Pháp luật về lao động của các nước trên thế giới

Hàn Quốc: Giảm giờ làm để tạo thêm việc

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 07:06 - Chia sẻ
Theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), trước đây Hàn Quốc là quốc gia phát triển có số giờ làm việc dài nhất với 68 tiếng mỗi tuần. Chính vì vậy, năm ngoái, Quốc hội xứ sở kim chi đã phải thông qua một đạo luật giảm giờ làm xuống 52 giờ/tuần giúp người lao động được nghỉ ngơi đầy đủ.

Hiện lao động Hàn Quốc sẽ chỉ làm việc chính thức 40 tiếng mỗi tuần và làm thêm không quá 12 giờ/tuần. Người dưới 18 tuổi được làm việc tối đa 35 giờ/tuần. Nếu làm thêm vào cuối tuần, họ sẽ được trả lương cao hơn 50 - 100% so với bình thường. Luật trên có hiệu lực kể từ tháng 7.2018, tuy nhiên ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho các công ty lớn, rồi mới mở rộng ra các doanh nghiệp. Cụ thể là, quy định mới áp dụng từ 1.7 đối với các doanh nghiệp có từ 300 công nhân trở lên, đến tháng 1.2020 sẽ áp dụng với các doanh nghiệp sử dụng từ 50 - 299 lao động và cuối cùng, từ tháng 7.2021 sẽ là các doanh nghiệp còn lại. Những lĩnh vực đặc thù có thể không tuân theo quy định trên có thể kể đến là vận tải và y tế.

Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc tin rằng, những quy định mới sẽ cải thiện đời sống, sức khỏe cho người lao động, từ đó giúp tăng năng suất lao động và nhất là tạo thêm nhiều việc làm mới. Thực tế cho thấy, thời gian làm việc quá nhiều đã khiến cơ hội tìm việc ở Hàn Quốc trở nên rất khó khăn. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc đứng ở mức 3,73%, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp đứng ở mức cao. Theo một vài khảo sát, việc giảm giờ làm xuống còn 52 giờ/tuần có thể tạo ra thêm được 600.000 - 700.000 việc làm mới.

Từng được mệnh danh là quốc gia nghiện việc nhất thế giới, Hàn Quốc là trường hợp ngoại lệ trong xu hướng toàn cầu. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, thường các quốc gia thu nhập thấp và trung bình mới có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn những nước phát triển. Thậm chí, khảo sát của OECD còn cho thấy, so với những quốc gia có mức thu nhập tương đồng như Anh và Australia, người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn khoảng 340 giờ mỗi năm, tương đương 9 tuần.

Mặt trái của việc chăm chỉ quá mức đã khiến Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội, đáng chú ý là tình trạng già hóa dân số nhanh và tỷ lệ sinh giảm mạnh. OECD cho biết, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện ở mức 1,2 trẻ em/phụ nữ, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, cùng với Italy và Tây Ban Nha. Trong khi đó, con số đó ở Mỹ là 1,8. Theo dự báo tới năm 2026, dân số trên 65 tuổi của Hàn Quốc sẽ chiếm trên 20%, đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiến vào giai đoạn xã hội siêu già. Vì vậy, để hạn chế tình trạng làm thêm giờ, tòa thị chính Seoul đã cắt điện từ 19h vào các ngày thứ 6 hàng tuần. Các cửa hàng bán lẻ đóng cửa sớm hơn một tiếng. Một số công ty thậm chí còn sử dụng camera an ninh để giám sát những ai về muộn hoặc hạn chế giờ quẹt thẻ của nhân viên, hay ngắt hệ thống máy tính để mọi người phải về đúng quy định. Bất kỳ người sử dụng lao động nào vi phạm các quy định về giới hạn giờ làm việc có thể sẽ bị phạt tù tới hai năm và chịu các khoản tiền phạt rất nặng. Bên cạnh việc giới hạn thời gian làm việc trong mỗi tuần, tháng 8.2018, Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp buộc phải tuyển dụng thêm người thay vì bắt nhân viên phải làm thêm giờ. 

Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều người cho rằng luật mới chỉ mang lại hiệu quả tích cực cho những ai có công việc ổn định và nhận được lương cao. Những người làm việc chân tay hoặc lao động không cố định, vốn chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động Hàn Quốc thậm chí còn phải làm nhiều giờ hơn. Bởi họ phải kiếm thêm việc làm đồng thời để bảo đảm thu nhập như trước đây. Quốc hội Hàn Quốc từng ước tính, 150.000 lao động sẽ phải đối mặt với mức giảm thu nhập trung bình 140.000 won/tháng khi luật hạn chế giờ làm có hiệu lực.

Còn về phía các doanh nghiệp, những quy định mới tạo ra gánh nặng lên những doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, các doanh nghiệp sẽ phải chi thêm 11 tỷ USD để duy trì mức sản lượng như trước đây. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc vốn đã gặp khó khăn trước quy định tăng lương tối thiểu lên 16,4%, được áp dụng vào đầu năm 2018, nay càng còn khó khăn hơn. Trước thực tế này, có lẽ các nhà lập pháp sẽ tiếp tục phải nghiên cứu để hoàn thiện luật cho phù hợp và công bằng hơn với tất cả mọi người.

Linh Anh