Hai áp lực của một kỳ thi

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 07:56 - Chia sẻ
Hôm nay, 900 nghìn thí sinh trên cả nước (trừ Đà Nẵng, một số địa phương ở Quảng Nam, TP Buôn Ma Thuật của Đắk Lắk, huyện Đình Lập của Lạng Sơn...) bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây có thể nói là một kỳ thi đầy áp lực với ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương (và tất nhiên với cả các thí sinh).

Trước hết là áp lực phải tổ chức một kỳ thi bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy và trò trong tình huống dịch bệnh Covid-19 quay trở lại nước ta và đã xuất hiện hơn 330 ca nhiễm mới trong cộng đồng ở 13 tỉnh, thành phố.

Dù quyết định vẫn tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT được đưa ra có phần hơi muộn sau nhiều đắn đo, cân nhắc, ngành giáo dục và các địa phương vẫn chủ động hoàn tất công tác chuẩn bị và lên các phương án dự phòng. Mọi điểm thi được khử khuẩn và trang bị đầy đủ nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, khẩu trang cho cán bộ tham gia công tác thi và thí sinh. Các trường cũng bố trí thêm các phòng thi dự phòng nhằm kịp thời ứng phó với tình huống bất ngờ nếu có.

Trước yêu cầu phòng chống dịch, một số địa phương bổ sung cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi, tăng cường cán bộ bảo đảm an ninh trật tự cho kỳ thi. Về mặt tinh thần, nhiều tỉnh, thành phố tập trung cập nhật cho thí sinh và phụ huynh thông tin về diễn biến dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng tránh giúp các em yên tâm bước vào kỳ sát hạch quan trọng sau 12 năm đèn sách.

Đặc biệt, việc rà soát, phân loại thí sinh và cán bộ tham gia công tác thi được tiến hành kỹ lưỡng để có phương án xử lý phù hợp. Ngay sáng qua, khi tại điểm thi huyện Đan Phượng có một giáo viên thuộc diện F1, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của TP Hà Nội đã quyết định chuyển toàn bộ điểm thi này và toàn bộ cán bộ, giáo viên cũng được thay thế bằng tổ giáo viên khác. Chiều qua, Quảng Ngãi cũng quyết định cho 352 thí sinh của Trường THPT Sơn Mỹ dừng thi khi phát hiện một cô giáo thuộc diện F1 đã tham gia trông thi trong đợt thi thử và tiếp xúc với nhiều giáo viên, học sinh của trường để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy phần nào giải tỏa áp lực phải tổ chức một kỳ thi an toàn về mặt sức khỏe cho hàng triệu thí sinh và cán bộ tham gia công tác thi trong cơn bão Covid. 

Áp lực tiếp theo - không kém phần nặng nề - là phải bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, không xảy ra tiêu cực để từ đó có sự đánh giá chính xác việc dạy và học, phân loại và lựa chọn được người giỏi. Đây là khó khăn rất lớn bởi các địa phương có động cơ nâng cao thành tích của tỉnh mình và lối tư duy này đã trở thành truyền thống. Nếu thành tích này mâu thuẫn với tính nghiêm túc, khách quan và chính trực của cuộc thi thì không khó để thấy thứ gì sẽ nặng hơn trên bàn cân.

Thực tế đã có chuyện nơi này nơi kia “chăm chút” cán bộ trông thi và thanh tra kỳ thi “hết cỡ” để đổi lấy bầu không khí “nhẹ nhàng, lỏng lẻo” trong phòng thi. Đó là chưa kể tới những mua bán đổi chác trong từng trường hợp cụ thể, như vụ gian lận có hệ thống và trắng trợn, người liên quan ở những cấp quản lý cao như những gì đã xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...

Từ sau vụ gian lận thi cử gây chấn động dư luận này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực tìm mọi cách bịt các lỗ hổng kỹ thuật có thể dẫn tới tiêu cực. Tuy vậy, kỳ thi năm nay được giao cho địa phương tổ chức, giáo viên địa phương coi thi nên mối lo lắng nơi coi lỏng, nơi coi chặt, nơi xuê xoa để học sinh địa phương có điểm cao là có cơ sở. Lực lượng thanh tra dù được Bộ tăng cường liệu có đủ sức giám sát hết các tình huống có thể xảy ra trong và ngoài phòng thi hay không?

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên hủy thi trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp và rộng hơn là có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không? Những lo lắng có thể thái quá, những đề xuất có thể trái luật nhưng tất cả đều xuất phát từ trách nhiệm với ngành giáo dục, mong cho nền giáo dục nước nhà ngày một tốt hơn. Bởi vậy, các ý kiến này cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thấu đáo - tất nhiên là sau khi đã tổ chức xong kỳ thi năm nay - để tiếp tục có những cải cách hiệu quả trong công tác thi cử và tuyển sinh.  

Hà Lan