Hai công cụ quan trọng

- Thứ Sáu, 17/07/2020, 05:30 - Chia sẻ
Trong khi có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 20% kế hoạch đề ra, thậm chí, có tới 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 5% thì Ninh Bình là một trong số ít những địa phương được “vinh danh” trong Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương sáng qua của Chính phủ. Địa phương này đã giải ngân được vốn đầu tư công lên tới 72%; cam kết giải ngân hết 100% vốn đầu tư trong năm nay và sẽ tiếp tục giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển thêm vốn.

Lâu nay, và ngay tại hội nghị hôm qua, những nguyên nhân khách quan vẫn được các bộ, ngành, địa phương viện dẫn để lý giải cho sự chậm chạp, trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng tại sao cùng một khuôn khổ pháp lý giống nhau, cùng một cơ chế, chính sách giống nhau lại có nơi làm tốt, có nơi ì ạch? Nêu ví dụ tại Ninh Bình khi Hội đồng Nhân dân tỉnh này đã đồng hành với Ủy ban Nhân dân tỉnh, họp nhiều lần thay vì định kỳ để kịp thời đưa ra quyết sách về những vấn đề liên quan đến đầu tư công; Bí thư, Phó Bí thư Thường trực xuống hỗ trợ Chủ tịch các huyện để trực tiếp vận động hệ thống chính trị trong giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết ngắn gọn: Điểm khác nhau giữa các địa phương làm tốt và ì ạch chính là do “bệnh quan liêu, không chịu đi thị sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”.

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Từ đầu năm đến nay, có thể nói rằng, trong tất cả các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thì chủ đề nóng nhất, gây sốt ruột nhất và được thúc giục nhiều nhất chính là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện bằng được để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19.

Gần đây nhất, ngày 26.5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công văn gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Những yêu cầu gắt gao nhất đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra như: Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc xử lý các dự án chậm tiến độ; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 ở địa phương mình. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi. Dẫu vậy, những con số quá đỗi khiêm tốn được báo cáo tại hội nghị sáng qua đã cho thấy, sự thúc giục của Thủ tướng, của Thường trực Chính phủ vẫn chưa thể kéo được cả bộ máy bên dưới chuyển động theo.

Sau hội nghị hôm qua, chắc chắn, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, có 2 công cụ mà Chính phủ phải tận dụng triệt để: Một là, kiên quyết thực hiện Nghị quyết số 122/2020/QH14 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Trong đó, Quốc hội đã “bật đèn xanh” cho phép Chính phủ chủ động điều chuyển vốn đầu tư công từ bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không giải ngân được sang bộ, cơ quan trung ương, địa phương có thể giải ngân được và giải ngân hiệu quả. Có thể nói, đây là công cụ quan trọng nhất bởi việc kiên quyết điều chuyển vốn sẽ buộc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải “lo việc tiêu tiền”, không thể đủng đỉnh được nữa, không giải ngân được là mất, không giống như trước đây, tiền chưa tiêu được thì vẫn còn đó.

Công cụ thứ hai chính là kiên quyết xử lý nghiêm, có địa chỉ cụ thể những bộ phận, những cá nhân thiếu trách nhiệm, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công, hay thậm chí là chỉ lừng khừng trong thực thi nhiệm vụ này. Như cách nói của Thủ tướng là “phải sờ gáy những người làm trực tiếp”, Chính phủ phải “sờ gáy” người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải “sờ gáy” những đơn vị, cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ, rõ việc, rõ trách nhiệm và đồng thuận trong hành động từ Trung ương xuống đến cơ sở chứ không thể cứ hô hào trách nhiệm chung chung mãi như lâu nay được nữa.

Lam Anh