Quy định bắt buộc lao động phải qua đào tạo

Giải pháp nâng cao năng suất lao động

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:24 - Chia sẻ
Đây là nội dung quan trọng của Dự thảo Thông tư quy định Danh mục ngành nghề người sử dụng lao động phải sử dụng lao động đã qua đào tạo đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến. Theo đó, việc đào tạo nghề không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với quyền lợi người lao động mà còn giúp người lao động có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp.

Xác định rõ lộ trình

Theo Dự thảo, các danh mục ngành nghề được xác định theo tính chất, mức độ của ngành nghề đó ở 3 tiêu chí: Đối với sự nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của người lao động (sự an toàn của người lao động); Đối với việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội) và tiến tới việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.

Theo đó, Danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo gồm: Danh mục 1 bao gồm 68 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1.1.2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Những ngành nghề phải có chứng chỉ mới được tuyển dụng.
Nguồn: ITN

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Dù mục tiêu đặt ra không cao, song đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế mới chỉ đạt 58,6%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 23,1%, nghĩa là vẫn còn 76.9% người tham gia lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Danh mục 2 bao gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1.1.2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm  theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016 và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế).

Dự thảo Thông tư cũng xác định lộ trình thực hiện Danh mục ngành nghề sử dụng lao động qua đào tạo bao gồm 3 giai đoạn. Cụ thể, với giai đoạn 1 từ ngày 1.1.2022: Áp dụng cho Danh mục 1, bao gồm 117 ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì nếu người lao động trong lĩnh vực này không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho họ trong môi trường lao động khó khăn, vất vả.

Giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2023: Áp dụng cho Danh mục 2, bao gồm 59 ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và những ngành, nghề phổ biến, quan trọng. Giai đoạn 3 từ ngày 1.1.2024 sẽ áp dụng cho các ngành nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BLĐTBXH ngày 2.3.2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và các ngành, nghề khác ở các trình độ sơ cấp.

Không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO) tại Việt Nam cho rằng, chất lượng của nguồn nhân lực vẫn còn là một rào cản đối với sự phát triển của Việt Nam, mặt khác những “khoảng trống về kỹ năng” sẽ được thu hẹp thông qua đào tạo do doanh nghiệp hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, việc sử dụng lao động trẻ, chủ yếu là những lao động phổ thông có độ tuổi từ 18 - 20 đang diễn ra rất phổ biến.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp đối với lao động phổ thông đạt tới con số hơn 40% nhu cầu so với những nguồn nhân lực khác. Chính vì vậy, việc ban hành danh mục phải đào tạo lao động trước khi sử dụng là giải pháp góp phần tăng năng suất lao động; đồng thời là quy trình nâng cao kỹ năng về an toàn lao động tại nơi làm việc cho người lao động.

Thực tế cho thấy, hiện đa phần người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ kỹ năng rất hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng của cả nền kinh tế nói chung còn thấp. Bản thân quyền lợi của người lao động cũng không được bảo đảm. Họ không được bảo vệ thỏa đáng do không có chứng nhận, công nhận về trình độ và đối mặt với những rủi ro về an toàn lao động (do thiếu kỹ năng lao động), bị trả lương thấp, bị sa thải bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi, mở rộng ngành nghề kinh doanh...

Chính vì thế, nhiều chuyên gia lao động đã có rằng, việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ do những nghề, công việc này cung cấp, từ đó nâng cao giá trị, hiệu suất kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc này thúc đẩy doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với quyền lợi người lao động; đồng thời cũng giúp người lao động có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp.

Thái Yến