Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế

Giải pháp tham vọng

- Thứ Năm, 22/08/2019, 07:28 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nhiều khó khăn bủa vây từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đồng nội tệ mạnh, hạn hán trầm trọng, dân số “già trước khi giàu”, Nội các Thái Lan vừa phải nhanh chóng thông qua gói kích thích trị giá 316 tỷ baht (khoảng hơn 10 tỷ USD).

Đặt nhiều mục tiêu

Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana, gói kích thích kinh tế trên, ước tính chiếm khoảng 1,9% GDP, sẽ gồm ba nhóm biện pháp chính. Đó là trợ cấp thêm cho những người có thu nhập thấp và người cao tuổi; giãn nợ đối với những nông dân bị thiệt hại bởi hạn hán; và các nỗ lực giảm nhẹ tác động của sự giảm tốc kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế Thái Lan như cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ... Được biết, 109 tỷ baht trong gói sẽ được trích từ ngân sách, phần còn lại sẽ được các tổ chức tài chính do Chính phủ quản lý cho vay.

Cụ thể, gói kích thích sẽ bao gồm 210 tỷ baht chi cho các khoản trợ cấp, cho vay ưu đãi và bảo đảm giá sản phẩm cho nông dân. Chính phủ cũng tìm cách cung cấp một loạt khoản phụ cấp như chi phí sinh hoạt, đi lại, trợ cấp gas nấu ăn hay đào tạo nghề cho người có thu nhập thấp, tùy thuộc vào số tiền họ kiếm được hàng năm. Ngoài ra, Thái Lan còn thực hiện nhiều biện pháp để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện khả năng tiếp cận với nguồn vốn cũng như tăng cường đầu tư máy móc. Theo Bộ trưởng Uttama, các biện pháp trên sẽ giúp bơm thêm ít nhất 200 tỷ baht tiền lưu thông vào nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.

Văn phòng Chính sách tài khóa Thái Lan (FPO) ước tính, các biện pháp kích thích sẽ giúp tăng trưởng GPD tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, theo đó nâng tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm 2019 lên 3,5%. Theo Giám đốc FPO Lavaron Sangsnit, nếu không có gói kích thích kinh tế, tăng trưởng GPD của Thái Lan năm nay có thể chỉ ở mức 3%, so với mức 4,1% của năm 2018.

Cũng là một phần của gói này, Nội các Thái Lan nhất trí gia hạn chính sách miễn phí thị thực nhập cảnh tại điểm đến đối với khách du lịch từ 19 quốc gia đến tháng 4.2020. Chính sách miễn thị thực hiện hành đối với 21 nước sẽ hết hạn vào cuối tháng 10 tới. Chính phủ đã bác bỏ đề xuất gây nhiều tranh cãi, trong đó cho phép du khách từ Trung Quốc và Ấn Độ có thể tới nước này mà không cần thị thực với lý do an ninh. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 1.500 baht/người cho 10 triệu công dân để thúc đẩy du lịch trong nước. Sự tăng giá của đồng baht và tình trạng sụt giảm lượng du khách Trung Quốc thời gian qua đang ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch Thái Lan, đe dọa kỳ vọng của đất nước chùa Vàng đón con số kỷ lục 40 triệu lượt du khách vào cuối năm nay.

Thực tế, nền kinh tế Thái Lan đã giảm tốc từ sau cuộc chính biến năm 2014. Ngày 19.8 vừa qua, Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) công bố báo cáo cho biết GDP nước này trong quý II.2019 chỉ tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm nhất kể từ quý III.2014. Nguyên nhân là cả du lịch và xuất khẩu, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng quốc gia, đã giảm mạnh do tác động xấu từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đồng baht mạnh. Năm nay, đồng baht của Thái Lan đã tăng khoảng 5,6% so với đồng USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất tại châu Á. Ngoài ra, già hóa dân số cũng trở thành vấn đề đau đầu, đặc biệt là khi đất nước vẫn còn nghèo. Số liệu mới đây của Liên Hợp Quốc cho thấy, mức sinh tại Thái Lan đã giảm xuống tương đương với 2 nước phát triển là Thụy Sĩ và Phần Lan. Dự báo tới năm 2030, hơn 1/4 dân số Thái Lan sẽ trên 60 tuổi và hầu hết vẫn nghèo. Tiêu cực hơn, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lực lượng lao động giảm sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong hai thập kỷ tới. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đang tụt hậu về tăng trưởng kinh tế so với các quốc gia trong khu vực, với mức tăng trưởng trung bình năm giảm đều mỗi thập kỷ từ những năm 1990, từ 5,3% còn 4,3% và hiện ở mức trên 3%. 

Nỗ lực không ngừng

Bên cạnh gói kích thích kinh tế vừa được thông qua, Thái Lan thời gian gần đây cũng chú trọng đưa ra các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế. Còn nhớ, hồi tháng 5, Chính phủ đã nỗ lực biến đất nước chùa Vàng thành điểm trung chuyển giao thông của 6 quốc gia Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Theo đó một dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 100 tỷ baht (hơn 3 tỷ USD) sẽ được triển khai ở các tỉnh vùng biên của đất nước.

Các hạng mục cơ sở hạ tầng trong dự án trên bao gồm một đường sắt ray kép, nhiều cây cầu, đường bộ cũng như các trung tâm vận tải nguyên liệu cho các tỉnh biên giới của Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam. Mục đích là tạo ra “các hành lang kinh tế” và hệ thống quản trị hậu cần, kho vận (logistics) nhanh hơn cho 6 nước liên quan. Năm tỉnh biên giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Thái Lan với các nước láng giềng trong khu vực.

Tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha đã có buổi trình bày cương lĩnh chính sách điều hành trước Quốc hội. Tại đó, ông tuyên bố cam kết bảo đảm thu nhập cho nông dân, ổn định giá nông sản; duy trì kỷ luật tài chính tiêu chuẩn cao, thực hiện cải cách thuế. Mục tiêu của cương lĩnh là đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển thông qua 12 chính sách ngắn hạn và 12 chính sách dài hạn. Trong đó, tập trung đặc biệt vào dự án Hành lang kinh tế phía đông (EEC). EEC là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan, trải rộng trên các tỉnh miền đông là Chon Buri, Rayong và Chachoengsao với mục tiêu biến các tỉnh nói trên thành trung tâm công nghệ, chế tạo và dịch vụ, kết nối với các nước ASEAN bằng đường bộ, đường biển và hàng không vào năm 2021.

Ngọc Minh tổng hợp