TP Hồ Chí Minh

Giải pháp hữu hiệu giảm phát thải khí nhà kính

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:53 - Chia sẻ
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người để giảm tác động tới khí hậu không chỉ là xu hướng chung, mà còn là cơ hội hướng thành phố đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Do đó, cần có các giải pháp hữu hiệu trong tất cả các lĩnh vực để có thể vừa cắt giảm khí thải, vừa giữ vững, duy trì an ninh năng lượng.

Nguồn phát thải khí nhà kính lớn

Tại TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, những năm gần đây, nhiệt độ trung bình hàng năm ở thành phố đã tăng gấp đôi so với đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ tăng cao ở TP Hồ Chí Minh trùng hợp sự gia tăng phát thải khí nhà kính do tình trạng đô thị hóa phát triển mạnh thời gian qua.

Phát triển điện năng lượng mặt trời giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn: ITN

Giai đoạn sau năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiểm kê khí nhà kính 2 năm/lần vào các năm chẵn; triển khai các nội dung của kế hoạch thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xây dựng quy trình cung cấp dữ liệu định kỳ từ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn và từ các đơn vị triển khai các hành động giảm nhẹ khí nhà kính...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kết quả mô phỏng theo mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so năm 2016. Đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho thấy, mức tiêu thụ điện của các tòa nhà thương mại tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 có thể lên tới 14 tỷ kWh, tương đương với mức phát thải khí CO2 gần 12 triệu tấn.

Chưa kể, hiện nay, 76% lượng chất thải rắn của TP Hồ Chí Minh đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Phương pháp này tốn nhiều quỹ đất cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân sống gần khu vực có các bãi chôn lấp. Đây còn là nguồn phát sinh các loại khí nhà kính rất lớn gây biến đổi khí hậu. Các loại khí nhà kính phát sinh trong lĩnh vực chất thải như CO2, CH4, N2O...

Một nghiên cứu của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng về kiểm kê khí nhà kính đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn trong giai đoạn 2014 - 2017 cho thấy, hoạt động chôn lấp chất thải rắn tạo ra lượng khí nhà kính lớn nhất so với các phương pháp xử lý chất thải rắn khác. Năm 2014, tổng phát thải khí CO2 là 7,1 triệu tấn, trong đó hoạt động chôn lấp chất thải rắn đã phát thải trên 6,5 triệu tấn (chiếm 93%). Trong khi phương pháp đốt rác chỉ phát sinh 368 tấn CO2, chế biến phân vi sinh chỉ 152,7 tấn CO2. Năm 2017, tổng số lượng phát thải là 9,1 triệu tấn CO2, trong đó chôn lấp rác phát thải 8,1 triệu tấn, phương pháp đốt phát thải chỉ 647 tấn CO2, chế biến phân vi sinh 191 tấn CO2.

Cần giải pháp hữu hiệu

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người để giảm tác động tới khí hậu không chỉ là xu hướng chung, mà đây còn là cơ hội hướng thành phố đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Các phương án, lựa chọn giảm phát thải phải không những góp phần hỗ trợ bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải, mà còn cần giữ vững, duy trì an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phúc lợi xã hội.

Theo đó, từ những thông tin dữ liệu cụ thể, cần có những nhận định chính xác và đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas để xử lý phế thải chăn nuôi, sử dụng khí thải từ xử lý phế thải chăn nuôi để làm nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch. Trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, cần đẩy mạnh chuyển hướng xử lý sang việc đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ xử rác bằng phương pháp đốt phát điện, ủ phân compost... Đối với các hoạt động sử dụng đất, cần đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2020 - 2030.

Để giảm phát thải khí nhà kính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở đang phối hợp các sở, ngành, đơn vị thực hiện các hoạt động của dự án SPI-NAMA (hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính), cùng sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và JICA. Cùng với đó, thành phố đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh nên việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của người dân đang được triển khai nhiều nơi.

Thành phố cũng đang tiếp tục tham gia dự án SPI-NAMA với mục tiêu là phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu, với trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm dự án tăng cường hiệu quả năng lượng cho tòa nhà cao tầng. Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố; tiếp tục xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho hoạt động giao thông (chủ yếu là các cụm cảng biển) và năng lượng (tòa nhà thương mại).

Vân Phi