Thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII

Gỡ khó để tăng trưởng

- Thứ Sáu, 24/07/2020, 03:17 - Chia sẻ
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Bình ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn của đại biểu. Rất nhiều ‘‘điểm nghẽn’’, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân trong tỉnh như: Bất cập trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; nhu cầu nhà ở cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn còn lớn; sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn… đã được đưa ra bàn thảo.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn

Đồng tình với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, song các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mảng chưa sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, nhất là đối với lĩnh vực chăn nuôi. Đại biểu Nguyễn Quang Năm (huyện Lệ Thủy) cho rằng: Để chủ động cho phát triển chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng đàn lợn, UBND tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi mạnh và hiệu quả hơn nữa, nhất là khuyến khích phát triển trang trại lợn nái chất lượng cao, bởi đây đang là khâu yếu.

Xoay quanh sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, nhiều đại biểu tiếp tục phản ánh việc một bộ phận không nhỏ nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng nên không đầu tư thâm canh, chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng kém... Đại biểu Dương Thị Chanh (huyện Lệ Thủy) đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ  các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi các vùng ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Góp phần từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, đại biểu Nguyễn Quang Năm cho rằng tỉnh cần chỉ đạo các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp. “Ai thiết tha làm ruộng thì nhận ruộng để thực hiện cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, canh tác để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích và trên ngày công. Những hộ không thiết tha làm ruộng thì giao đất lại cho người khác để đi tìm công việc có thu nhập cao hơn. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm hệ số sử dụng đất từ 2 vụ trở lên, nâng cao giá trị và hiệu quả đầu tư”, đại biểu đề xuất.

Ở góc nhìn khác, về sự phát triển các dự án trên địa bàn, đại biểu Đoàn Lương Khuệ (huyện Quảng Trạch) cho rằng: Tỉnh cần kết hợp chặt hơn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường để bảo đảm sức khỏe của Nhân dân. Thực tế, vừa qua, một số công trình còn nhiều ý kiến phản ánh của cử tri chỉ mới tập trung thực hiện dự án, còn việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân khu vực dự án chưa được chú trọng, chưa có các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm hạ tầng giao thông… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn”, ông Khuệ nêu rõ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh việc chủ động chống hạn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt, không để dịch bệnh phát sinh lây lan. Thực hiện tốt các chính sách về phát triển thủy sản và khai thác hải sản vùng biển xa; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; quản lý chặt các dự án chuyển đổi rừng sang mục đích khác; nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng và người dân trong công tác bảo vệ rừng…

Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Công Huấn điều hành phiên thảo luận  

Ảnh:  Hải Phong

Quan tâm hỗ trợ đồng bào nghèo cải thiện nhà ở

Không chỉ trăn trở về sự phát bền vững sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực giáo dục cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian mổ xẻ tại phiên thảo luận. Các đại biểu đồng tình cho rằng: Ngành giáo dục của tỉnh tiếp tục có bước tiến, chất lượng dạy và học được cải thiện rõ rệt… Tuy nhiên, đại biểu Trần Sơn Tùng (thị xã Ba Đồn) phản ánh những bất cập trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… “UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phối hợp chặt để vừa bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vừa nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn”, đại biểu đề nghị.

Về vấn đề này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Phạm Thị Hân đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp để bố trí, sắp xếp lại hợp lý, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với nội dung, chương trình sách giáo khoa mới; đầu tư nâng cấp cho những trường còn thiếu phòng học, xuống cấp, chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa các trường, giữa các bậc học; quan tâm giáo dục kỹ năng sống, định hướng phân luồng, giáo dục hướng nghiệp THCS, THPT.

Liên quan đến việc thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đinh Thị Chuẩn (huyện Minh Hóa) cho rằng: Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm song nhu cầu nhà ở cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Minh Hóa nói riêng vẫn còn rất lớn. “Theo số liệu thống kê đến tháng 12.2019, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 2.507 hộ nghèo (chiếm 18,34%), số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 64,5% tổng số hộ nghèo. Trong đó, nhu cầu về chất lượng nhà ở 1.655 hộ (chiếm 66,41%); nhu cầu về diện tích nhà ở đạt chuẩn 1.534 hộ (chiếm 61,41%)…”, bà Chuẩn dẫn chứng. Đại biểu đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào nghèo có mái nhà kiên cố, bảo đảm cho bà con an cư lạc nghiệp. Đồng thời, sâu sát cơ sở hơn nữa, rõ từng hoàn cảnh để cân nhắc kỹ, bảo đảm quá trình rà soát xét hộ nghèo, cận nghèo công bằng, chính xác…        

Hải Phong