Nhịp cầu

Giảm mức vốn huy động đóng góp cho người dân khu vực khó khăn

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:40 - Chia sẻ
Căn cứ Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, ngày 19.4.2018, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Ngày 9.12.2018, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Đến nay, theo báo cáo của UBND tỉnh, do việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hàng năm của Trung ương cho tỉnh không bảo đảm mức bình quân, vốn đầu tư tập trung lớn vào năm cuối của giai đoạn, dẫn tới một số xã không thể giải ngân hết nguồn vốn được giao. Nguyên nhân chủ yếu do vốn huy động thực hiện chương trình gặp khó khăn do số hộ dân trong thôn ít, thu nhập bình quân đầu người thấp; mức huy động của các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp không thể đáp ứng theo tỷ lệ quy định (nguồn vốn đầu tư năm 2020 gấp 3,3 lần so với bình quân của giai đoạn 2016-2019, đồng nghĩa việc huy động mức đóng góp cũng phải gấp 3,3 lần). Trong khi đó, một số xã dự kiến đạt chuẩn NTM đang thiếu vốn đầu tư hạ tầng. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh mức hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng nông thôn và điều chỉnh vốn đầu tư thuộc xây dựng NTM.

Qua khảo sát tại một số địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy: Mức huy động đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn mới tỷ lệ thuận với kế hoạch vốn được giao, gây áp lực cho người dân cũng như thôn, xã khi được phân bổ vốn lớn, dẫn tới khó giải ngân hết được nguồn vốn trong năm cuối thực hiện chương trình. Việc điều chỉnh vốn chủ yếu từ các xã khó khăn, có số vốn đầu tư lớn cho các xã ít khó khăn hơn, các xã đã đạt tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, việc bố trí mặt bằng xây dựng các công trình gặp khó khăn do địa hình đồi núi cao, không đủ diện tích đất để xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn...

Thực tế trên cho thấy, để giúp các xã được đầu tư hạ tầng, người dân thuộc khu vực khó khăn được hưởng lợi, rút ngắn khoảng cách giữa các xã trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, việc điều chỉnh tăng mức đầu tư của ngân sách nhà nước, giảm mức vốn huy động đóng góp là cần thiết. Tuy vậy, cần xem xét bổ sung một số nội dung ngoài 4 danh mục đề xuất giảm mức huy động vốn (nhà văn hóa xã, hạng mục chợ chính của chợ nông thôn, trường học, trạm y tế xã) để người dân vùng khó khăn có điều kiện tham gia, hưởng lợi, tránh thiệt thòi khi phải điều chỉnh vốn cho xã khác. Bên cạnh đó, cần rà soát danh mục các dự án dự kiến điều chỉnh tăng, giảm tại các xã có vốn điều chỉnh, nhất là danh mục xây dựng nhà họp thôn, xây dựng kênh mương tại các xã để có cơ sở xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng nông thôn, điều chỉnh vốn đầu tư chương trình xây dựng NTM giữa các xã cho phù hợp.

THANH HƯƠNG