Quy định về trường tư thục trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

“Giật mình” về quyền của nhà đầu tư

- Thứ Năm, 09/05/2019, 08:28 - Chia sẻ
Trường tư thục có 2 cột trụ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường. Tuy vậy, những quy định về hai nội dung này trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình QH trong kỳ họp tới đang khiến không ít trường tư thục “giật mình”, lo lắng.

2 điều kiện sống còn

Tại hội thảo “Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 8.5, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với quyền điều hành, quyền sở hữu được bảo hộ là điều kiện sống còn của giáo dục tư thục. Chỉ khi nào quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ thì các nhà đầu tư mới thực sự yên tâm đầu tư vào giáo dục, góp phần thực hiện thành công chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.


Khuôn viên Trường THPT Marie Curie

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Marie Curie (Hà Nội) cho biết đã “giật mình” khi đọc Khoản 3, Điều 56, Điều 100 và Điều 49 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đề ngày 12.4. Nội dung tại những điều khoản này “vô tình hay hữu ý” đã tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành, đó là: “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường”. “Tại sao không dùng Trường tư thục của các nhà đầu tư mà dùng một khái niệm mới là của pháp nhân nhà trường. Pháp nhân nhà trường là ai? Đồng tiền gắn liền khúc ruột! Nhà đầu tư bị “tước quyền” làm chủ sở hữu trường thì sao họ còn dám đầu tư cho giáo dục nữa?”, thầy Khang bày tỏ quan điểm.

Cùng với đó, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng chỉ ra rằng, quy định như Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành là rõ ràng, chính xác. Thế nhưng Điều 49 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lại khiến các trường tư thục, các nhà đầu tư vô cùng lo lắng băn khoăn về những rủi ro đối với khối tài sản, tâm huyết, sức lực, trí tuệ đã đầu tư vào trường và xây dựng nên những thương hiệu có chỗ đứng trong xã hội. TS. Nguyễn Văn Hòa kiến nghị Ban soạn thảo giữ nguyên Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay thế cho Điều 49 và Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

“Không ai bỏ tiền ra để người khác điều hành”

Khoản 3, Điều 56 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Đối với trường tư thục, thành viên của hội đồng trường gồm: Đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp. Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận gồm: Đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường; thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu…

Thầy Nguyễn Xuân Khang băn khoăn: “Quy định như vậy liệu đại diện cho quyền sở hữu của trường tư thục có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục hay không? Cùng với đó, một hội đồng “mênh mông” các thành viên không một xu đầu tư vào trường thì làm sao thay thế Hội đồng Quản trị (HĐQT) của trường tư thục hiện nay?

Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Marie Curie (Hải Phòng) cũng lo ngại, điều khoản này sẽ tạo ra mâu thuẫn trong nhà trường. Thực tế, mâu thuẫn này đã xuất hiện trước năm 2005. Cụ thể, trước đây, để mở trường dân lập phải do một cơ quan hoặc một tổ chức đứng tên, làm Chủ tịch Hội HĐQT, có quyền quyết định mọi hoạt động của nhà trường. Nhưng thực tế, chi phí đầu tư xây dựng trường dân lập hầu hết là của Ban giám hiệu và của giáo viên. Chính vì mâu thuẫn trong điều hành với sở hữu mà nhiều trường dân lập đã phải giải thể. “Không ai dại gì bỏ tiền ra để người khác điều hành mình cả, rõ ràng, Điều 56 của dự thảo đang đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, kìm hãm sự phát triển của hệ thống giáo dục tư thục” - thầy Khóa nêu quan điểm.

Do đó, đại diện các trường đề xuất giữ nguyên Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, thay thế cho Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời bổ sung vào Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành một số nội dung như: Trường có từ 2 thành viên góp vốn trở lên phải có HĐQT. HĐQT là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật. HĐQT do Đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Đối tượng tham gia là những người có vốn góp xây dựng trường hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường… 

Khải Minh