Giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện xuống mức thấp nhất

- Thứ Tư, 02/10/2019, 08:24 - Chia sẻ
Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, cũng là nguyên nhân gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện còn nặng hơn chính bệnh mà bệnh nhân mắc phải. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Gánh nặng trong chăm sóc y tế

Mặc dù kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh, song, theo kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện năm 2019, tại khoa gây mê hồi sức, có 53,9% dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; 31,2% đơn vị không có giám sát vi sinh không khí và môi trường; còn hơn 11% khoa không giám sát tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn… Đáng lưu ý, hơn 1/4 số khoa gây mê hồi sức được khảo sát không sử dụng kháng sinh dự phòng cho người bệnh phẫu thuật.

Trong khi đó, tại khoa hồi sức tích cực, 56,1% dụng cụ không được xử lý tập trung; 21% đơn vị không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và vẫn còn khoảng 22,6% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn; chưa đến 50% số khoa được khảo sát có biển cảnh báo về khu vực cách ly.

Dẫn chứng rõ hơn về nội dung này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, khảo sát tại khoa hồi sức tích cực của 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%; tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Đặc biệt, các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.


Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai Nguồn: ITN

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7 - 19,1%. 

Băn khoăn về nguồn lực

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, đến nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống giám sát nhiễm khuẩn tại 6 bệnh viện (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi đồng 1). Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai tại 12 bệnh viện thí điểm và tiến tới chuyển giao kỹ thuật giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện cho 30 bệnh viện tiếp theo. Tuy nhiên, để kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, điều quan trọng là phải giải quyết được vấn đề nguồn lực.

Theo các chuyên gia, một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy, việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp, hiệu quả. Chưa có chính sách thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết, có chuyên môn làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực giám sát chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn thiếu ở hầu hết các bệnh viện, đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo, do vậy, chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nhân lực điều dưỡng thiếu, chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện dẫn đến mỗi người bệnh phải có người nhà vào chăm sóc làm lan truyền vi sinh vật từ môi trường cộng đồng vào bệnh viện và ngược lại.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả trong các trường, do vậy các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế khác khi vào làm việc tại các cơ sở y tế chưa có đủ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Mặt khác, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng quy định. Thiết kế bệnh viện, đặc biệt thiết kế tại khoa hồi sức tích cực, gây mê hồi sức chưa bảo đảm về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện vẫn tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải. Thực tế đó đòi hỏi thủ trưởng các đơn vị phải cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành; thiết kế, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, phải bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, đã được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn; bảo đảm nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tăng cường nhân lực cho khoa hồi sức tích cực và gây mê hồi sức để bảo đảm chăm sóc toàn diện người bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đến mức thấp nhất.

Dương Cầm