Chính sách chống ô nhiễm không khí của một số quốc gia

Hàn Quốc<br>Hành động khẩn cấp từ cơ quan lập pháp và chính quyền

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 09:39 - Chia sẻ
Là một trong những nước phát triển có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng bậc nhất trong số các thành viên của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), Hàn Quốc đã phải nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra những giải pháp nhằm trả lại sự trong lành cho bầu khí quyển với sự nhập cuộc của cơ quan lập pháp cùng các cấp chính quyền.

Nhiều biện pháp

Từ năm 2016, Hàn Quốc đã kết hợp với Mỹ thiết lập một dự án nghiên cứu quy mô lớn để có phân tích toàn diện về tình trạng ô nhiễm của nước này. Dự án quy tụ gần 600 nhà nghiên cứu của hai quốc gia, sử dụng cả máy bay nghiên cứu, bao gồm “phòng thí nghiệm biết bay” NASA DC-8 bay trên Biển Vàng và bán đảo Triều Tiên. Chính phủ xứ sở kim chi không tiếc tiền đổ vào lĩnh vực nghiên cứu để xây dựng ứng dụng những công nghệ tối tân nhất hướng tới việc phân tích cơ chế sản sinh cũng như tác hại và tác động của bụi mịn đối với môi trường và sức khỏe con người. Dự kiến đến năm 2022, ngân sách cho lĩnh vực này sẽ tăng lên gấp đôi. Đặc biệt, Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu biện pháp dùng mưa nhân tạo để làm sạch không khí.

Cùng với đó, Hàn Quốc còn hỗ trợ tài chính để người dân có thể thay đổi thói quen sinh hoạt có nguy cơ gây ô nhiễm và tạo điều kiện về sinh kế. Chẳng hạn, Chính quyền Seoul đã chuyển đổi những phương tiện giao thông đời cũ sang đời mới để giảm phát thải. Toàn bộ xe buýt công cộng, xe buýt chở học sinh chạy xăng được chuyển sang chạy điện hoặc dùng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, bãi đỗ xe tại các cơ quan nhà nước bị đóng cửa. Chỉ một nửa công chức và những người làm việc cho các cơ quan nhà nước được phép lái xe, tùy thuộc vào việc họ có biển số xe lẻ hay số chẵn. Đồng thời, những cá nhân muốn đổi ôtô chạy xăng sang chạy điện sẽ được hỗ trợ gần 20.000 USD mỗi người. Nhà nước cũng hỗ trợ trả 80% giá thành chênh lệch giữa máy sưởi hiệu suất cao, phát thải thấp so với máy cũ nếu người dân muốn đổi… Bên cạnh đó, các nhà chức trách còn tìm cách lắp đặt máy lọc không khí trên các phương tiện giao thông tải trọng lớn như xe buýt công cộng, xe tải, tàu điện ngầm… Thực tế, đến cuối năm 2018, gần như 100% xe buýt được trang bị bộ lọc bụi mịn. Ngoài 200 toa tàu điện ngầm có bộ lọc bụi hiện nay, chính quyền thành phố cũng có kế hoạch lắp đặt bộ lọc thêm 100 toa nữa ngay trong năm nay.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nhà nước vừa khuyến khích, vừa siết chặt dần định mức phát thải bụi mịn đối với những ngành nghề gây ô nhiễm, đặc biệt như sản xuất gang, thép, xi măng hay lọc hóa dầu. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát ô nhiễm và các thanh tra môi trường sẽ được tăng cường để kiểm tra. Nếu ô nhiễm vượt quá mức cho phép, doanh nghiệp sẽ bị phạt hoặc buộc phải dừng hoạt động. Dẫu vậy, nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật công nghệ giảm phát thải mới nhất, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách cho vay ưu đãi 5 triệu USD/doanh nghiệp.
Hội đồng quốc gia về khí hậu và chất lượng không khí Hàn Quốc mới đây đã đề xuất một số biện pháp nhằm giảm 23.000 tấn bụi mịn, tương đương 20% lượng bụi mịn vào cuối năm nay. Theo đề xuất, Hàn Quốc sẽ cần giảm quy mô hoặc đình chỉ hoạt động của 27 nhà máy nhiệt điện trên cả nước, siết chặt quy định đốt rác thải tại vùng nông thôn hay sử dụng các xe phun nước rửa đường tại những khu vực gần trường học, bệnh viện. Trước đó, Tổng thống Moon Jae-in đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm hơn 30% và nồng độ bụi mịn sẽ chỉ còn 18micromet/m3 vào năm 2022.

Luật đặc biệt hạn chế và kiểm soát bụi mịn

Hồi tháng 2 năm nay, trước vấn nạn ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng, Quốc hội Hàn Quốc đã khẩn trương thông qua một đạo luật đặc biệt nhằm hạn chế và kiểm soát bụi mịn. Luật mới tập trung vào vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng một tháp kiểm soát không khí, lập kế hoạch toàn diện 5 năm một lần để giảm ô nhiễm bụi mịn, bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo luật, Chính phủ thành lập một ủy ban đặc biệt, bao gồm các Bộ trưởng, chuyên gia dân sự, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lee Nak-yon chịu trách nhiệm về các chính sách liên quan đến bụi mịn. Luật cũng đặt nền tảng cho các thành phố thực thi biện pháp giảm thiểu ô nhiễm khẩn cấp. Những biện pháp này sẽ có hiệu lực khi nồng độ bụi siêu mịn trung bình vượt quá hoặc được dự báo sẽ vượt quá mức nhất định.

Cụ thể, các biện pháp giảm thiểu khẩn cấp có hiệu lực từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều ngày hôm sau khi nồng độ trung bình của PM2,5 vượt quá 50 microgam/m3 khi và được dự báo sẽ vượt quá mức đó trong 24 giờ tiếp theo. PM2,5 là hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (1 micromet bằng 1 phần triệu của mét). Gần đây nhất là hồi tháng 1, biện pháp giảm thiểu khẩn cấp đã có hiệu lực tại Seoul khi trên toàn Hàn Quốc phải chịu mức độ ô nhiễm hạt mịn cao trong mấy ngày liên tiếp.

Trong thời kỳ áp dụng các biện pháp giảm bụi mịn khẩn cấp, chính quyền thành phố hoặc tỉnh có thể cấm xe ô tô diesel cũ lưu thông trên đường phố, đồng thời yêu cầu các cơ sở phát thải giảm giờ hoạt động. Các nhà chức trách cũng có thể đề nghị đóng cửa tạm thời hoặc giảm giờ học tại các trung tâm chăm sóc ban ngày, nhà trẻ và trường học, đồng thời yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc linh hoạt hoặc làm việc ở nhà. Những trường hợp vi phạm các quy định trên có thể phải đối mặt với mức phạt từ 100.000 won (khoảng 89 USD) đến 2 triệu won (1.789 USD).

Hồi tháng 3, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một loạt dự luật cho phép các cơ quan chức năng tiếp cận các quỹ khẩn cấp lên tới 2,65 tỷ USD để đối phó với mọi thiệt hại hoặc trường hợp khẩn cấp do không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, cơ quan lập pháp cũng đã chính thức tuyên bố, vấn đề ô nhiễm không khí mãn tính ở Hàn Quốc là một “thảm họa quốc gia”.

Linh Anh