Hậu Covid-19: Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:34 - Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng y tế và các biện pháp phong tỏa đã tàn phá các nền kinh tế vốn khó khăn ở Trung Á. Điều đó đã đặt Bắc Kinh vào vị trí có lợi để tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này, mặc dù một số thách thức vẫn còn ở phía trước.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế là một người chơi quan trọng ở Trung Á. Thúc đẩy tăng cường kết nối khu vực, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng và bảo vệ các vùng lãnh thổ phía Tây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các dự án thương mại và kết cấu hạ tầng ở Trung Á. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), ra mắt năm 2013, trở thành nền tảng cho sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực.

Sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á so với các cường quốc khác sẽ chỉ gia tăng. Không có cường quốc nào có thể sánh với khả năng đầu tư vào khu vực này của Trung Quốc. Điều đó chỉ khiến Trung Á ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là sau khi dịch bệnh tàn phá các nền kinh tế ở đây.

Tuy nhiên Trung Quốc sẽ phải đánh giá lại chiến lược tổng thể của mình. Các kế hoạch hậu Covid-19 của Trung Quốc cho Trung Á sẽ không chỉ cần xem xét khả năng đẩy mạnh BRI mà còn phải vật lộn với những trở ngại cản trở tiến trình này những năm gần đây.

Biếm họa của The Economist

Sự phụ thuộc của Trung Á

Trong khi virus Corona đã có những tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, vị trí hàng đầu của Bắc Kinh như là một bá chủ kinh tế trong khu vực vẫn được củng cố. Đối với Trung Quốc, giai đoạn hậu Covid-19 mang đến cơ hội đẩy Trung Á tiến gần hơn vào quỹ đạo của mình cũng như đẩy mạnh các dự án BRI. Tại Trung Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với tỷ lệ lây nhiễm ngoài tầm kiểm soát. Điều kiện bệnh viện tồi tệ, thiếu khả năng xét nghiệm, thiếu thuốc điều trị, nhân viên y tế bị trả lương thấp… là những biểu hiện cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe rối loạn trong khi chính phủ bất lực. Cũng như ở các nước khác, cuộc khủng hoảng y tế đi kèm với khủng hoảng kinh tế khi GDP và hàng loạt chỉ số kinh tế khác sụt giảm. Trong bối cảnh đó, Trung Á sẽ ngày càng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19 và đầu tư nước ngoài để duy trì nền kinh tế.

Các tổ chức tài chính quốc tế và nhiều chính phủ đã và đang cung cấp cho Trung Á những trợ giúp rất cần thiết, chẳng hạn như EU hỗ trợ 3,4 triệu USD để chống lại Covid-19. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế lâu dài từ đại dịch sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hỗn loạn, Trung Quốc vẫn là một trong số rất ít quốc gia có khả năng đầu tư quy mô lớn. Ngày 18.6 vừa qua, trong hội nghị trực tuyến về hợp tác quốc tế liên quan đến BRI tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều dự án BRI ở nước ngoài; đồng thời khẳng định “các dự án cơ sở hạ tầng của BRI sẽ được khởi động lại càng sớm càng tốt, bảo đảm ổn định cho chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, từ đó giúp củng cố vững chắc cho sự phục hồi kinh tế của tất cả các nước”.

Bất chấp thái độ phản đối của dân chúng đối với các dự án của Trung Quốc trong khu vực, chính quyền các nước này không có cách nào khác ngoài việc chào đón các khoản đầu tư từ Bắc Kinh. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các quốc gia Trung Á cũng không lôi kéo được sự quan tâm của những cường quốc khác. Có vẻ với Mỹ, Trung Á không còn nằm trong bản đồ ưu tiên; trong khi EU, mặc dù là một trong những nhà đầu tư chính ở Trung Á, lại không đủ nguồn lực để cạnh tranh với Trung Quốc trong thương mại và đầu tư. Nga, dù vẫn thúc đẩy ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở Trung Á, nhưng phải đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng sau đại dịch. Là một người chơi không có đối thủ ở khu vực, sức mạnh của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng sau đại dịch, khi nền kinh tế toàn khu vực suy giảm. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã khiến cho Kirgysztan và Tajikistan có nguy cơ cao lâm vào khủng hoảng nợ, trong khi Turkmenistan phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc, quốc gia hiện mua gần 80% lượng khí đốt xuất khẩu của nước này.

Sự e dè của dân chúng

Nỗi e ngại Trung Quốc được thể hiện theo nhiều cách, từ những tin đồn không rõ ràng trên phương tiện truyền thông về việc lao động Trung Quốc đến Trung Á kết hôn với phụ nữ địa phương để “sở hữu đất”, cho đến các biện pháp cụ thể của chính quyền nhằm hạn chế số lượng lao động nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia. Ví dụ mới nhất là các vụ đụng độ sắc tộc bạo lực ở Kazakhstan giữa người Kazakh và người Dungan, một nhóm người gốc Hoa. Trong khi các chính phủ Trung Á rất muốn nhận được đầu tư của Trung Quốc, tâm lý bài Trung mạnh mẽ trong dân chúng có thể gây khó khăn cho tiến trình hợp tác này. Đã có nhiều trường hợp chính phủ các nước Trung Á phải hủy bỏ dự án của Trung Quốc sau khi nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn, chẳng hạn như vụ đình chỉ một dự án xây dựng nhà máy lọc dầu của Trung Quốc ở Kyrgyzstan.

Mặc dù vậy, các nghiên cứu hiện tại về thái độ của công chúng đối với Trung Quốc cho thấy người Trung Á vẫn có xu hướng tán thành hơn là không chấp thuận Bắc Kinh. Mặc dù có thể có nhiều cách để giải thích nghịch lý này, tâm lý chống Trung Quốc ở Trung Á có thể liên quan đến một số yếu tố quan trọng. Chẳng hạn như những chỉ trích về tình trạng thiếu minh bạch của các dự án BRI. Theo GS. Eric McGlinchey, Đại học George Mason, tình trạng tham nhũng của giới thượng lưu Trung Á từ các khoản vay phát triển của Trung Quốc là một động lực tiềm tàng thúc đẩy tâm lý bài Trung Quốc trong dân chúng. Nếu Trung Quốc muốn có mối quan hệ lâu dài và ổn định với Trung Á, đây sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần được giải quyết.

Quan hệ Trung - Nga

Bất chấp những đồn đoán về nguy cơ căng thẳng giữa hai gã khổng lồ những năm qua, Moscow và Bắc Kinh đã cố gắng giải quyết hầu hết vấn đề nổi cộm của họ một cách hòa bình. Trong khi Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong các thỏa thuận với Nga, Bắc Kinh đã rất nhạy cảm với các lợi ích chiến lược và chính trị của Moscow ở Trung Á. Nga, mặt khác, đã phải nới lỏng sự kìm kẹp kinh tế đối với khu vực. Dù đó là lựa chọn bất khả kháng hoặc lựa chọn bởi sự cần thiết, song Nga - Trung vẫn tiếp tục chung sống hòa bình. Các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã trở thành một phần không thể thiếu trong khuôn khổ này.

Thời gian qua, người ta cũng nói nhiều về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc bảo đảm an ninh ở Trung Á, điều có thể làm đảo lộn sự cân bằng trong quan hệ Nga - Trung. Mặc dù sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực không phải là một kịch bản lý tưởng đối với Nga, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này cũng sẽ không khiến hai quốc gia lựa chọn đối đầu. Hợp tác quân sự Nga - Trung ngày càng được thúc đẩy. Chưa kể nếu xem xét sự phụ thuộc của ngành công nghiệp quốc phòng Nga vào Trung Quốc và những chỉ số kinh tế thiếu khả quan hiện nay của Nga, Moscow không ở vị trí tốt để đối đầu với Bắc Kinh.

Về phần mình, Trung Quốc cũng có động lực mạnh mẽ để tiếp tục hợp tác kinh tế, quân sự và ngoại giao với Nga, và sẽ không có lý do đảo lộn sự cân bằng này. Nga vẫn chiếm thế thượng phong ở Trung Á về các liên kết lịch sử và văn hóa với khu vực. Mặc dù sự độc quyền của Nga đối với văn hóa Trung Á đang dần mờ nhạt, nhưng Nga vẫn là tác nhân quan trọng nhất đối với an ninh khu vực và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với giới tinh hoa chính trị Trung Á. Quan trọng nhất, Nga và Trung Quốc đã cố gắng vượt qua sự khác biệt của họ và tìm ra sự thỏa hiệp trong quá khứ và dường như bắt đầu làm như vậy trong tương lai. An ninh khu vực vẫn là ưu tiên hàng đầu của cả hai quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác.

Tóm lại, giai đoạn sau đại dịch sẽ đặt Trung Quốc vào vị trí lý tưởng để kiểm soát kinh tế khu vực Trung Á. Tuy nhiên, tâm lý chống Trung Quốc vẫn là một trở ngại. Nga sẽ không phải nhân tố đáng lo ngại trong chính sách Trung Á của Trung Quốc bởi hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để bảo đảm sự ổn định cho khu vực.

Đạt Quốc (Theo The Diplomat)