Chính sách làm việc cho tân cử nhân ở Trung Quốc

Hai mô hình đại học song song

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 10:51 - Chia sẻ
Kể từ năm 2014, Trung Quốc áp dụng phương pháp phân chia việc thi đại học thành hai mô hình học thuật và kỹ năng, thực hiện thi đại học theo hình thức hai loại nhân tài, hai loại mô hình. Đây là cơ sở để thúc đẩy xây dựng hệ thống giáo dục hướng nghiệp hiện đại, bền vững.

Xóa đi tâm lý tính kỳ thị

Vào thời điểm năm 2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Lỗ Hân cho biết, phát triển giáo dục hướng nghiệp không những phải đột phá mô hình thi đại học sẵn có, mà còn phải dỡ bỏ một loạt chính sách mang tính kỳ thị giáo dục hướng nghiệp, thi hành phát triển bình đẳng giữa giáo dục hướng nghiệp và giáo dục phổ thông.

Để làm được điều đó, Trung Quốc đã ban hành một phương án mới về thi đại học với hai loại nhân tài, hai loại mô hình. Mô hình thứ nhất là thi đại học dành cho nhân tài kỹ thuật và kỹ năng, kỹ năng cộng với kiến thức văn hóa, trong giai đoạn phổ thông trung học, học sinh 16 tuổi là có thể lựa chọn mô hình phát triển trong tương lai của mình. Mô hình thứ hai là thi đại học như hiện nay, tức dành cho nhân tài loại hình học thuật. Trung Quốc đã chia tách hai loại hình thi đại học dành cho nhân tài loại hình kỹ năng và nhân tài loại hình học thuật.

Cụ thể, Trung Quốc chuyển hơn 600 trường đại học hệ chính quy của các địa phương thành các trường đại học loại hình kỹ thuật và giáo dục hướng nghiệp; điều này có nghĩa là một nửa số trường chuyển từ chú trọng bộ môn khoa học sang chú trọng chuyên ngành, kết nối với nhu cầu và cương vị việc làm của doanh nghiệp.

Cách làm này của Trung Quốc đã chuyển từ việc chú trọng trang bị kiến thức tổng hợp như trước đây sang chú trọng đào tạo chuyên ngành, kết nối với nhu cầu và yêu cầu về việc làm của các doanh nghiệp. Thứ trưởng Lỗ Hân cho biết, cuộc cải cách thi đại học theo “hai mô hình” giúp giải quyết mâu thuẫn mang tính kết cấu về việc làm. Bởi vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng khắc phục được tình trạng thiếu hụt về nhân tài loại hình khoa học kỹ thuật như: Kỹ sư công nghệ, toán, quản lý kinh tế, công nhân lành nghề, lao động chất lượng cao trên thị trường việc làm… mà nền kinh tế hiện đại đang rất cần.

Ngoài ra, Trung Quốc rất coi trọng kích thích sự sáng tạo, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và đạo đức của người lao động cũng như khả năng cạnh tranh sắc bén của họ trên thương trường. Bằng việc tạo ra nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật (STEM) thuộc mô hình đào tạo đại học thứ nhất, Trung Quốc đã nâng cao được năng lực cạnh tranh để theo kịp và vượt qua các cường quốc khác trên nhiều lĩnh vực.

Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tính riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã đào tạo ra được 4,1 triệu sinh viên tốt nghiệp loại hình khoa học kỹ thuật, gấp 8 lần con số 568.000 mà Mỹ đào tạo. Nếu so sánh theo tỷ lệ phần trăm dân số, thì Trung Quốc đang đào tạo ra được số sinh viên tốt nghiệp loại hình khoa học kỹ thuật với tốc độ gấp đôi Mỹ.

Thúc đẩy mô hình liên kết trường đại học

Hiện tại, việc dạy nghề ở Trung Quốc do các Bộ Giáo dục và Lao động quản lý, nhưng các doanh nghiệp cũng được khuyến khích “đào tạo nghề” cho chính công nhân của mình. Năm 2001, những khóa đào tạo ngắn hạn đã cho ra lò cấp tốc hàng trăm triệu công nhân.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thông qua cơ chế hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Mô hình này thành công nhờ 3 cơ chế quan trọng gồm xây dựng các công viên khoa học, vườn ươm công nghệ và thành lập các công ty đóng vai trò kết nối. Để thúc đẩy các hoạt động này diễn ra theo cơ chế thị trường, Trung Quốc khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư với vốn góp từ 3 nguồn: 10% từ các trường đại học; 30% từ các nhà nghiên cứu/nhà giáo (2/3 đóng góp bằng tri thức công nghệ và 1/3 từ đóng góp đầu tư của các cá nhân); 60% từ ngân sách nhà nước và tài trợ của các công ty. Dự án thành công, lợi nhuận sẽ được chia đều theo tỷ lệ góp vốn. Một phần nhờ mô hình này, Trung Quốc đã có Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia với số vốn hơn 600 triệu NDT; hơn 50 quỹ khoa học khác do các bộ và chính quyền địa phương thành lập với tổng số vốn hơn 250 triệu NDT. Các quỹ này tập trung tài trợ cho các dự án có tầm quan trọng chiến lược trong phát triển khoa học công nghệ và được lồng ghép với phát triển kinh tế có mục tiêu trung và dài hạn, nhằm tăng giá trị thực tế của các nghiên cứu khoa học cơ bản trong trường đại học.

Hơn nữa, quốc tế hóa đang trở thành xu hướng chung cho mọi cuộc cải tổ và phát triển nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Theo đó, Trung Quốc cũng đã tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế và trao đổi trong lĩnh vực đào tạo nghề. 20 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã gửi nhiều đoàn sang hơn 20 quốc gia học nghề, đồng thời cũng tiếp nhận nhiều đoàn nước ngoài đến học nghề tại Trung Quốc, mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy và hợp tác mở trường quốc tế ở trong nước.

Quốc Đạt