Xuất khẩu lao động ở Ấn Độ

Hành lang pháp lý và chiến lược quốc gia

- Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:42 - Chia sẻ
Là nước có truyền thống lâu đời về xuất khẩu lao động kỹ thuật cao lẫn lao động phổ thông, Ấn Độ gửi công dân ra nước ngoài làm việc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, có khoảng 17 triệu người Ấn Độ làm việc bên ngoài biên giới quốc gia trong năm 2017. Với số lượng hùng hậu như vậy, lượng kiều hối được gửi về Ấn Đồ đang giữ vị trí số 1 thế giới hiện nay.

Luật Di trú - cơ sở pháp lý quan trọng

Trong số lao động Ấn Độ đang làm việc ở nước ngoài, có khoảng 20% là lao động có tay nghề và chuyên gia, 80% còn lại chủ yếu là lao động phổ thông. Thị trường xuất khẩu lao động của Ấn Độ là các quốc vùng Vịnh và Trung Đông, tiếp theo là các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), và các nước Đông Nam Á. Năm 2018, lượng kiều hối được chuyển về Ấn Độ đạt khoảng 79 tỷ USD, cao nhất thế giới.

Năm 1983, Luật Di trú của Ấn Độ được ban hành, giao cho Bộ Lao động quản lý các hoạt động liên quan đến xuất khẩu lao động, chuyên gia và vấn đề di trú. Luật quy định, các tổ chức, hoặc cá nhân thực hiện dịch vụ tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đều phải có giấy phép do Bộ Lao động cấp.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ người lao động Ấn Độ làm việc ở nước ngoài và quyền lợi của họ cũng trở thành nhiệm vụ của Văn phòng Tổng bảo vệ người di cư (PGE), hiện trực thuộc Bộ Ngoại giao. Luật Di trú năm 1983 có một số đặc điểm nổi bật sau: Bất kỳ công dân Ấn Độ nào cũng có thể được tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài thông qua Đại lý tuyển dụng được đăng ký theo Luật, hoặc bởi chủ lao động có giấy phép hợp lệ do PGE cấp; Không công dân Ấn Độ nào (trừ khi được miễn) có thể di cư mà không nhận được sự đồng ý của Văn phòng Bảo vệ người di cư (POE) có liên quan. Các POE hoạt động dưới sự giám sát và kiểm soát của PGE đang đặt tại Chandigarh, Cochin, Chennai, Delhi, Jaipur, Hyderabad, Mumbai, Kolkata, Raebareli và Trivandrum. Bất kỳ ứng viên nào muốn tìm kiếm việc làm ở nước ngoài và sở hữu hộ chiếu có chứng thực: "Đã được yêu cầu kiểm tra di trú" (Emigration Check Required) đều có thể nhận được sự cho phép từ bất kỳ của một trong những POE khi có đủ tài liệu theo quy định.

Ngoài ra, Luật Di trú còn quy định các chế tài xử phạt các vi phạm từ mức độ  từ thấp đến cao; cơ quan có thẩm quyền có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ số tiền ký quỹ của các tổ chức và cá nhân làm nhiệm vụ cung ứng lao động xuất khẩu khi vi phạm các cam kết; Chính phủ có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng cung ứng lao động xuất khẩu và cấm đưa lao động sang một số nước khác khi cần thiết…


Nguồn: Times of India

Phát triển ngành xuất khẩu lao động chủ lực

Có thể nói, công nghệ thông tin Ấn Độ là ngành cung cấp nhiều nhất lao động xuất khẩu sang các nước. Vì vậy, Chính phủ nước này đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hoạt động xuất khẩu chuyên gia công nghệ thông tin thông qua nhiều biện pháp khuyến khích về chính sách, giải pháp hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ thông qua đàm phán, thương thuyết, và cả vận động hành lang cho hoạt động trên trong quan hệ song phương và đa phương.

Ngoài ra, Ấn Độ còn áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khác như: Cắt giảm thuế, loại bỏ các yêu cầu bình đẳng về lương, miễn trừ thuế, bảo đảm an sinh xã hội đối với lao động làm việc tại nước ngoài, thành lập khu chế xuất và khu công nghệ phần mềm, đơn giản hóa việc phê duyệt các dự án đầu tư đơn giản hóa và tiến hành nhanh hơn thủ tục cấp giấy phép làm việc, cấp visa… Bên cạnh đó, Ấn Độ còn thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Công nghệ thông tin quốc gia và Bộ Công nghệ Thông tin để thúc đẩy tăng trưởng của ngành và đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm, dịch vụ cung cấp chuyên gia cho thị trường lao động quốc tế. Hiện nay, một trong những biện pháp hàng đầu để tăng số lượng chuyên gia công nghệ thông tin ở Ấn Độ là thành lập các Viện Công nghệ thông tin ở nhiều vùng của đất nước song song với Viện Công nghệ Ấn Độ.

Có thể nói, chính sách phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin là giải pháp của Chính phủ Ấn Độ bảo đảm vừa tiếp tục duy trì cung ứng lao động xuất khẩu, vừa không làm ảnh hưởng đến sự phát triển ngành này do thiếu hụt lao động qua đào tạo và chuyên gia giỏi trong tương lai.

Ngọc Minh