Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý

- Thứ Bảy, 23/03/2019, 08:48 - Chia sẻ
Năm 2018, công tác cải cách hành chính (CCHC) ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Nhằm phát huy kết quả đạt được, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh CCHC, trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019...

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, năm 2019 này, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong hệ thống; tiếp tục triển khai Đề án “Nghiên cứu xây dựng, thành lập và triển khai mô hình tổ chức hỗ trợ, tư vấn giải đáp về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của ngành BHXH”; tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Khâu đột phá cải cách hành chính

Nhờ xác định CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác CCHC, quán triệt sâu sắc đến từng đơn vị và từng công chức, viên chức trong toàn ngành.

Theo báo cáo từ BHXH Việt Nam, trong 5 năm qua, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH đã được cắt giảm mạnh từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục (giảm trên 75%). Tính riêng năm 2017, giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn 5 ngày, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày.

Riêng số giờ thực hiện TTHC từ 335 giờ năm 2016 giảm xuống còn 49 giờ/năm 2017. Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả khâu (từ thu, nộp đến quản lý chi, trả) thì số lần thực hiện giao dịch điện tử giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm. Đặc biệt, năm 2017, BHXH Việt Nam xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, tăng 18 bậc so với năm 2016 và là đơn vị đứng đầu trong các cơ quan thuộc Chính phủ về việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2018.

Đánh giá về kết quả CCHC của ngành, lãnh đạo BHXH Việt Nam nhấn mạnh, công cuộc CCHC trong đó cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Với sự chủ động, tích cực, năm 2018, công tác CCHC đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Đặc biệt, nhận thức ngày càng cao của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về tầm quan trọng của CCHC; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành và các sở, ban, ngành tại địa phương.


Quỹ BHXH, BHYT, BHTN luôn làm tốt vai trò lưới đỡ an sinh xã hội

Hướng tới mục tiêu tinh gọn, hiệu quả

Năm 2019, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, đơn vị này sẽ phát huy kết quả đạt được và tiếp tục thúc đẩy triển khai công tác CCHC nhằm hướng tới mục tiêu: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất và ý thức về hành chính phục vụ, nêu cao tinh thần “nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” của đội ngũ công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử, giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, ngành BHXH sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC gồm: Tiến hành rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành; tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao…

Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm soát TTHC, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định công bố công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam. BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện tiếp cận.

Bên cạnh đó, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC sẽ tiếp tục được duy trì, thực hiện thông qua bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH; trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp nhận, kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH, bảo đảm việc thực hiện các quy định hành chính được công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về CCHC năm 2019, BHXH Việt Nam đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của mình để thực hiện triển khai hiệu quả công tác CCHC, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. 

Thanh Nguyên