Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên:

Giữ lao động để phát triển thị trường

- Thứ Tư, 15/07/2020, 17:29 - Chia sẻ
Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xác định người lao động là tài sản vô giá góp phần phát triển doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu nhập ổn định, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài.

Giữ chân người lao động

Trước những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó. Trong đó, có nội dung, phải giữ chân người lao động chờ cơ hội ổn định, phát triển trở lại. Vì vậy, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh luôn được các doanh nghiệp chủ động. Đa số ý kiến các công nhân làm tại các Khu công nghiệp (KCN) cho rằng, công việc ổn định, thu nhập bảo đảm, giờ giấc hợp lý, họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Sản xuất của Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (T.P Sông Công)
Nguồn: ITN

Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Thái cho biết, qua nắm bắt tình hình từ 60 tổ chức công đoàn cơ sở thuộc 60 doanh nghiệp các KCN Sông Công I, Nam Phổ Yên và Điềm Thụy cho thấy, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, cơ bản các doanh nghiệp đều nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho trên 15.000 lao động. Để giữ chân người lao động, trong thời gian chống dịch không ít doanh nghiệp phải chấp nhận bù lỗ trong sản xuất, bố trí cho công nhân làm việc luân phiên.

Đại diện Công ty TNHH KD Heat Technology ở KCN Điềm Thụy chia sẻ, là đơn vị chuyên gia công cơ khí, tôi cao tần trục cam cho các hãng xe máy Yamaha, Honda của Nhật Bản, trong tháng 4 sản lượng sản phẩm của đơn vị sụt giảm tới 20% so với trước đó. Tuy nhiên, Công ty đã giảm thời gian sản xuất 1 tiếng/ca nhằm bảo đảm 100% người lao động có việc làm. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng Công ty không cắt giảm bất cứ lao động nào, vẫn bảo đảm chế độ khen thưởng cho công nhân. Qua đó, góp phần động viên người lao động cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Công ty cũng tiếp cận các chính sách về lao động, việc làm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để tiếp tục vượt khó nhằm giữ chân người lao động.

Anh Nguyễn Văn Trường công nhân của Công ty chia sẻ, mặc dù sản xuất có phần bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Ban lãnh đạo Công ty vẫn nỗ lực tạo đủ việc làm và đóng các loại bảo hiểm cho công nhân. Cùng với đó, chúng tôi còn được tổ chức công đoàn quan tâm chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Vì vậy, chúng tôi luôn yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. 

Đa số các ý kiến của đội ngũ công nhân tại các KCN bày tỏ cùng quan điểm, mặc dù thời gian qua một số đơn vị không đạt mức doanh thu theo kế hoạch, trong khi đó chi phí lao động lại rất lớn, nếu cắt giảm có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, song các doanh nghiệp đều cố gắng để không phải thực hiện phương án này. Mặt khác, các đơn vị còn chú trọng tuyên truyền để người lao động yên tâm, tin tưởng và đồng hành với doanh nghiệp vượt khó.

Tự tin phục hồi sau dịch

Đối với Công ty TNHH Power Tech và Công ty TNHH New One Tech Vina thường xuyên điều tiết sản xuất theo hướng bảo đảm việc làm cho người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New One Tech Vina Phạm Văn Việt cho biết, là đơn vị phụ trợ, chuyên nhận lắp ráp hoàn chỉnh điện thoại thông minh cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Công ty vẫn cố gắng duy trì công suất lắp ráp ở mức 3 triệu sản phẩm/tháng, có giảm khoảng 1 triệu sản phẩm so với trước đó. Đồng thời, hạn chế cho công nhân tăng ca để bảo đảm đủ việc làm cho trên 1.400 lao động. Bước sang tháng 5, do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên đơn hàng của Công ty tăng dần trở lại. Đội ngũ công nhân sẵn sàng tăng ca sản xuất nhằm phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau đợt dịch bệnh.

Cùng chung khó khăn trong đợt dịch Covid, ngành may cũng đang phục hồi sau ảnh hưởng của dịch. Giám đốc Công ty cổ phần May Thành Hưng Nguyễn Viết Hạnh cho biết, những tháng trong đợt dịch bệnh vừa qua, Công ty chỉ duy trì sản xuất ở mức 50% so với công suất thiết kế, bước sang tháng 5 sản phẩm có dấu hiệu tăng dần trở lại, từ 50% tăng lên 70% do đã nhập khẩu được nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc với số lượng lớn.  

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, việc giữ chân người lao động là một trong những vấn đề quan trọng đã được Chính phủ đặt ra đối với các doanh nghiệp trong cả nước tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua, với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp luôn nỗ lực sáng tạo những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững... 

Với sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, chắc chắn việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, sẽ đạt được những kết quả tích cực. Việc làm này cũng có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp là hạn chế được nguy cơ người lao động nghỉ việc sau dịch, từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, từ thực tế, còn một số doanh nghiệp đang phải tạm dừng sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mong muốn của các doanh nghiệp cũng như người lao động thiếu việc làm hiện nay là sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, trợ cấp mất việc của Chính phủ. Đồng thời, được các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư mở rộng sản xuất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.​

Phương Hoa