Hàng Việt chiếm lĩnh các hệ thống phân phối

- Thứ Năm, 13/08/2020, 08:30 - Chia sẻ
Sau 6 năm thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã trở thành trụ cột quan trọng của thị trường nội địa. Hàng Việt chiếm hơn 90% trong các kênh phân phối của doanh nghiệp trong nước và chiếm 60 - 96% tại hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Trụ cột của thị trường nội địa

Ngày 12.8, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 6 năm thực hiện đã tạo ra thay đổi tích cực trong cả nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước; hỗ trợ hệ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững; và chứng minh hàng Việt là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa.

Kết quả điều tra của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy, 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 67% xác định sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; 52% luôn khuyên người thân của mình nên sử dụng hàng Việt Nam. Thông qua đề án, đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam.

Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước đạt trên 90% và đạt 60 - 96% tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19, trong khi nhiều chỉ số kinh tế suy giảm hoặc chững lại thì bán lẻ hàng hóa trong nước 7 tháng qua vẫn tăng. Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, Quảng Nam… vừa qua cũng không còn hiện tượng khan hàng, sốt giá với những mặt hàng thiết yếu. Điều này cho thấy sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối trong nước, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" nhận định. 

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, Bộ Công thương triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa đã giúp tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố trong nửa đầu năm nay tăng 1,1%. “Cuộc vận động đã tác động tích cực vào tăng trưởng, thị trường nội địa, là cứu cánh cho nền kinh tế”, bà Lan nhận định. 

Hàng hóa Việt ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn  

Kết nối sản xuất - tiêu dùng

Tuy vậy, quá trình triển khai đề án còn gặp một số khó khăn, nhất là về tài chính. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, hàng năm, ngân sách thường ưu tiên kinh phí để triển khai các hoạt động chính, một số nhiệm vụ chưa được tập trung thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa gắn việc thực hiện đề án với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, sự cạnh tranh với hàng ngoại ngày một gay gắt cả về chất lượng lẫn số lượng; hệ thống phân phối hàng hóa còn nhiều tồn đọng, hệ thống hạ tầng thương mại xuống cấp; tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát... 

Ông Đông kiến nghị, cần tiếp tục bố trí đủ kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án; bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt; chú trọng kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực, mang đến cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt đồng thời gia tăng sức ép cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường sao cho phù hợp và không vi phạm các hiệp định

Theo Phó Tổng Giám đốc VinCommerce Dương Thị Thanh Tâm, muốn hàng Việt hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng, doanh nghiệp cần quan tâm đến khâu nghiên cứu sản phẩm, tạo ra nhiều khác biệt. Doanh nghiệp phải chuyển đổi tâm thế từ người làm nghề sang sản xuất chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng quản trị, cần có sản phẩm khác biệt kết nối với mạng lưới truyền thống. “Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, phải đặt khách hàng ở vị trí trung tâm. Khi có những trải nghiệm tốt thì người tiêu dùng sẽ là kênh truyền thông hiệu quả nhất cho hàng Việt trong tương lai”, bà Tâm nhấn mạnh. 

Hạnh Nhung