Giảm giờ làm là xu thế tất yếu

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:36 - Chia sẻ
Trước nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề về thời giờ làm việc, nhiều đại biểu Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng việc giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần đối với đối tượng lao động trực tiếp là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giờ làm them

Về vấn đề thời giờ làm việc, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu khẳng định Đảng và Nhà nước ta trong các chính sách rất quan tâm đến người lao động và coi đây là đối tượng được thụ hưởng đầu tiên các thành quả mà do chính họ làm nên. Đồng thời, ngay trong Điều 35 Hiến pháp năm 2013 có quy định rất rõ “người làm công hưởng lương được hưởng công bằng về điều kiện lao động và an toàn lao động”. Tuy nhiên, có một thực tế là từ năm 1999 Chính phủ mới chỉ quy định về tuần làm việc của khu vực công là 40 giờ, còn khu vực ngoài nhà nước đến nay vẫn đang bàn là nên làm bao nhiêu giờ cho phù hợp.

Trước ý kiến cho rằng hiện nay đang có sự chênh lệch lương giữa khu vực nhà nước và tư nhân, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng theo Nghị quyết 27 về chính sách tiền lương thì từ năm 2021 trở đi mục tiêu đặt ra là lương ở khu vực cán bộ, công chức, viên chức là mức lương thấp nhất, bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. “Như vậy, lương của công chức, viên chức và lương của doanh nghiệp từ năm 2021 sẽ tiếp cận nhau, sẽ không còn sự khác nhau về mặt thu nhập giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nữa. Đây là một trong những căn cứ chúng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu để điều chỉnh thời gian làm việc xuống 44 giờ” - ĐBQH Ngọ Duy hiểu nhấn mạnh.

Còn ĐBQH Đào Tú Hoa đề nghị Chính phủ có quy định bảo đảm thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giờ làm thêm. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tiếp tục nghiên cứu để hướng tới xu hướng tiến bộ tăng lương, giảm giờ làm, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn, năng suất lao động cao thì có phương án giảm giờ làm phù hợp.


ĐBQH Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Ngành y tế gặp khó nếu phải làm việc 7 ngày/tuần

Đồng tình với quan điểm của ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho rằng chúng ta nên làm 44 giờ/1 tuần đối với những lao động trực tiếp để một năm họ có thêm 200 giờ (tương đương với 25 ngày lao động) nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình. “Việc giảm 4 giờ/1 tuần có thể tác động đến doanh nghiệp, tác động đến thu ngân sách nhà nước nhưng đây cũng là áp lực quan trọng để doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện công nghệ để nâng cao năng suất lao động, bắt kịp thời đại. Do vậy tôi rất mong muốn Quốc hội sẽ giảm giờ làm việc của người lao động xuống 44 giờ/1 tuần” - ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn đề xuất.

ĐB cũng cho rằng trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ 15/63 tỉnh, thành cử tri mong muốn ngành y tế phải làm việc cả tuần; đồng thời, trong điều khoản của Luật khám, chữa bệnh cũng yêu cầu làm cả thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, thực tế đây là vấn đề khó thực hiện bởi nếu làm việc 7 ngày/1 tuần với người lao động trong ngành y tế thì chúng ta đang sai luật, cho dù đó là luật cũ hay luật mới. Bên cạnh đó, để làm việc thêm 2 ngày so với 5 ngày hiện nay thì chúng ta phải tăng biên chế lên khoảng 20 đến 30% biên chế mới bảo đảm được. Trong khi đó, làm việc ngoài giờ, thêm giờ hay làm vào ngày nghỉ, lễ, Tết thì tiền công của người lao động phải tăng gấp 2 tới 3 lần ngày làm việc bình thường.

“Trong khi đó tiền công, tiền lương của người thầy thuốc đang tính trong giá dịch vụ dựa trên lương cơ bản thì thấp hơn lương cơ bản Chính phủ đang quy định, vậy thì các cơ sở y tế lấy tiền đâu ra để bù vào khoản chênh lệch đó” - ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn đặt câu hỏi.

LONG HUỲNH