Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở "Điều còn lại"

Hấp dẫn từ đề tài nhân văn

- Thứ Năm, 28/05/2020, 08:18 - Chia sẻ
“Mong muốn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là tìm được phương hướng tốt nhất hỗ trợ các nhà hát trong công tác biểu diễn, đáp ứng nhu cầu của nhiều nghệ sĩ, đồng thời tìm cách kéo khán giả đến nhà hát”. Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Trần Hướng Dương tại họp báo công bố các hoạt động biểu diễn hậu Covid-19 của Nhà hát Kịch Việt Nam sáng 27.5, trong đó có vở "Điều còn lại".

"Điều còn lại” từng được dàn dựng trên sân khấu chèo và dân ca, song ê kíp thực hiện mong muốn làm nên kỳ diệu mà những người làm sân khấu kịch mơ ước. Đó là khai thác câu chuyện thời hậu chiến nhưng có giá trị và tính giáo dục cao cho các thế hệ ngày nay và mai sau. Chủ trương của Nhà hát Kịch Việt Nam là phát huy triệt để lực lượng nghệ sĩ tài năng, cả lớp nghệ sĩ lâu năm và mới ra nghề. Qua các buổi diễn, chúng tôi muốn khoe với khán giả rằng, Nhà hát luôn có những nghệ sĩ tâm huyết với nghề, mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho sân khấu".

Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam - NSƯT XUÂN BẮC

Sau buổi biểu diễn ngày 23.5 vừa qua với vở "Bệnh sĩ" được đón nhận nồng nhiệt, Nhà hát Kịch Việt Nam đã lên kế hoạch dài hơi cho sự trở lại sau dịch Covid-19. Bên cạnh các chương trình cho thiếu nhi, xây dựng nhiều vở mới, tối 30.5 tới cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát sẽ diễn lại vở “Điều còn lại” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Kiều Minh Hiếu, với kỳ vọng tạo không khí mới cho sân khấu.

Nội dung vở diễn xoay quanh Thuyến, một thôn nữ lấy chồng thời chiến. Bân - chồng cô mới bước vào đời sống hôn nhân vài ngày đã phải lên đường ra trận. Nơi quê nhà, Thuyến gặp Bường, một bộ đội đi qua làng, nảy sinh tình cảm. Cả hai bị làng xóm, chính quyền đấu tố, nhưng bà Muộn - mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực con dâu với lý do bao biện muốn có đứa cháu để trông cậy về sau. Nhưng rồi Bân đột ngột trở về, không thể tha thứ cho vợ, không chấp nhận con của Thuyến… “Điều còn lại” được nhiều nhà phê bình sân khấu đánh giá là bi kịch của những con người tốt, bởi cái kết đầy bất ngờ khi Bân thực ra đã biết lỗi lầm của vợ ngay khi còn ở chiến trường, và chuyến trở về của anh thực ra là một kế hoạch tử tế để thu xếp cho hạnh phúc của vợ. Mâu thuẫn trong nội tâm từng nhân vật tạo nên sức hấp dẫn, xung đột cho kịch.

“Điều còn lại” là vở diễn đầu tay của đạo diễn trẻ Kiều Minh Hiếu. Thời điểm tác phẩm ra mắt khán giả Thủ đô giữa năm 2019, nhiều người cho rằng Hội đồng nghệ thuật Nhà hát  Kịch Việt Nam cũng như đạo diễn đã quá phiêu lưu khi lựa chọn kịch bản này, bởi khó dựng. Song theo Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc: “Chúng tôi đánh giá cao kịch bản và giao cho Kiều Minh Hiếu với mong muốn tạo dựng một lớp đạo diễn mới, trẻ trung, tạo sinh khí cho các tác phẩm của Nhà hát. Thực tế đã trả lời, tình yêu, đam mê và cả sự táo bạo của Minh Hiếu đã không phụ lòng tin của Nhà hát. Không chỉ khán giả của hàng trăm suất diễn trong năm qua mà nhiều nghệ sĩ sân khấu cũng đã phải rơi nước mắt khi xem “Điều còn lại””.


Cảnh trong vở "Điều còn lại" của Nhà hát Kịch Việt Nam

Quá trình dàn dựng, đạo diễn Kiều Minh Hiếu đã cùng tác giả kịch bản chỉnh sửa để mạch kịch, các tình huống và tâm lý nhân vật hợp lý hơn, hay bổ sung nhân vật ông Ánh cả một đời như chiếc bóng đi bên cạnh, chứng kiến bao nỗi đau của người mình yêu mà không thành đôi lứa… “Mạch kịch, tình huống và tâm lý nhân vật được chúng tôi tập trung chau chuốt nhằm tạo thêm dấu ấn cho vở diễn trong dịp này”.

Trong vai bà Muộn, nghệ sĩ Phương Nga bày tỏ niềm vui mừng được trở lại phục vụ công chúng sau thời gian dài nghỉ diễn vì dịch Covid-19. Phương Nga cho biết, mặc dù “Điều còn lại” đã được diễn nhiều lần nhưng chị và các nghệ sĩ của Nhà hát vẫn hồi hộp. “Chúng tôi mong được thấy khán giả, được tương tác với họ trong các cảnh diễn xúc động và đầy tính nhân văn này. Sau những ngày giãn cách vì dịch Covid-19, nhiều vấn đề được chúng ta nhìn nhận lại, trong đó có những tình huống éo le, trớ trêu và bi kịch, nhưng người ta vẫn chấp nhận nó, trong một niềm tin và khát vọng mãnh liệt vươn tới những điều tốt đẹp… Đó cũng là thông điệp của vở diễn, là những điều chúng tôi muốn thể hiện lại trong vở kịch vào những ngày tới”.

Không đề cập tới những vấn đề mang tính thời sự, cũng không có những xung đột kịch, “Điều còn lại” chủ yếu khai thác câu chuyện thời hậu chiến. Vở diễn có sự hợp tác của họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng, trong thiết kế sân khấu mộc mạc, giản dị, gần gũi với tâm hồn và đời sống người Việt Nam. Nhạc sĩ Phùng Tiến Minh đóng góp phần âm nhạc mượt mà, sâu lắng, trữ tình. Đặc biệt, vở diễn có sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ như Tô Dũng, Việt Hoa, Ba Duy, Tuyết Trinh, Quang Đạo, Minh Hải, Minh Quân...

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, cùng với các nhà hát trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung, Nhà hát Kịch Việt Nam bước đầu tạo không khí cho nghệ thuật biểu diễn. “Khó khăn trong mùa dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có “khoảng lặng” cần thiết để nhìn lại chính mình. Từ buổi diễn “Bệnh sĩ” vừa qua và “Điều còn lại” vào ngày 30.5 tới, chúng tôi có cảm giác công chúng đã sẵn sàng đến nhà hát. Để đạt được như vậy, các nhà hát vẫn phải chú ý đầu tư, nâng cấp từ kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho hấp dẫn và hiện đại hơn”.

Hương Sen