Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV

Gỡ khó cho doanh nghiệp

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:34 - Chia sẻ
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV mới đây, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm chất vấn là những tác động của dịch Covid -19 đối với các doanh nghiệp và giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong văn bản trả lời, UBND tỉnh đã tiếp thu, giải trình và đưa ra những giải pháp cụ thể gỡ khó, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, 6 tháng đầu năm, có khoảng 111 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15,91% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký 1.004 tỷ đồng, tăng 31,14 % so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh ước đến hết tháng 6.2020 có 2.627 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 35.286 tỷ đồng… Trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp thành lập mới mặc dù thấp hơn song số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc phải làm thủ tục tạm ngừng hoạt động vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đang kê khai nộp thuế vẫn chiếm 85,7% tổng số doanh nghiệp… là minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Sau tháng 4 là cao điểm của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã có những dấu hiệu phục hồi, số doanh nghiệp thành lập mới tháng sau đã cao hơn tháng trước (tháng 4 thành lập mới 14, tháng 5 thành lập mới 22, tháng 6 ước thành lập mới 30 doanh nghiệp)...

Sau đại dịch Covid -19, Sơn La đã và đang có nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn

Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế các đại biểu HĐND tỉnh cho biết, nhiều doanh nghiệp khó tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi; không được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ vốn vay và giảm lãi suất đối với các khoản vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Trong văn bản trả lời, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tài sản thế chấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, báo cáo tài chính chưa bảo đảm theo yêu cầu, thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn hoặc phương án kinh doanh không khả thi... nên không đáp ứng được tiêu chí cho vay của các ngân hàng thương mại. Đến ngày 31.5 số doanh nghiệp còn dư nợ tại các ngân hàng là 562 doanh nghiệp (không bao gồm Ngân hàng Phát triển), trong đó, số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang vay vốn là 523 doanh nghiệp…

Để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, giấy tờ để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sơn La chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do dịch Covid-19 thực hiện các hồ sơ, thủ tục để cơ cấu lại thời hạn trả nợ vốn vay, miễn, giảm lãi, phí; tăng cường triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay mới để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn bởi Covid-19…

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Cùng với những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, các đại biểu HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ rõ: hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp không ít vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, xây dựng khiến tiến độ các công trình bị chậm. Ví dụ như đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại đã hoàn tất thủ tục đấu thầu nhưng chưa giao được đất cho nhà đầu tư (5 dự án dọc suối Nậm La). Hay đối với các dự án sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất do các nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với các hộ gia đình, cá nhân để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này thường kéo dài do không nhận được sự đồng thuận của các hộ gia đình, cá nhân…

Thừa nhận đây là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, UBND tỉnh cho biết sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các đồ án phân khu xây dựng thuộc các khu đô thị, khu kinh tế, công trình trọng điểm. Có giải pháp căn cơ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, đồng thời thu hút các nhà đầu tư mới thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm có quy mô lớn và tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực…

Bên cạnh những nội dung trên, về tình trạng chậm được giải ngân thanh toán vốn, UBND tỉnh trong văn bản trả lời chất vấn bên cạnh đưa ra nguyên nhân cũng đã đề ra các giải pháp: UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ giao đủ số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để hoàn thành dứt điểm các dự án, hạn chế thấp nhất việc chuyển tiếp dự án sang giai đoạn sau, thanh toán đủ kế hoạch vốn cho đơn vị thi công theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thông báo để không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương phân bổ chi tiết các nguồn vốn còn lại. Các chủ đầu tư đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng hoàn thành ngay khi đơn vị thi công đề xuất, không để dồn nghiệm thu thanh toán khối lượng vào cuối năm; xử lý nghiêm những trường hợp chủ đầu tư chậm nghiệm thu thanh toán cho doanh nghiệp thi công ngay khi có phản ánh. Kiên quyết thay thế những nhà thầu thi công chậm tiến độ, năng lực yếu…

Bách Hợp