Giải pháp nào đưa nước sạch đến tới từng hộ dân?

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:13 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết cũng như kiến nghị của HĐND thành phố, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả để đưa nước sạch đến tới từng hộ dân.

Dừng đầu tư các trạm cấp nước không hiệu quả

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, thời gian qua, UBND Thành phố đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, quy về một đầu mối quản lý nhà nước là Sở Xây dựng; điều chỉnh chất lượng nước đưa về một chỉ tiêu là nước sạch đô thị; chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để đẩy nhanh các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công xây dựng các nhà máy nước, phát triển mạng lưới cấp nước… Đồng thời, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ nguồn ngân sách trước đây để bàn giao cho các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm quản lý, vận hành đảm bảo hoạt động hiệu quả; dừng đầu tư các trạm cấp nước không hiệu quả…

Từ những nỗ lực trên, nếu như trước 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung là khoảng 897.000m3/ngày đêm thì hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung cho thành phố Hà Nội đạt khoảng 1.370.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân với chỉ tiêu khoảng 100-150l/người/ngày.

Riêng đối với các dự án nước sạch nông thôn, toàn thành phố có 119 công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, thế nhưng có tới 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đã đầu tư dở dang nhưng không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động. “Để bảo đảm việc cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn với chỉ tiêu cấp nước phù hợp cấp nước đô thị, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành kêu gọi các doanh nghiệp tiếp nhận các công trình nước sạch nông thôn để đầu tư nâng cấp, tiếp nhận quản lý tuy nhiên việc bàn giao cho doanh nghiệp gặp một số khó khăn, vướng mắc” - ông Lê Văn Dục cho biết.


Thời gian qua, HĐND thành phố thường xuyên giám sát công tác cung cấp nước sạch cho nhân dân Thủ đô
Ảnh: P. Long

Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, có nhiều nguyên nhân khiến tình hình cung cấp nước sạch không đạt trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực sự đạt được mục tiêu mà thành phố đã đề ra. Cụ thể, công tác tuyên truyền vận động người dân đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ nước chưa thực sự hiệu quả; việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển mạng lưới cấp nước, công tác GPMB chậm. Trong khi đó, từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạch của người dân nông thôn là nước giếng đào, giếng khơi, nước mưa, nước giếng khoan, nước ao hồ, sông suối…, khi hệ thống cấp nước sạch tập trung được đầu tư xây dựng thì những hộ có điều kiện kinh tế khá thì đấu nối sử dụng nhưng lượng nước sử dụng thấp (chủ yếu dùng cho ăn uống), còn nước sử dụng cho sinh hoạt sử dụng nguồn nước cục bộ hiện có. Đối với những hộ nghèo thì không đấu nối sử dụng nước sạch do phải trả chi phí sử dụng nước hàng tháng và chi phí đầu tư hệ thống mạng cấp nước sau đồng hồ… Chính vì vậy, tỷ lệ người sử dụng nước sạch ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp. Ngoài ra, việc bàn giao công trình nước sạch nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy được hiệu quả các công trình sẵn có.

Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch năm 2019 theo kế hoạch đề ra, Sở Xây dựng đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động người dân khu vực nông thôn đấu nối cấp nước vào nhà đạt 100%; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư phát triển mạng về mặt bằng, đấu nước vào nhà; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chất lượng công trình theo phân cấp; tổ chức kiểm tra đánh giá và tuyên truyền người dân ngừng khai thác nước ngầm tại các giếng khoan hộ gia đình

“Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn; các dự án phát triển mạng, tuyên truyền vận động nhân dân đăng ký đấu nối sử dụng nước sạch khu vực nông thôn nhằm mở rộng cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn” - ông Lê Văn Dục nhấn mạnh.

Về phía các sở, ngành, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn. Ngoài ra, các nhà đầu tư cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển mạng khu vực nông thôn hoàn thành trong năm 2019.

L. HUỲNH