Triển khai Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa ung bướu

Giảm tỷ lệ chuyển tuyến

- Thứ Ba, 02/07/2019, 08:39 - Chia sẻ
Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phải chuyển lên tuyến trên điều trị đã giảm nhanh sau 5 năm triển khai Dự án Bệnh viện vệ tinh đối với chuyên khoa ung bướu. Giám đốc Bệnh viện K Trung ương Trần Văn Thuấn chia sẻ như vậy tại Hội nghị hợp tác, hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt được tổ chức mới đây.

Trực tiếp chuyển giao kỹ thuật

Thực hiện đề án quy hoạch phát triển mạng lưới ung thư và sau 5 năm triển khai dự án bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, hiện nay cả nước đã có 8 bệnh viện chuyên khoa ung bướu và 72 trung tâm, khoa điều trị ung bướu thuộc các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, giúp giảm cơ bản tình trạng bệnh nhân ung bướu phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Tại buổi khám sàng lọc ung thư tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, tỉnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương Trần Văn Thuấn cho biết, hiện tại, Bệnh viện K Trung ương đã trực tiếp thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho 42 đơn vị điều trị ung bướu thông qua mô hình bệnh viện vệ tinh gồm cả công và tư, trong đó các bệnh viện vệ tinh mới nhất sắp triển khai là Bệnh viện Lạc Việt ở Vĩnh Phúc và một bệnh viện ở Nghệ An; cũng như thực hiện Đề án 1816 tăng cường y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới công tác.

Khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Vĩnh Phúc Nguồn: ITN

Ông Thuấn cũng cho biết, với trách nhiệm của đơn vị đầu ngành về thăm khám, chẩn đoán, điều trị ung thư khu vực phía Bắc cũng như trách nhiệm với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trước khi tiếp nhận các bệnh viện là bệnh viện vệ tinh, với vai trò là bệnh viện hạt nhân, Bệnh viện K Trung ương đã cử các đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá nhu cầu tiếp nhận kỹ thuật cũng như điều kiện nhân lực, trang thiết bị để bảo đảm việc chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả.

Đối với Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, thời gian tới, các bác sĩ của Bệnh viện K Trung ương sẽ trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong điều trị ung thư như phẫu thuật, phác đồ điều trị, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân giai đoạn cuối, hội chẩn ca bệnh khó theo hình thức trực tuyến cùng Bệnh viện để nâng cao năng lực phòng bệnh, phát hiện; nâng tầm chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư ngay tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt Đỗ Trọng Thủy cũng bày tỏ, với sự hỗ trợ của bệnh viện hạt nhân, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt sẽ trở thành cơ sở điều trị ung thư uy tín trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giúp giảm tải một phần tại các cơ sở điều trị ung thư tuyến trung ương, cũng như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh trong khu vực trong và ngoài tỉnh.

Tỷ lệ chuyển tuyến giảm

 Từ nay đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh mở rộng chuyển giao kỹ thuật thêm các chuyên khoa khác như nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu và chống độc; đồng thời thiết lập hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa tại tất cả các bệnh viên hạt nhân và vệ tinh để chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bệnh nhân, tiếp tục giảm tỷ lệ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên.

Việc chuyển giao kỹ thuật thông qua Đề án bệnh viện vệ tinh thời gian qua đã đáp ứng 80% nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới, giúp các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của người dân mà không cần chuyển tuyến. Một số bệnh viện trước đây tỷ lệ chuyển tuyến gần 100% đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10% - 20%. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ chuyển tuyến với bệnh nhân ung thư hiện chỉ còn khoảng 10%, trong khi trước triển khai bệnh viện vệ tinh, tỷ lệ này từng lên đến 90%. Hay tại Phú Thọ, nếu như trước đây bệnh nhân chuyển tuyến lên tới 95%, này chỉ còn 5%.

Việc triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh không chỉ giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên điều trị, nâng cao trình độ bác sỹ tuyến dưới, mà còn giúp bệnh viện K giảm tải bệnh nhân. Theo Giám đốc Bệnh viện K Trung ương Trần Văn Thuấn, Bệnh viện K Trung ương hiện có 4 cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nội, năm 2018, khám hơn 417.000 lượt bệnh nhân và ngày càng quá tải do số lượng bệnh nhân tăng nhanh; công suất giường bệnh của Bệnh viện K Trung ương lên tới trên 300%, nhiều khoa phòng đặc biệt quá tải. Tuy nhiên, gần đây, thống kê cho thấy, công suất giường bệnh của bệnh viện chỉ còn 106%, tình trạng quá tải đã giảm rất nhiều và sắp tới sẽ còn giảm thêm.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát cho thấy mỗi năm, Việt Nam ghi nhận trên 165.000 người mắc ung thư mới, trên 110.000 người tử vong do ung thư; 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn làm giảm cơ hội được điều trị khỏi đồng thời tăng chi phí điều trị. Do đó, bên cạnh việc ưu tiên cho các bệnh viện vệ tinh về chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ điều trị, Bệnh viện K Trung ương cùng các bác sĩ của bệnh viện vệ tinh rất chú trọng công tác tầm soát ung thư. Theo đó, các bệnh viện thường xuyên triển khai hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư, cung cấp kiến thức phòng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ung thư cho cộng đồng ngay tại địa phương.

Hiểu Lam