Chính sách và cuộc sống

Giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm minh

- Thứ Năm, 14/11/2019, 07:59 - Chia sẻ
Mùa hè năm 2019 thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền Trung kéo dài và đạt mức kỷ lục. Nhưng nếu những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng, dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.

Ngày 27.6, nông dân Nguyễn Thị Hảo, 36 tuổi, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7 hecta. Sau đó, Nguyễn Thị Hảo bị Tòa án Nhân dân huyện Hương Sơn tuyên phạt 2 năm tù. Ngày 28.6, một nông dân khác là Phan Đình Thành, 46 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan sang rừng phòng hộ và cũng bị khởi tố, bắt tạm giam… Những vụ việc như vậy khiến chúng ta rất đau lòng, nhiều nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì lại phải vào tù, trong khi hoàn toàn có thể phòng tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức người dân.

Từ xa xưa, ông bà ta đã dạy “nước xa không cứu được lửa gần”. Báo cáo giám sát đưa ra nhận định hoàn toàn xác đáng rằng hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, làm nhiều nhưng đọng lại ít, mới chỉ tập trung tuyên truyền ở địa bàn thành phố, thị trấn, còn ở địa bàn xa chưa thực sự được quan tâm, thậm chí có nơi còn bỏ trống, người dân ít được tuyên truyền hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó.

Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đặc biệt là cho chính quyền các cấp, trong bối cảnh chúng ta chưa đủ nguồn lực, thiếu kinh phí hoạt động nhưng khi tổ chức thực hiện vẫn mang tính hình thức, đối phó, làm cho có, thì làm sao có thể đạt được hiệu quả như mong muốn? Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay nước ta có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC, trong đó có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành về PCCC; 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC. Thử hỏi có bao nhiêu tổ chức, cá nhân, người dân nắm được, hiểu được và thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn này? Nếu không, nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu xung quanh cuộc sống của chúng ta.

Công tác bảo đảm thực thi pháp luật về PCCC cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức phải chấn chỉnh. Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ rõ, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy cơ cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7.2018 cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tại sao có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ? Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này. Đặc biệt, với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải bảo đảm các điều kiện PCCC theo quy định.

PCCC phải được thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật. Nhưng thực tế lại đặt ra rất nhiều lo lắng. Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây 3 năm, cũng thời điểm QH đang họp thì xảy ra vụ cháy tại quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, hậu quả rất thương tâm. Lúc đó, báo chí, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về thực hiện pháp luật về PCCC như thế nào khi những quán karaoke chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã tự ý hoạt động và kinh doanh. Tương tự là các nhà hàng, nhà nghỉ, khu chợ… Có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép, trong khâu kiểm tra, giám sát các loại hình dịch vụ này? Báo cáo giám sát cho thấy, hàng nghìn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều hecta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi. Nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC? Tôi cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra.

Qua giám sát lần này, lỗ hổng pháp luật đã được phát hiện và sẽ được bịt lại. Kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù. Nhưng những lỗ hổng về nhận thức, khoảng trống về trách nhiệm phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để lấp đầy. Tôi đề nghị trong Nghị quyết của QH tới đây cần quy định hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong PCCC. Chỉ có giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm minh mới chấm dứt được những tồn tại như báo cáo đã nêu, nhất là tình trạng ở nhiều địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về PCCC hay có địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không xử lý vi phạm hành chính dẫn đến hồ sơ phải chuyển lên theo ngành dọc để tiến hành xử phạt... 

ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)
PV lược ghi