Giao lưu trực tuyến Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5: Khoa học - Công nghệ với cuộc sống

- Thứ Tư, 16/04/2014, 15:16 - Chia sẻ
Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây là ngày hội để công chúng đến với khoa học công nghệ (KHCN), giao lưu với những người làm KH-CN và tìm hiểu về những thành tựu mới của KH-CN Việt Nam. Đây cũng là dịp tôn vinh, biểu dương đội ngũ làm công tác KH-CN; động viên các cá nhân, tổ chức áp dụng KH-CN phát triển sản xuất; tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KH-CN mới.

Nhân dịp này, Báo điện tử Đại biểu nhân dân phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH-CN, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5: KH- CN với cuộc sống. Sau đây là nội dung giao lưu:


Các khách mời tham dự buổi giao lưu

Ý nghĩa Ngày KHCN Việt Nam

Hoàng Thanh Châu (35 tuổi), Hà Nội: Luật KH-CN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 và ngày 18/5 tới đây, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam. Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Tại Kỳ họp thứ Năm - Quốc hội Khóa XIII, Luật KH-CN (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua với hơn 87,75% đại biểu tán thành. Quốc hội cũng thống nhất quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH-CN Việt Nam (Điều 7, Luật số 29/2013/QH13).

Ngày KH-CN sẽ thực sự trở thành ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học. Đây cũng chính là cơ hội để tuyên truyền phổ biến giáo dục về vai trò của KH-CN, đường lối chính sách, pháp luật phục vụ phát triển KH&CN như là quốc sách hàng đầu (Hiến pháp 2013). Mục đích của ngày KH-CN là không chỉ tạo ra ngày hội dành cho những người làm khoa học mà là cả xã hội nhằm nâng cao ý thức về KH-CN, ý thức tự trọng, tự tôn dân tộc và ủng hộ KH-CN. Đây phải trở thành ngày hội của tất cả mọi người.

Ngày KH-CN phải thực sự là ngày hội để động viên giới khoa học và toàn xã hội thi đua tạo ra và ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống; nâng cao tiềm lực và vị thế KH-CN quốc gia. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học; tiếp cận và tìm hiểu những kiến thức KH-CN; tri ân, tôn vinh những đóng góp, thành tựu KH-CN... Đặc biệt, là ngày KH-CN tạo sự ủng hộ, hậu thuẫn của cả xã hội đối với hoạt động KH-CN.

Nguyễn Ánh Dương (37 tuổi), Gia Lâm, Hà Nội: Ngày KH-CN Việt Nam 18/5 lần đầu tiên được tổ chức trong năm nay. Với tư cách là nhà khoa học trẻ, Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, cũng như cảm nhận của mình về ngày này?

PGS. TS Phạm Thành Huy: Xin cám ơn câu hỏi của bạn. Vừa là một giảng viên đại học, vừa là một cán bộ nghiên cứu khoa học, tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam được tổ chức. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để chúng tôi giới thiệu về mình và công việc nghiên cứu thường ngày của những người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Thế giới của chúng ta phát triển được như ngày nay, chính là nhờ một phần đóng góp rất lớn của khoa học và công nghệ, của những con người ngày đêm thầm lặng làm việc trong những phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Nhân dịp Ngày khoa học công nghệ Việt Nam - 18/5 được tổ chức, chúng tôi rất mong muốn những thông tin về KH-CN, công tác nghiên cứu khoa học sẽ giúp cộng đồng, công chúng có một cái nhìn rõ ràng hơn vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Quỳnh Nguyễn (45 tuổi), Cần Thơ: Quy định ngày khoa học và công nghệ Việt Nam vào trong Luật KH&CN là điểm mới, ý nghĩa và được công chúng chào đón. Vâng, xin ông cho biết, bắt nguồn từ đâu mà cơ quan trình dự luật có ý tưởng này?


TSKH Nghiêm Vũ Khải: Ở nước ta có nhiều ngày kỷ niệm như Ngày giỗ Tổ, Ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam… để tôn vinh, tri ân, khuyến khích động viên những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội và đất nước. Đồng thời, những ngày kỷ niệm đó cũng là dịp để xã hội nhìn nhận những việc đã làm được và những việc cần phải tiếp tục làm trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực.

Trên thế giới, ở các nước phát triển đều có ngày quốc gia về khoa học, thậm chí là tuần khoa học. Ở Mỹ có ngày KH&CN trẻ (NYSD) bắt đầu cách đây hơn 100 trăm năm. Ở Australia có tuần lễ KH&CN Quốc gia được tồ chức lần đầu tiên vào năm 1998 với mục tiêu đưa khoa học trở thành một văn hóa lớn, khơi dậy niềm đam mê khoa học của người dân. Năm 2013, Tuần lễ Khoa học quốc gia được coi là sự kiện lớn nhất của ngành khoa học Australia với hơn 1.750 sự kiện diễn ra trên khắp nước Australia từ ngày 10 - 18/8, trong đó có hơn 800 cơ quan nghiên cứu và trên 1,5 triệu người tham gia tổ chức sự kiện.

Từ những kinh nghiệm nêu trên, Ban soạn thảo Luật KH&CN do Bộ KH&CN chủ trì đã đề xuất quy định trong luật ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Sở dĩ chọn ngày 18/5 vì ngày này gắn với một sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử. Đó là, tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Ngày 18 tháng 5 năm 1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Trong câu nói này, Bác đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KH&CN. Đề xuất nêu trên của Bộ KH&CN đã được Chính phủ tán thành quy định trong dự thảo Luật và đã được Quốc hội thông qua, đúng 50 sau sau sự kiện lịch sử đối với ngành KH&CN nêu trên.

 Trần Phương Anh (48 tuổi) Ba Đình, Hà Nội: Là nhà quản lí - nhà khoa học, xin Ông cho biết việc tổ chức Ngày Khoa học và công nghệ ở Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của khoa học công nghệ ở nước ta?

 




GS. TS Nguyễn Hữu Đức: Từ khởi thủy, nghiên cứu khoa học đã có sứ mệnh phát hiện ra các tri thức mới và truyền bá các tri thức đó cho nhân loại. Cách truyền bá rất phong phú, có thể thông qua các bài giảng ở các trường học, đặc biệt là trường đại học; xuất bản các ấn phẩm (chủ yếu là sách và các bài báo trên tạp chí) và tổ chức hội thảo, hội nghị...

Trong xã hội thông tin như hiện nay, thông tin khoa học còn được phổ cập nhanh qua internet. Vài chục năm qua, để tuyên truyền về khoa học, thu hút, kêu gọi giới trẻ và công chúng đến với khoa học, chia sẻ tri thức và tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học và cộng đồng, các tổ chức và các quốc gia trên thế giới còn tổ chức ngày khoa học và công nghệ quốc gia. Ví dụ như ở Ấn độ, từ năm 1986, Ngày Khoa học quốc gia (National Science Day) đã được tổ chức vào ngày 28/2 hàng năm. Ở Pháp ngày Hội khoa học (La Fête de la Science hay còn gọi Science en fête) được tổ chức hàng năm từ 1992.

Trên phạm vi toàn cầu, nhiều ngày hội khoa học cũng đã được tổ chức. Ví dụ như năm 2005, để tôn vinh nhà bác học Einstein và tuyên truyền về ngành vật lý, thu hút, kêu gọi giới trẻ và công chúng đến với vật lý, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố năm 2005 là năm Vật lý quốc tế (the world year of physics). Tôi đã có dịp 2 lần trực tiếp mở cửa một phòng thí nghiệm ở Pháp để đón phụ huynh và học sinh đến thăm khu nghiên cứu ở Grenoble, 01 lần cùng với các đồng nghiệp tham quan các hoạt động trong ngày hội khoa học ở Paris. Đặc biệt năm 2005, tôi đã cùng thảo luận với một số nhà khoa học ở Hội vật lý Hàn Quốc trong việc triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm quốc tế vật lý. Tôi thực sự thấy rằng, các hoạt động này có ảnh hưởng và hiệu quả rất tốt trong việc kết nối các nhà khoa học với cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ.

Ở nước ta, tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963, trong bài phát biểu quan trọng về khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân...”. Ngoài các ý nghĩa đã nói ở trên, Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam phần nào cũng phản ánh tinh thần đó. Các nhà khoa học Việt Nam, ngoài việc thực hiện tốt tinh thần khoa học vị nhân sinh cũng muốn tuyên truyền, quảng bá và chuyển giao tiềm lực khoa học công nghệ đến cộng đồng.

Tôi cho rằng, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam trong đó có các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào khi Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam được xã hội và đông đảo cộng đồng quan tâm. Đó sẽ là cái được của quốc gia khi càng có nhiều người thấu hiểu và nỗ lực phấn đấu cho sự phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách phát triển dựa vào khoa học và đào tạo.

Anh Tuấn (40 tuổi), TP Cần Thơ: Xin hỏi thầy Huy, chúng ta đang chuẩn bị rất công phu cho Ngày KH-CN lần đầu tiên được tổ chức. Theo thầy, việc truyền thông về KHCN như vậy có giúp đưa hoạt động KHCN gần gũi hơn, cung cấp cho những đơn vị cần thông tin về KHCN tiếp cận tốt hơn với KHCN như thế nào?


PGS.TS Phạm Thành Huy: Để chuẩn bị cho ngày KHCN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức rất nhiều các cơ sở nghiên cứu khoa học như chúng tôi đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biến ngày này thành cơ hội giới thiệu về hoạt động nghiên cứu của mình, cũng như công việc của những người làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Với việc nhiều phòng thí nghiệm sẽ mở cửa đón chào công chúng đến tham quan và công tác truyền thông được thực hiện một cách hệ thống từ Trung ương đến nhiều địa phương trong cả nước, tôi chắc chắn rằng việc tổ chức ngày KHCN VN sẽ có tác động hiệu quả để công chúng hiểu hơn về vai trò và họat động KHCN. Ngoài ra, để cung cấp cho xã hội thông tin về khả năng và những sản phẩm KHCN trong những năm gần đây Bộ KHCN và các đơn vị nghiên cứu đã tổ chức nhiều hội chợ công nghệ Techmart nhằm giới thiệu những công nghệ và sản phẩm công nghệ phát triển trong nước. Trường đại học Bách khoa Hà Nội chúng tôi cũng có website riêng để giới thiệu về các sản phẩm công nghệ của mình.

Trọng Hoàng (46 tuổi), An Giang: Cho tôi hỏi TSKH Nghiêm Vũ Khải, việc tổ chức ngày KHCN Việt Nam thành công có ý nghĩa như thế nào đối với ngành KH&CN?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Tổ chức ngày KHCN Việt Nam thành công có rất nhiều ý nghĩa đối với ngành KH&CN và sự phát triển của đất nước. Tôi cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của sự kiện này là việc đổi mới căn bản và toàn diện tổ chức, cơ chế và hoạt động KH&CN, đưa KH&CN "phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng" như lời Bác dạy; khắc phục những tồn tại cơ bản trước đây từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến quản lý và thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Hi vọng rằng, việc tổ chức thành công Ngày KH&CN đầu tiên trên đất nước ta sẽ là nguồn động viên, khích lệ đối với các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ. Tôi cho rằng, thành quả quý giá nhất mà chúng ta có được là đội ngũ KH&CN Việt Nam. Nếu chúng ta biết tập hợp, tổ chức để đội ngũ này tham gia vào các chương trình, dự án KH&CN thiết thực thì ngành KH&CN Việt Nam sẽ có những đóng góp mang tính đột phá đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng từ đó, giới khoa học sẽ tự tin, trưởng thành hơn, chủ động nghiên cứu sáng tạo xây dựng đất nước.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua sự kiện, tôi hy vọng họ sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức, trung tâm nghiên cứu KH&CN, các nhà khoa học; đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D).

Ngọc Yến (35 tuổi), Thanh Xuân, Hà Nội: Theo tôi được biết thì đây là lần đầu tiên Việt Nam có ngày KH&CN, vậy trong ngày này sẽ có những hoạt động đặc biệt gì?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Ngoài những lời chúc, những lẵng hoa, triển lãm, mít tinh chào mừng... tôi cho rằng, đây là dịp ngành KH&CN đánh giá lại những thành tựu, những tồn tại, bất cập để có biện pháp triển khai nhiệm vụ KH&CN phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Ngay từ bây giờ, đã có nhiều hoạt động hướng đến Ngày KH&CN Việt Nam mà trước tiên là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, thành tựu của KH&CN; phổ biến kiến thức pháp luật; giới thiệu các điển hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất kinh doanh và đời sống.

Ngoài ra, sẽ có nhiều hội thảo về chính sách, quản lý và hoạt động KH&CN; các hoạt động hợp tác KH&CN quốc tế. Vào ngày 18/5 sẽ diễn ra Lễ công bố Ngày KH&CN Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Nhân dịp này, các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia sẽ mở cửa để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh sinh viên tham quan, tìm hiểu, giao lưu với các nhà khoa học.

Trong hai năm gần đây, một số văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước đã được ban hành (Chiến lước phát triển KH&CN- tháng 4/2012; Nghị quyết Trung ương số 20-tháng 10/2012 về phát triển KHCN; Luật KH&CN 2013). Tuy nhiên, việc triển khai đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa. Trong những cơ chế chính sách mới phục vụ phát triển KH&CN có hai vấn đề trọng tâm: 1. Chính sách đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN, và 2. Chính sách phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN. Hiện nay, Bộ KH&CN đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện dự thảo các nghị định về hai nội dung trên để Chính phủ ban hành kịp thời trước ngày KH&CN Việt Nam nhằm triển khai thực thi Luật KH&CN.


Nguyễn Phương Nhung (42 tuổi), Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Thưa ông Khải, tôi nghĩ rằng nếu cả năm chỉ có tổ chức một ngày KHCN VN thì rất khó để tinh thần KHCN đến được với mọi người, mọi nhà. Theo ông, cùng với việc tổ chức Ngày KHCN VN, chúng ta cần có giải pháp gì để cả cộng đồng thực sự hiểu rõ vai trò của KHCN trong phát triển bền vững?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Về ý nghĩa của Ngày KHCN Việt Nam như đã đề cập trong các câu trả lời trước. Như kinh nghiệm của một số nước, nhân ngày này, người ta còn tổ chức tuần KH&CN. Trên thực tế, đây là thời điểm có tính chất cao trào, tập trung nhất. Còn những nhiệm vụ như tuyên truyền, phổ biến chính sách, trình diễn thành tựu KH&CN... phải triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Mục tiêu của các hoạt động này không chỉ hướng đến các nhà khoa học mà hướng đến tất cả cộng đồng. Cần làm sao để KH&CN đi vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh hàng ngày của toàn dân; KH&CN phải gần gũi, thiết thực với người dân, tạo điều kiện để mọi người trong điều kiện của mình có thể tham gia hoạt động khoa học công nghệ, ủng hộ phát triển KH&CN; đưa KH&CN trở thành văn hóa.

Đưa chính sách, pháp luật về KHCN vào cuộc sống

Hoàng Văn Tôn (54 tuổi), Vĩnh Long: Thưa ông Huy, KH&CN được xác định là động lực then chốt phát triển KTXH. Vâng, làm thế nào thu hút nhiều hơn giới khoa học tích cực đóng góp vào các vấn đề hệ trọng của đất nước được bàn thảo tại diễn đàn Quốc hội như làm đường sắt cao tốc, đập thủy điện và việc xả lũ…?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học chính là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, cung cấp tạo động lực cho nền kinh tế, hỗ trợ an ninh, quốc phòng. Mặc dù trong suốt những thời kỳ phát triển vừa qua, Đảng và Nhà nước đã luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, nhưng chúng ta còn thiếu những chính sách và hành động cụ thể để đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt phát triển KT - XH.

Do đó, để các nhà khoa học có đóng góp tích cực hơn vào các vấn đề hệ trọng của đất nước, chúng ta cần có những chính sách và quy định cụ thể để các hoạt động nghiên cứu, đánh giá và bản thân các nhà khoa có thể tham gia, có ý kiến trước và trong quá trình thực hiện các dự án KT - XH trọng điểm của đất nước. Hơn nữa, Nhà nước cũng cần chủ động mời các nhà khoa học tham gia ngay từ khâu chuẩn bị cho các dự án hoặc trong các vấn đề hệ trọng của đất nước.


Đinh Khánh An (31 tuổi) email: khanhanhn@yahoo.com: Là một cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu hàng đầu của cả nước, những hoạt động cụ thể của Đại học Quốc gia Hà Nội nhân Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 2014 là gì, thưa ông?

GS. TS Nguyễn Hữu Đức:  Thứ nhất, ĐHQGHN sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết về Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN và công bố khen thưởng các nhóm nghiên cứu KHCN tiêu biểu ĐHQGHN năm 2014. Tại Hội nghị này, ngoài việc đánh giá và đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trường phái khoa học, ĐHQGHN cũng tổ chức giới thiệu tiềm lực và các sản phẩm KHCN của các nhóm nghiên cứu này. Được biết, các nhóm nghiên cứu mạnh được khen thưởng lần này có các đặc trưng rất đa dạng: từ nghiên cứu cơ bản, đến phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức…

Thứ hai, cũng vào thời gian trên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ĐHQGHN sẽ tổ chức Festival KHCN Trẻ. Tại Festival này, các nhà khoa học trẻ sẽ giới thiệu các sản phẩm sáng tạo thanh niên và các câu lạc bộ khoa học.

Thứ ba, ĐHQGHN tổ chức mở cửa phòng thí nghiệm, bảo tàng, thư viện để đón sinh viên, học sinh và cộng đồng đến tham quan và giao lưu và ngày thứ Bảy, ngày 17/5/2014. Tại đây, người xem có thể tham quan Máy gia tốc Tandem Pelletron 5SDH-2, Phòng thí nghiệm Trọng điểm công nghệ Enzim và Protein, Kính hiển vi điện tử truyền qua ở Trường ĐHKH Tự nhiên, PTN Công nghệ micrô – nanô, PTN thiết kế chip của Trường ĐH Công nghệ, Bảo tàng nhân học, Trung tâm báo chí và truyền thông của Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn, Bảo tàng gen của Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học…

Thứ tư, giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học trẻ về tiềm năng, cơ hội và thách thức trong các nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân được tổ chức qua Tọa đàm KHCN phục vụ phát triển KT- XH: tiềm năng, cơ hội và thách thức. Thời gian: 14h00 ngày 17/05/2014 tại trường Đại học Kinh tế,…

Thanh Thảo (38 tuổi), TP Vinh, Nghệ An: Xin hỏi ông Đức: sự ghi nhận của Nhà nước và cộng đồng là động lực lớn để khuyến khích các nhà khoa học đoạt giải, cũng như cộng đồng các nhà khoa học nói chung. Nhưng có thể nói, đối tượng trọng tâm hướng đến Ngày KHCN Việt Nam là giới trẻ, nhằm thu hút các bạn trẻ đến với hoạt động nghiên cứu, từ đó xây dựng lực lượng cán bộ KHCN chất lượng cao. Vậy ngành KHCN có những giải pháp nào để thu hút các bạn trẻ quan tâm đến Ngày KHCN Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Khoa học công nghệ có đặc thù riêng. Để phát triển khoa học công nghệ thì trước hết cần sự đam mê và cống hiến. Tuy nhiên, chỉ riêng điều đó thì chưa đủ mà phải cần đến các cơ chế chính sách và hỗ trợ từ Nhà nước. Đối với nước ta, có thể xem xét để áp dụng một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, quy hoạch và đào tạo cán bộ nên có tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, đối với một số ngành khoa học cơ bản, Nhà nước cần đầu tư như vật lý và năng lượng hạt nhân nhưng chỉ quan tâm đến chế độ và chính sách cho giai đoạn học đại học mà không chỉ cho người học thấy khả năng và tương lai của những giai đoạn phát triển tiếp theo như việc làm, tiếp tục học lên....thì chưa đủ sức thu hút thế hệ trẻ. Nhìn rộng ra cho các ngành khoa học cơ bản thì chỉ riêng chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo đại học là chưa đủ mà cần phải xây dựng lộ trình đào tạo toàn diện và đầy đủ bảo đảm đầu tư đào tạo được các nhà khoa hoc cơ bản trình độ cao, kèm theo đó là các chính sách sử dụng, đãi ngộ thì thế hệ trẻ mới yên tâm dồn tâm huyết của mình cho cái đích cuối cùng.

Thứ hai, để cho các nhà khoa học yên tâm và có khả năng cống hiến tốt, phải xây dựng môi trường học thuật và nghiên cứu thuận lợi. Nhà nước cần quan tâm đầu tư để Việt Nam có nhiều trung tâm nghiên cứu và đào tạo hiện đại và đồng bộ. Đồng thời có kinh phí nghiên cứu khoa học đủ để các nhà khoa học đáp ứng nhu cầu sáng tạo. Kèm theo đó, các nhà khoa học cũng rất cần có những đổi mới về cơ chế tài chính ( cơ chế khoán đến sản phẩm đầu ra, cơ chế hoạt động của các quỹ khoa học công nghệ), cơ chế quản lý khoa học công nghệ ( đơn giản thủ tục đăng ký nghiệm thu theo sản phẩm đầu ra).

Thứ ba, gần đây Nhà nước đã có chủ trương kéo dài thời gian làm việc của giáo sư đến 70 tuổi, phó giáo sư đến 67 tuổi và tiến sỹ đến 65 tuổi. Đồng thời tiếp tục triển khai những chính sách về lương tương ứng với các nhà khoa học đó. Đó là những khích lệ lớn.Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy rằng, hiện nay chúng ta cũng thiếu nhóm các nhà khoa học trình độ cao, có trình độ tương đương với các nước tiên tiến, có khả năng nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ mang tầm thời đại và vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước. Nhà nước cần quan tâm để có giải pháp phát triển đội ngũ này. Ngoài việc thu hút phát triển các nhà khoa học trong nước, chúng ta cũng cần quan tâm đến cả khả năng thu hút các nhà khoa học xuất sắc ở nước ngoài đến dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm nhằm triển khai những chương trình nghiên cứu trọng điểm.


Phạm Kiên Cường (28 tuổi), TP Thái Nguyên: Có một khoảng cách giữa đề tài nghiên cứu và giá trị áp dụng phục vụ cuộc sống. Thưa ông, đây có phải là vấn đề KHCN Việt Nam cần thu hẹp?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Không chỉ là vấn đề đối với Việt Nam, việc rút ngắn khoảng cách hay nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có thể áp dụng trong thực tế luôn là một vấn đề được đặt ra của cả cộng đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên thế giới. Đối với đất nước chúng ta, khoảng cách giữa nghiên cứu và áp dụng còn khá lớn. Việc rút ngắn khoảng cách này không chỉ cần trí tuệ và sức lao động của các nhà nghiên cứu, đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước mà còn cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và cả các tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ và sản phẩm công nghệ nữa.

Phạm Cẩm Nhung (30 tuổi), Sóc Trăng: Ngày nay, người dân được thụ hưởng rất nhiều thành tựu KHCN hiện đại của thế giới và Việt Nam. Nhưng tại sao công chúng lại chưa quan tâm đến phát triển KHCN của đất nước?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Tôi không cho rằng công chúng chưa quan tâm đến phát triển KHCN của đất nước, mà ngược lại chúng ta chưa có một cách tiếp cận phù hợp để đưa những thông tin khoa học, những kết quả nghiên cứu và thành tựu công nghệ Việt Nam đến với công chúng. Thực tế phát triển của các cường quốc hàng đầu trên thế giới đã cho thấy, chỉ có sức mạnh và giá trị của khoa học và công nghệ mới đem lại sự phát triển bền vững của mỗi đất nước. Nhận thức đúng của công chúng về vai trò của khoa học, cùng những chính sách và định hướng cụ thể của Nhà nước sẽ là chìa khoá giúp KH&CN đến gần hơn với cuộc sống. Tôi cũng mong rằng, với việc tổ chức ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên ngày 18/5 tới, công chúng sẽ có thêm nhiều thông tin, hiểu hơn về công việc của những người làm nghiên cứu cũng như hoạt động nghiên cứu KH&CN trong nước, qua đó cùng chung sức phát triển KH&CN nước nhà.

Hoàng Ngọc Hải (23 tuổi), ĐH Thái Nguyên: Thưa TSKH Nghiêm Vũ Khải, ông vừa nói tổ chức ngày KH&CN Việt Nam nhằm động viên thế hệ trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Nhưng khi giới trẻ chúng tôi có những ý tưởng sáng tạo thì sẽ được hỗ trợ như thế nào? Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì cho người trẻ khởi nghiệp?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Điều 23, Luật KH&CN quy định những cơ chế, chính sách khuyến khích, trọng dụng các nhà khoa học trong đó có các nhà khoa học trẻ tài năng. Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai Chương trình KH&CN tiềm năng dành cho các nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi). Chương trình này đã thu hút được các nhà khoa học trẻ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số kết quả của chương trình này đã được ứng dụng trong thực tiễn. Việc hỗ trợ các nhà khoa học trẻ từ các quỹ phát triển KH&CN, quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm; từ các dự án tài trợ quốc tế... đã và đang được triển khai.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang nỗ lực làm cầu nối để các ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ đến với các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm giúp các bạn có thể khởi nghiệp thành công. Cho đến nay, việc giao nhiệm vụ KH&CN còn dựa vào lý lịch khoa học nên làm mất đi cơ hội cho các nhà khoa học trẻ. Cách làm này cần phải sửa đổi, cần mạnh dạn giao nhiệm vụ KH&CN cho các nhà khoa học trẻ. Tôi được biết, hiện nay đang có hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam đang theo học tại các viện, trường nổi tiếng của các nước phát triển. Chủ trương thu hút đã xác định trong các văn bản lớn về chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi ban hành còn rất chậm do còn nhiều vướng mắc. Bộ KH&CN đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ soạn thảo một số nghị định, thông tư quy định cụ thể về các cơ chế đột phá hỗ trợ tài chính, thu nhập, môi nghiên cứu, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Tôi hi vọng, các văn bản này sẽ sớm được ban hành.


Phạm Thị Huế (40 tuổi), Đăk Nông: Luật KH&CN năm 2013 đã có nhiều đổi mới đột phá với những chính sách thay đổi về cơ chế đầu tư tài chính cũng như ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học trẻ. Theo ông, các chính sách này đã thực sự đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học nước ta hay chưa?
PGS.TS Phạm Thành Huy: Đúng vậy, Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 đã có những thay đổi mang tính đột phá đi từ đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế cấp tài chính cho các đề tài, dự án, đến chính sách trọng dụng nhân lực. Đây chính là những vấn đề cốt lõi mà chúng tôi (với cả vai trò là người làm nghiên cứu, lẫn quản lý khoa học) đang mong mỏi. Đã bước sang năm 2014, Luật KH&CN 2013 đã chính thức có hiệu lực, chính vì vậy chúng tôi đang mong chờ những bước tiếp theo trong việc hiện thực hoá những các nội dung của Luật, nhất là những văn bản, thông tư hướng dẫn việc thi hành Luật.
Trần Tuấn Ninh (40 tuổi), Quảng Nam: Thưa TSKH Nghiêm Vũ Khải, tôi nghĩ thế này, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài là những người giỏi trong các lĩnh vực KHCN. Vậy sự kiện Ngày KH&CN Việt Nam lần này có hoạt động nào hướng đến các nhà khoa học người Việt trên thế giới, động viên họ về nước góp công góp sức cho ngành KHCN nước nhà, thưa ông?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Hiện nay, có hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Trong đó, có nhiều nhà khoa học làm việc tại các trung tâm khoa học lớn của các nước có nền khoa học phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc... Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế chính sách để thu hút họ trở về đầu tư, thực hiện các hoạt động phục vụ kiến thiết đất nước. Bộ KH&CN đã phối hợp với Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Hội người Việt Nam ở các nước... để giới thiệu cơ chế chính sách thu hút các nhà khoa học đang ở nước ngoài về nước tham gia hoạt động KH&CN nhằm nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, phát triển KT-XH, góp phần thiết thực nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Trong Luật KH&CN 2013 có quy định cơ chế chính sách thu hút không chỉ đối với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài mà còn đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN nước ngoài.

Trong các sự kiện nhân Ngày KH&CN Việt Nam, nhiều nhà khoa học là người Việt ở nước ngoài được mời tham gia. Từ đó, tạo sự lan tỏa và hun đúc tinh thần yêu nước, trở về phục vụ Tổ quốc như nhiều nhà khoa học trước đây đã không ngại gian khổ hi sinh, trở về nước tham gia tham gia kháng chiến, kiến quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước...

Nghiêm Thị Thu Trang (34 tuổi), Trà Vinh: Xin hỏi ông Huy, vì sao sự liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp ở nước ta còn rất yếu? Cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Mặc dù công cuộc đổi mới hơn 25 năm qua đã tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp của chúng ta lâu nay chủ yếu phát triển trên nền tảng công nghệ nhập khẩu, việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) trong doanh nghiệp và tư duy phát triển trên cơ sở năng lực nội tại (công nghệ nội địa & tài sản trí tuệ của chính doanh nghiệp) còn chưa được chú trọng. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là nhỏ và rất nhỏ, tiềm lực tài chính hầu như không đáng kể và đang trong quá trình tích lũy, trong khi đầu tư cho R&D là đầu tư dài hạn và bản chất là nhiều rủi ro. Chính vì vậy các chủ doanh nghiệp sẽ luôn cảm thấy rất khó khăn và thiếu động lực khi đưa ra các quyết định đầu tư hay liên kết với các nhà khoa học trong nước. Định hướng và chính sách của Nhà nước cũng chưa đủ quyết liệt để các doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư cho KH&CN. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta đang ở đúng thời điểm mà nếu có những hành động cụ thể phù hợp sẽ giúp hình thành một cách tự nguyện mối liên kết hữu cơ giữa các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp. Một mặt, việc thực thi Luật KH&CN 2013 trong đó quy định doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải trích một tỉ lệ tối thiểu (10%) lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu khoa học đã tạo ra một hành lang pháp lý cho phép các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư cho R&D. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước để tồn tại phải cạnh tranh và cạnh tranh thành công với các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh mà còn có nhiều ưu thế về thương hiệu, trình độ quản lý cũng như nền tảng khoa học công nghệ cao của sản phẩm. Sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước giờ đây không thể chỉ dựa vào một hàng rào thuế quan cao, giá thành nhân công lao động rẻ, hay một mức thuế bảo vệ môi trường thấp, mà cần được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi của sản phẩm, của doanh nghiệp, mà những giá trị này chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở năng lực khoa học công nghệ và trình độ quản lý nội tại của doanh nghiệp.


Anh Tuấn (40 tuổi), TP Cần Thơ : Thưa ông Khải, rõ ràng để thực hiện tốt các bộ luật, ngoài xây dựng cơ chế chính sách, việc cần tiến hành song song là vấn đề tuyên truyền để toàn xã hội nâng cao nhận thức chấp hành luật. Với ngành đặc thù là KHCN, theo ông việc truyền thông cần được tiến hành như thế nào để Luật KHCN 2013 có sức lan tỏa ?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Đây là câu hỏi thú vị. Để triển khai thực hiện Luật KH&CN hiệu quả thì truyền thông KH&CN luôn ở vị trí tiên phong và có vai trò rất quan trọng. Cái tên "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân" - lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên do Bác thành lập đã nói lên vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động. Đối với sự nghiệp phát triển KH&CN cũng vậy. Tính khả thi, hiệu lực của một văn bản chính sách, pháp luật không chỉ nằm trong nội dung của văn bản đó mà còn phụ thuộc phần lớn vào công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai.

Vì vậy, ngay trong Luật KH&CN 2013 cũng đã quy định về nội dung này tại Điều 48 và một số điều, khoản khác về Truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ: 1. Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; 2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm, 05 năm về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; 3. Kinh phí của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tài trợ cho hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ được tính vào chi phí hợp lý.

Trong công tác truyền thông, một mặt cần tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp cho đất nước; nhưng quan trọng hơn, là việc nâng cao trách nhiệm của họ đối với sự nghiệp phát triển KH&CN phục vụ phát triển đất nước, đi tiên phong trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN.

 

Thành tựu KHCN- sự tôn vinh các nhà khoa học

Phạm Thị Phương, Hồng Bàng, Hải Phòng: Thưa thầy Đức, có một thực tế là công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế của các nhà khoa học nước ta rất thấp so với các quốc gia khu vực và thế giới. Nhân hướng đến ngày KH-CN Việt Nam, ông có thể lý giải về thực trạng này?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Hoàn cảnh của mỗi quốc gia một khác. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khoa học và công nghệ của nước ta chỉ mới được bắt đầu bằng việc phát huy cải tiến kỹ thuật, sau đó chủ yếu tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng. Những năm 70, đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản của chúng ta được đào tạo ở các nước Liên Xô và Đông Âu rất nhiều. Tuy nhiên, do điều kiện nghiên cứu cơ bản ở nước ta còn khó khăn nên khó phát huy. Những năm gần đây, nghiên cứu cơ bản đã bắt đầu có những khởi sắc, đặc biệt là từ khi có Quỹ phát triển khoa học công nghệ (quỹ Nafosted), hiện nay mỗi năm các nhà khoa học nước ta đã công bố hơn 2.000 bài báo trên các tạp chí ISI.

Đầu tư cho khoa học cơ bản nói riêng và đầu tư cho khoa học công nghệ nói chung đòi hỏi chi phí rất lớn. Để có 1 nền khoa học công nghệ phát triển, một trường đại học như Đại học Quốc gia Singapore mỗi năm có chi phí nghiên cứu hơn 500 triệu USD, gấp hơn 500 lần so với đầu tư cho đầu tư nghiên cứu tại các trường đại học trọng điểm ở nước ta. Nói như vậy có nghĩa là muốn khoa học cơ bản phát triển tốt cần phải đầu tư đạt ngưỡng, cần có nhiều đầu bài hay và phải có cán bộ khoa học giỏi.

Để có nền khoa học công nghệ phát triển bền vững, sẵn sàng cất cánh được khi có đủ điều kiện, cũng nên quan tâm đến các quan điểm sau:

Thứ nhất, quan điểm về thực tiễn và hội nhập: khoa học công nghệ Việt Nam phải giải quyết bài toán thực tiễn ở Việt Nam nhưng phải hội nhập quốc tế về cách tiếp cận, về các tiêu chí đánh giá và chuẩn hóa các sản phẩm đầu ra.

Thứ hai, quan điểm về cơ bản và trình độ cao: đã là nghiên cứu cơ bản thì phải có các phát hiện tri thức mới, giải pháp mới... mà có thể hình thành nên các ấn phẩm khoa học có chất lượng, có khả năng công bố quốc tế, có khả năng đóng góp vào tri thức của nhân loại.

Thứ ba, quan điểm ứng dụng những chuyên nghiệp: các nghiên cứu ứng dụng có mức độ áp dụng khác nhau, có những ứng dụng chỉ phát triển những kiến thức phổ thông góp phần cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, nhưng có những ứng dụng có tính dẫn dắt, thay đổi và đóng góp vào giá trị gia tăng, tạo ra yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế của quốc gia. Khoa học cơ bản có vai trò của dẫn dắt, phải tạo được sự gia tăng ấy. Đó cũng chính là vai trò của khoa học cơ bản của Việt Nam.

Nguyễn Thị Hương (27 tuổi), Sao Đỏ, Hải Dương: Từ thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, ông có thể cho biết những đề xuất của mình để có thể thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản, tham gia nghiên cứu sáng tạo?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Để có thể thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản và tham gia nghiên cứu sáng tạo, trước hết chúng ta cần truyền thông nhiều hơn các thông tin về các hoạt động khoa học đến công chúng, nhất là các bạn trẻ giúp các em nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của của khoa học và công nghệ, nhất là các ngành khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước.

Chúng ta cũng cần tập trung quan tâm đến thế hệ trẻ ngay từ những năm cuối bậc phổ thông, lấy nâng cao chất lượng đầu ra, phát triển phẩm chất năng lực của học sinh làm quan điểm chủ đạo cho phát triển, cho đổi mới giáo dục. Quá trình học tập không nên chỉ tập trung vào trang bị kiến thức mà còn cần giúp các em phát huy được năng lực tư duy, khả năng tự học, kỹ năng tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề, tự nghiên cứu, đây chính là những kỹ năng và yếu tố cần thiết thúc đẩy các em đến gần với hoạt đông nghiên cứu khoa học một cách tự nhiên, cũng như chủ động hơn trong nghiên cứu sáng tạo sau này.

Trong môi trường đại học, vai trò của người thầy trong việc định hướng nghiên cứu cho các em sinh viên là hết sức quan trọng, nếu như các thầy/cô giáo có thể thổi hồn, thổi sức đam mê của tri thức và khoa học vào mỗi bài giảng, thì chắc chắn sẽ chúng ta sẽ thu hút được các em đến với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sáng tạo. Chính vì vậy, việc gắn kết giảng dạy và nghiên cứu khoa học cần được chọn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm trong các trường đại học.


Nguyễn Hoàng Minh (39 tuổi), Đăk Lăk: Nhân ngày KHCN Việt Nam, xin Ông cho biết một số kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật của ĐHQGHN trong thời gian vừa qua?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Có thể một số bạn chưa hiểu hết, cứ nghĩ trường đại học chỉ là cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, theo Luật KH và CN thì các trường đại học đồng thời là một tổ chức khoa học và công nghệ. ĐHQGHN đã và đang phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, tích hợp chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học ở ĐHQGHN đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

Trước hết, các hoạt động KH&CN đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của hệ chuẩn, tạo điều kiện để phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, đạt chuẩn quốc tế, phát triển một số ngành, chuyên ngành học mới chưa từng có ở Việt Nam như: vật liệu và linh kiện nanô, biến đổi khí hậu, khoa học bền vững, an ninh phi truyền thống,… Đặc biệt, nhờ nghiên cứu khoa học trình độ cao, đào tạo tiến sỹ đã đạt chất lượng khá tốt: hơn 50% nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ có bài báo ISI đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đây cũng chính là lý do tại sao, sinh viên tốt nghiệp ở ĐHQGHN có rất nhiều cơ hội tiếp tục học tập và làm việc ở tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, là một trung tâm đào tạo có truyền thống về khoa học cơ bản, hàng năm các nhà khoa học ĐHQGHN đã công bố gần 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế, chiếm gần 15% tổng số công bố quốc tế của cả nước, trong đó có công trình được đăng trên Tạp chí Nature số một thế giới, có kết quả xây dựng bản đồ gen người Việt…

Thứ ba, khoa học xã hội và nhân văn là một ưu thế cạnh tranh của ĐHQGHN, nhiều công trình nghiên cứu đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Gần đây, nghiên cứu về KHXH&NV đã góp phần tư vấn chính sách cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia…

Thứ tư, nhiều sản phẩn hoàn chỉnh đã được chuyển giao ứng dụng trong thực tế như: công nghệ sạch sản xuất diesel sinh học chất lượng cao, thiết bị lọc nước uống trực tiếp, màng lọc máu Diamond, bộ sinh khối nấm linh chi Ganoderma lucidum, hệ thống công nghệ xử lý nước thải với khả năng tái sử dụng nước, công nghệ dự báo thời tiết và thủy văn biển đông, hệ đo các thông số bệnh nhân từ xa, cảm biến đo từ trường và đo góc độ nhậy cao, khối tổ hợp công suất phát 8 đường dung cho máy phát nhận biết mã chủ quyền quốc gia, Thiết kế và phát triển một bộ mã hoá tín hiệu video theo chuẩn tiên tiến H.264/AVC.

Các kết quả nghiên cứu KH&CN trên đây đã góp trọng số đáng kể vào kết quả ĐHQGHN được xếp vào nhóm 250 các trường đại học hàng đầu của châu Á trong những năm vừa qua.


Trần Thu Hằng (36 tuổi), Đà Lạt, Lâm Đồng: Nhân ngày KH&CN VN lại bàn về hiệu quả của các đề tài nghiên cứu. Xin hỏi ông Phạm Thành Huy, để hạn chế tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam chủ yếu “cất ngăn kéo”, chính sách đột phá là gì?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Một đề tài được đánh giá thành công hay thất bại dựa trên cơ sở đánh giá kết quả nhận được so với mục tiêu đặt ra ban đầu. Để nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có thể đưa vào ứng dụng, theo tôi chúng ta cần phải có chính sách và làm đồng thời được bốn việc: thứ nhất, vấn đề tập trung tài chính cho hoạt động “Nghiên cứu phát triển (R&D)” (mặc dù mỗi năm nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ, nhưng thực tế chỉ 10% của số kinh phí này được dùng cho R&D); Thứ hai, cần đổi mới chính sách cấp và quản lý tài chính của các đề tài nghiên cứu theo hướng khoán chi và thông qua các Quỹ Khoa học và công nghệ; Thứ ba, cần nâng cao tính mục tiêu của các đề tài nghiên cứu và sự tham gia đặt hàng/cùng đầu tư của doanh nghiệp; cuối cùng là định hướng phát triển KH&CN của đất nước, cam kết đầu tư tập trung và dài hạn của chính phủ cho các chương trình, dự án nghiên cứu trọng điểm.
Khánh Linh (18 tuổi), Hà Nội: Em muốn học ngành vật lý nhưng thấy trên nhiều diễn đàn có nhiều anh chị không có việc làm, vậy làm thế nào để theo đuổi lĩnh vực mình yêu thức và cống hiến cho KHCN? Có phải học cao lên nghiên cứu sinh hay có cần học bằng PhD ở nước ngoài sau đại học không?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Lòng say mê và yêu thích vật lý của em là có cơ sở đấy. Các hiện tượng vật lý luôn xảy ra xung quanh chúng ta và các tiến bộ khoa học công nghệ đều có đóng góp của vật lý rất nhiều. Như vậy có nghĩa là người có kiến thức vật lý tốt có thể hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực. Em có thể lựa chọn ngành vật lý để học tập ở bậc đại học, sau đó em có thể tiếp tục học thạc sỹ và tiến sỹ để trở thành nhà vật lý. Đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sỹ vật lý ở ĐHQGHN có chất lượng rất cao. Tuy nhiên, với quan hệ hợp tác quốc tế của ĐHQGHN, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tiếp tục học tập và làm việc tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo, doanh nghiệp nước ngoài rất cao. Tỷ lệ ấy đối với ngành vật lý nói riêng và lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ nói chung đã đạt đến hơn 25%. Em cũng có thể chọn học vật lý để sau này có thể làm việc trực tiếp ở các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Hiện nay, các chương trình đào tạo của các trường đại học, đặc biệt là ĐHQGHN đều được thiết kế để có thể cung cấp kiến thức chung, rộng, có khả năng thích ứng thị trường lao động đa dạng. Hơn thế nữa, ĐHQGHN còn chú trọng đào tạo khả năng sáng tạo và tầm nhìn, khả năng lập nghiệp và sáng nghiệp. Ngày nay, sinh viên không chỉ nghĩ đến khả năng lập nghiệp của bản thân mà còn được đào tạo để có khả năng sáng nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho bản thân và cho nhiều người khác.

PGS.TS Phạm Thành Huy: Vật lý là một ngành khoa học cơ bản cùng với toán học tạo nên nền tảng cho sự phát triển của các ngành khoa học và kỹ thuật khác. Nếu nhìn vào các giải thướng Nobel vật lý trong hơn 100 năm qua chúng ta có thể thấy mỗi một giải thưởng này đều gắn với một phát minh hay giải pháp công nghệ làm thay đổi thế giới của chúng ta. Người học vật lý chính vì vậy có thể làm trong nhiều ngành kỹ thuật khác nhau sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vì vật lý gắn với nghiên cứu nên rất nhiều em sau khi tốt nghiệp đại học đã lựa chọn tiếp tục học tập để trở thành những nhà nghiên cứu vật lý và công nghệ. Nếu có lòng đam mê em hãy cố gắng học tập và rèn luyện, hãy chọn ngành vật lý và cánh cửa Viện nghiên cứu của các Thầy luôn rộng mở đón chào em.

Trần Ánh Phương (29 tuổi), Hà Nội, (phuonghm@yahoo.com): Thưa thầy Huy, hiện nay các bạn trẻ nhất là các bạn sinh viên rất hào hứng với việc nghiên cứu khoa học. Vậy trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền quảng bá trong ngày KH&CN Việt Nam, Viện sẽ có những hỗ trợ, những chương trình hoặc sự tiếp sức như thế nào để thu hút các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học?


PGS.TS Phạm Thành Huy: Việc thu hút các sinh viên và các cán bộ nghiên cứu trẻ tham gia nghiên cứu khoa học luôn được xem là vấn đề quan trọng nhất đối với Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) chúng tôi. Tất cả các ý tưởng khoa học của các em đều có thể được giới thiệu cùng trao đổi và sẽ được tài trợ thực hiện nếu khả thi. Viện chúng tôi được tổ chức thành nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau và mối nhóm đều có thông tin về những lĩnh vực nghiên cứu, những đề tài nghiên cứu muốn mời các cán bộ trẻ và các em sinh viên cùng tham gia. Để tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội được học tập ở trình độ cao, Viện chúng tôi đang thúc đẩy chương trình đào tạo thạc sỹ về KHCN nano, trong đó nhiều nguồn lực khác nhau đã được huy động, ví dụ kinh phí đóng góp từ chính các thầy, từ công nghiệp, từ các đề tài nghiên cứu để hỗ trợ học bổng và cung cấp 100% kinh phí nghiên cứu cho các em tham gia học chương trình này. Ngoài ra, các nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Viện cũng được trả lương để có thể yên tâm làm công tác nghiên cứu.

Bích Thủy, Trà Vinh: Nhân ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, ông có điều gì muốn nhắn gửi đến các nhà khoa học trẻ, thưa ông?

PGS.TS Phạm Thành Huy: Nghiên cứu khoa học đòi hỏi không chỉ sự đam mê mà còn cần sự kiên trì, tập trung cao độ và luôn nỗ lực hết mình. Nhân ngày KH&CN Việt Nam xin chúc các nhà khoa học trẻ của đất nước, luôn vững tin vào con đường mà mình đã lựa chọn. Chúc các bạn sẽ có nhiều thành công và chúng ta cùng phấn đấu để có nhiều hơn những công trình khoa học, và công nghệ Việt Nam được đưa vào cuộc sống.


ĐBND: Bạn đọc thân mến, Luật KH và CN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013 quy định Ngày KH và CN Việt Nam là 18/5 hằng năm. Ngày KH và CN Việt Nam là ngày tôn vinh các nhà khoa học, trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KH-CN với công chúng… Ngày KH và CN Việt Nam cũng là điểm nhấn khơi dậy đam mê sáng tạo của thế hệ trẻ, sự tham gia của cộng đồng xã hội, sự đầu tư về tài chính, nhân lực để thúc đẩy KHCN phát triển mạnh mẽ.

Với chủ đề: Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5: Khoa học - Công nghệ với cuộc sống, Báo Đại biểu nhân dân nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi tới 3 vị khách mời. Tuy nhiên, do thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo ĐBND xin trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp theo.

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thay mặt các khách mời, chân thành cám ơn bạn đọc của Báo ĐBND.
ĐBND