Giảm thiểu tác động của Covid-19 tới thanh niên, trẻ em

- Thứ Ba, 22/09/2020, 21:38 - Chia sẻ
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, đã ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ trẻ và công tác thanh niên, trẻ em. Đây là khẳng định của nhiều đơn vị tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
Toàn cảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc với các bộ, đơn vị về lĩnh vực thanh niên và trẻ em chiều 22.9

Trẻ em chịu nhiều tác động của Covid-19

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập của trẻ em; đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại trung ương, địa phương, đặc biệt các tỉnh, thành phố bị tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Nguy cơ cao trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng do các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến; lịch tiêm chủng trẻ em bị gián đoạn, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em bị hạn chế; ước tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non; nguy cơ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi bị gián đoạn học tập do không đủ điều kiện phục vụ học trực tuyến; xu hướng cha mẹ cho trẻ em tham gia lao động, kiếm sống để bù đắp thiếu hụt về thu nhập; quyền vui chơi, giải trí của trẻ em bị hạn chế do việc dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày Báo cáo về lĩnh vực trẻ em
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo về lĩnh vực trẻ em

Nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đã tham mưu Chính phủ kịp thời chỉ đạo bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có trẻ em là đối tượng bảo trợ xã hội hoặc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tham mưu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chỉ đạo các bộ, ngành, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 địa phương có biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh, xây dựng một số hướng dẫn an toàn cho trẻ em, phụ nữ tại khu cách ly tập trung, tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai các nghiên cứu dự báo tác động và chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế về tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt vấn đề bảo vệ trẻ em, trong các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Trẻ em; các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em và pháp luật, chính sách về việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là triển khai các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 tác động đến trẻ em; việc phân công, bố trí nhân lực, ngân sách để thực hiện Luật Trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, tổ chức, địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, giám sát việc lồng ghép, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bộ, ngành, địa phương và quốc gia. Quyết định dành tỷ lệ ngân sách hằng năm phù hợp cho việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên cho công tác bảo vệ trẻ em...

Việc làm - vấn đề nan giải của thanh niên

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc làm thanh niên trong và sau đại dịch Covid-19 là vấn đề nan giải trong thời điểm hiện nay. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, doanh nghiệp bị phá sản, người lao động không có việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, ngày càng gia tăng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tích cực có biện pháp khắc phục, thực hiện thành công mục tiêu kép là chiến thắng đại dịch Covid-19 và bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho thanh niên.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc làm thanh niên trong và sau đại dịch Covid-19 là vấn đề nan giải trong thời điểm hiện nay,
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc làm thanh niên trong và sau đại dịch Covid-19 là vấn đề nan giải trong thời điểm hiện nay

Đồng tình với ý kiến trên, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng: Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động giới thiệu việc làm của Trung ương Đoàn, dù đã tăng cường tổ chức các hoạt động online. Việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng bị suy giảm, do đầu ra khó khăn, doanh nghiệp khởi nghiệp điêu đứng. Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại thanh niên cũng chịu ảnh hưởng.

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn trình bày báo cáo về lĩnh vực thanh niên

Về hoạt động thanh niên, theo báo cáo của Trung ương Đoàn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp bộ Đoàn đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Các cấp bộ đoàn đã chủ động rà soát, điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác, lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh, với yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Đa dạng hóa phương thức triển khai phong trào, chương trình, hoạt động. Các phong trào, chương trình của Đoàn có nhiều đổi mới trong thiết kế nội dung, phương thức triển khai, đặc biệt trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phòng chống xâm nhập mặn ở miền Tây. Các cấp bộ đoàn đã huy động tổng lực các lực lượng đoàn viên, thanh niên địa bàn, phát huy các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để tuyên truyền về phòng, chống dịch; tổ chức các đội hình thanh niên xung kích tham gia tuyến đầu chống dịch; kêu gọi, vận động nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho nhân dân; thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai… Qua đó làm nổi bật hình ảnh đẹp về lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới xung kích, tình nguyện, sáng tạo, luôn dấn thân, đi tuyến đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của đất nước, tình nguyện vì cộng đồng...

Trung ương Đoàn cũng đánh giá, những tác động của dịch bệnh và xu hướng chuyển đổi số, ngày càng có những biến động lớn trong công tác thanh niên, nên hoạt động của Đoàn cũng có những biến chuyển, có các chương trình nhằm hướng tới 2 đối tượng: Đối tượng tinh hoa, có tài năng, và đối tượng yếu thế trong cơ hội phát triển, từ đó, tăng mặt bằng chung của thanh thiếu nhi Việt Nam. Tuy nhiên, để cân bằng trong chăm lo, phát huy thanh thiếu nhi, Trung ương Đoàn cho rằng cần sự chỉ đạo của Quốc hội trong việc ban hành chính sách trên cơ sở Luật Trẻ em, Luật Thanh niên; đồng thời đề nghị Quốc hội có kế hoạch giám sát việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên (sửa đổi) và kiến nghị Chính phủ cấp ngân sách để triển khai các nhiệm vụ được quy định trong Luật, quan tâm tới công tác cán bộ làm nhiệm vụ chăm lo trẻ em, thanh niên và các thiết chế cho thanh niên, trẻ em...

Ngọc Phương