đối tác giữa ngành công nghiệp và thành phố để phát triển hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng tương lai. Các chương trình, dự án đô thị thông minh dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau cũng được các quốc gia khác trên thế giới đưa ra, đáng chú ý nhất là ở châu Á. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu châu Á về phát triển đô thị thông minh, với hai mô hình tiêu biểu là Songdong và Sejong. Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh, trong đó phải kể đến Thị trấn thông minh bền vững Fujisawa, Thành phố thân thiện môi trường Yokohama. Trung Quốc hiện có tới 500 dự án phát triển đô thị thông minh thí điểm. Bắt kịp xu thế này, năm 2014, Chính phủ Ấn Độ ra mắt Sáng kiến xây dựng 100 đô thị thông minh, với khoản phân bổ ngân sách trị giá 1,2 tỷ USD riêng cho năm 2014 - 2015. Các công ty công nghệ quốc tế lớn như Cisco, Hitachi, IBM... đã tích cực tham gia vào việc phát triển khái niệm và trở thành đối tác trong các dự án thí điểm.

Nhật An