Giảm nhẹ cú sốc Covid-19 với thị trường lao động

- Thứ Hai, 06/07/2020, 05:15 - Chia sẻ
Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng. Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, cần có những giải pháp để giảm nhẹ cú sốc Covid-19 đối với thị trường lao động cũng như hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hậu quả tất yếu

- Hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã sa thải hàng loạt nhân công vì thiếu đơn hàng. Bà nhận định gì về vấn đề này?

- Theo tôi, không nên nghĩ đây là giai đoạn hậu Covid-19 bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Chúng ta vẫn đang trong dịch và phải chịu những tác động nặng nề ở ít nhất ba khía cạnh là sức khỏe, kinh tế và thị trường lao động.

Trong bối cảnh nước ta đang rất chú trọng xuất khẩu, việc các thị trường quốc tế và trong nước bị đóng băng, đứt gãy, đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Mới đây, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng thị trường lao động bị tác động rất mạnh. Vì vậy, đối với các công ty, tình trạng thiếu việc làm cho người lao động là hậu quả tất yếu, không có gì đáng ngạc nhiên.

- Theo bà, sa thải nhân viên có phải chỉ là giải pháp tình thế của doanh nghiệp hay không?

- Tôi nghĩ rằng đây không phải là giải pháp tình thế. Đại dịch này là một cú sốc y tế nhưng lại liên quan mật thiết đến kinh tế nói chung, thị trường lao động nói riêng. Hầu hết chuyên gia trên thế giới cũng nhận định rằng mọi lĩnh vực đều chịu tác động tiêu cực và rất khó để có thể quay trở lại nền kinh tế như trước dịch. Cho nên, các doanh nghiệp giãn giảm nhân công, cơ cấu lại nhân sự là việc làm mang tính giải pháp vừa ngắn hạn vừa trung hạn.

- Theo quan sát của bà, thị trường lao động thời gian qua có gì thay đổi?

- Thời gian vừa qua, hình thức làm việc trực tuyến đã phát huy được thế mạnh của mình. Tôi nghĩ rằng, thị trường việc làm online sẽ tăng trưởng mạnh, chỉ có một số công việc thuộc các ngành đặc thù sử dụng nhiều lao động như: xuất nhập khẩu, dệt may, da giày, thương mại, du lịch… là giảm đáng kể. Chắc chắn không chỉ trong thời gian ngắn mà có thể kéo dài đến hết năm nay, sang năm và trong tương lai những ngành đó sẽ phải cấu trúc lại thị trường lao động. Cho nên, các công ty sa thải lao động cũng chỉ là tình huống bất đắc dĩ. Bên cạnh đó cần có những giải pháp để giảm bớt cú sốc Covid-19 gây ra cho thị trường lao động và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu lao động.

Cần hơn nữa hỗ trợ từ Chính phủ

- Doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề an sinh xã hội?

- Khi người lao động mất việc thì ảnh hưởng đầu tiên là thu nhập giảm, không có thu nhập, dẫn tới đời sống của gia đình họ khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, khả năng người lao động quay trở lại việc làm cũ rất là khó. Những đối tượng lừa đảo núp bóng môi giới việc làm, “tín dụng đen” sẽ nhân cơ hội này trục lợi bất chính, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường.

- Theo bà, Nhà nước cần có giải pháp gì hỗ trợ những người bị mất việc làm vì dịch bệnh?

- Đối với những đối tượng thất nghiệp cần phải phân chia thành những người có và không có bảo hiểm thất nghiệp. Tôi nghĩ rằng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cần phải tiếp tục triển khai, đi theo hướng mới mang tính chất trợ cấp. Tỷ lệ người đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chiếm chưa đến 20%, nên cần có những chính sách trợ giúp để họ có mức thu nhập tối thiểu khi mất việc.

Hơn nữa, từ năm 2013 Luật Việc làm có chương trình “việc làm công”. Đó là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Ví dụ, ở nông thôn là những công việc phát triển cộng đồng, còn ở thành phố, thị xã là những việc về dịch vụ xã hội của đô thị. Theo tôi, Chính phủ cần phải phát triển hơn nữa chương trình việc làm công, nhất là khi dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, có một số chính sách trợ giúp như tăng cường giảm giá điện chứ không chỉ trong 3 tháng cao điểm dịch tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp thì giảm mức đóng thuế và chi phí phát sinh, đối với người lao động cần tăng cường chi trả an sinh xã hội, tăng cường hỗ trợ tiền điện, tiền nước…

- Xin cảm ơn bà!

Minh Trang thực hiện