Giám sát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đối với huyện Gia Lâm và Đan Phượng

- Thứ Ba, 14/07/2020, 11:03 - Chia sẻ
Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND hai huyện Gia Lâm và Đan Phượng về tình hình, kết quả thực hiện Bghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020

Theo báo cáo của huyện Gia Lâm, giai đoạn 2017-2020, tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 13.798 tỷ đồng, bằng 184,4% dự toán giao; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt dự toán thành phố và huyện giao; trong đó, tỷ lệ tăng thu hàng năm bình quân đạt trên 25%, tỷ lệ đóng góp của Gia Lâm trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng dần qua các năm.

Theo đánh giá việc thực hiện quy định về tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn này, huyện Gia Lâm cho rằng có một số nội dung chưa phù hợp. Chẳng hạn theo quy định Luật Đất đai, nguồn thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản xã chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, nguồn thu này hiện được cân đối với nhiệm vụ chi thường xuyên của cấp xã. Mặt khác, hiện nay, quỹ đất công ích của các xã, thị trấn ngày càng giảm, vì vậy, rất khó khăn cho việc hoàn thành kế hoạch giao hàng năm.

 

Về cơ bản, định mức phân bổ chi thường xuyên đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho huyện chủ động trong quá trình điều hành, quản lý ngân sách cấp mình, đồng thời, nâng cao được trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, định mức phân bổ chi thường xuyên cũng còn một số bất cập. Ví dụ, định mức chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo có sự bất cập giữa các trường, đối với trường có nhiều giáo viên hệ số lương cao nhưng lại ít học sinh so với các trường có nhiều học sinh mà giáo viên hệ số lương thấp. Ngoài ra, đối với lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP thì không được tính trong qũy tiền lương để giao cho các cơ quan, đơn vị, vì vậy, khó khăn trong việc cân đối nguồn để giao dự toán.

Đối với huyện Đan Phượng, giai đoạn 2017-2020, huyện có mức tăng trưởng và phát triển khá nhanh. Tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện, giai đoạn 2017-2020, đạt khoảng 2.223 tỷ đồng đồng, bằng khoảng 136% dự toán giao; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều vượt dự toán thành phố và huyện giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân cấp cũng có một số bất cập, đó là nhiệm vụ chi bồi dưỡng đối với cán bộ công chức, viên chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo được phân bổ theo định mức biên chế không đảm bảo chi cho nhiệm vụ liên quan đến tiếp công dân mà phải bổ sung ngoài định mức. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, rà soát, xây dựng và hoàn thiện các VBQPPL được phân bổ theo biên chế của Phòng Tư pháp nên chưa đảm bảo cho nhiệm vụ chi, do đó, cũng phải bổ sung ngoài định mức.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát ghi nhận, thời gian qua, hai huyện Đan Phượng và Gia Lâm đã chủ động tổ chức quán triệt việc thực hiện nghị quyết, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ thu - chi theo phân cấp. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn, việc phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phần trăm phân chia đối với một số khoản thu của hai huyện chưa đủ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chi đã phân cấp. Phân cấp nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế xã hội còn bất cập; việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên thực tế còn chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu dân sinh. Định mức phân bổ chi ngân sách trong một số lĩnh vực còn thấp, chưa đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chi.

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị hai huyện Đan Phượng và Gia Lâm tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghị quyết của HĐND thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi theo từng lĩnh vực gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội tại huyện và xã; tiếp tục quan tâm chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn chi chủ động bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hai huyện cần nâng cao năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chi, giảm các khoản kết dư, chuyển nguồn ngân sách hàng năm, để bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh của người dân.

Nhấn mạnh hai huyện Đan Phượng và Gia Lâm là hai địa phương đang thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, thời gian tới, hai địa phương cần làm rõ thêm lộ trình thực hiện, khả năng đạt được các tiêu chí còn chưa bảo đảm, đặc biệt là tiêu chí về khả năng tự cân đối ngân sách.

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị các sở, ngành của thành phố thời gian tới rà soát, chủ động đề xuất, tham mưu cho thành phố nội dung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu cho kỳ ổn định ngân sách tiếp theo giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và việc thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận của hai địa phương.

Đối với các kiến nghị của 2 huyện, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu UBND và HĐND thành phố phương án phân cấp quản lý, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia nguồn thu và định mức phân bổ ngân sách giai đoạn ổn định 5 năm tới đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn.

PHI LONG