Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

“Hạ thánh giá” và khám phá tạo hình

- Thứ Hai, 21/12/2015, 08:31 - Chia sẻ
Là họa sĩ thuộc trường phái nghệ thuật Biểu hiện, Max Beckmann có phong cách khá đặc biệt. Tác phẩm Hạ thánh giá (Descent from the Cross) được vẽ năm 1917 là ví dụ điển hình cho những đóng góp của ông vào hội họa, khởi đầu cho sự thay đổi các khái niệm về nghệ thuật châu Âu.

Thay vì quan tâm một cách thái quá đến biểu hiện ngôn ngữ nghệ thuật từ Ấn tượng, Lập thể cho đến Dã thú, các trường phái này dường như đề tài chỉ là cái cớ cho việc thực thi những khám phá mới trong tạo hình. Nhưng đến Beckmann, dường như mọi thứ đã đổi khác. Không chỉ là họa sĩ ngoại lệ của trường phái Biểu hiện Đức, ông còn là nhà văn, nhà điêu khắc và hơn nữa là hoạt động như một nhà tư tưởng. Hạ thánh giá có thể xem là tác phẩm được ông vẽ ra với phong cách hoàn toàn khác trước khi rời quân ngũ. Tuy không phải là một kiệt tác trên mọi phương diện về hình sắc, bố cục cũng như giá trị nghệ thuật nhưng rõ ràng nó đánh dấu mốc quan trọng không chỉ trong sự nghiệp của Beckmann mà còn đem lại xúc cảm kỳ lạ vào thời điểm năm 1917 khi Chiến tranh thế giới chưa hoàn toàn kết thúc.


Hạ thánh giá, sơn dầu trên vải của Max Beckmann, khổ 151,2x158,9cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York

Trong bố cục chật chội, cái thang ở trung tâm, hình ảnh Chúa Jesus dường như chiếm hết toàn bộ không gian đó với đôi tay cứng nhắc nguyên hình thánh giá được lật nghiêng sang một bên. Vẻ mặt tái mét. Còn các nhân vật thánh nữ Magdelene, thánh Joan đỡ xác Chúa từ cây thập giá dường như đang suy tính trong một tâm trạng khác. Các nhân vật lấp ló phía sau. Không gian như đặc quánh xám ngắt với mặt trời như nhật thực phía hậu cảnh. Tất cả vẽ ra một quang cảnh ảm đạm vốn có của chủ đề, nhưng nó còn nặng nề hơn bởi bối cảnh cuộc Thế chiến đang diễn ra, dẫu rằng Hạ thánh giá hoàn toàn là đề tài truyền thống.

Ba năm trước khi chiến tranh nổ ra, Beckmann - niềm tự hào của Học viện nghệ thuật hàn lâm Grand Ducal ở Weimar, Đức, từng nuôi khát vọng trở thành họa sĩ lịch sử. Ông ngưỡng mộ các bậc thầy cổ điển từ Bosch đến Rembrandt, và lớn tiếng bác bỏ phong cách lập thể của Picasso, Matisse. Người duy nhất ông quý trọng đến mức cực đoan có lẽ là Cezanne. Và cũng không phải bỗng nhiên, khi trở về sau một thời gian dài làm tình nguyện phục vụ y tế ở Đông Phổ và Bỉ trong Thế chiến I, Beckmann đã chọn cho mình chủ đề về tôn giáo, như muốn nối lại mạch nguồn cảm hứng. Hơn thế nữa, chúng với ông như thể sự cứu vớt linh hồn, niềm tin. Hạ thánh giá là sự khởi đầu ngoạn mục đó. Rõ ràng đã có sự thay đổi không nhỏ trong cái nhìn về hiện thực cũng như các giá trị cổ điển. Xúc cảm chiến tranh hầu như đã thay đổi ông trong một cái nhìn khác, tâm thức khác. “Những thanh âm khủng khiếp của chiến trận, những đám người bị thương và kiệt sức, bom vẫn tiếp tục đì đùng ngoài xa và càng ngày càng gần… Tất cả như tạo ra một không gian vô cực. Tôi muốn vẽ âm thanh này”.

Có lẽ không đơn thuần mang tâm trạng chiến tranh thế giới, bức tranh này còn ít nhiều liên quan đến lịch sử nước Đức - Tổ quốc của ông. Hình tượng Nhật thực như ám chỉ sự đổi ngôi trong chính trị nước Đức thời Thế chiến I. Sau này biểu tượng đó còn là sự ám chỉ về mối quan hệ giữa nhà nước Cộng hòa Weimar và chế độ độc tài của Hitller.

Hạ thánh giá giữ một vị thế quan trọng trong sự nghiệp của Beckmann, giúp ông hình thành nên phong cách khó có thể lẫn. Đồng thời nó cũng cho thấy ảnh hưởng ít nhiều từ Cezanne đến ông, trong lối thức tạo hình. Không gian biểu hiện phân mảnh như chính tâm trạng của thời cuộc. Cái đau đớn của thể xác nhợt nhạt có lẽ chỉ là hình thức cho một nỗi đau tinh thần. Chúa cứu thế hy sinh mạng sống để mong cứu rỗi thế giới, nhưng chiến tranh đã tàn phá tất cả, mọi thứ đều trở nên bất lực…

Trang Thanh Hiền