HĐND nhiều tỉnh, thành phố khai mạc kỳ họp giữa năm

- Thứ Tư, 08/07/2020, 22:31 - Chia sẻ
Ngày 8.7, HĐND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Long An, Gia Lai, Đồng Nai, Tiền Giang đã khai mạc kỳ họp giữa năm 2020

Cần Thơ: Theo đánh giá tại Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Khóa IX, 6 tháng đầu năm, HĐND thành phố đã tổ chức 2 kỳ họp bất thường để thực hiện công tác nhân sự và quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền về phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm trên địa bàn. Thường trực, các Ban HĐND thành phố đã tổ chức 8 đợt giám sát, khảo sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND thành phố; kết quả thực hiện một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố; tái giám sát việc thực hiện di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị theo quy hoạch chung của thành phố; công tác quản lý nhà nước về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Bên cạnh đó, Thường trực, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và tái giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri cũng như việc thực hiện “lời hứa” của thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri được các cấp, ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc, cơ bản giải quyết được các vấn đề bức xúc cử tri đặt ra, từng bước nâng cao lòng tin của cử tri đối với hoạt động của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử…

Quảng Ninh: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sẽ tập trung đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; xem xét, quyết định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy thực hiện, hoàn thành toàn diện ở mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Đồng thời, dành thời gian thỏa đáng để chất vấn các thành viên UBND tỉnh về những vấn đề, nội dung được cử tri, nhân dân quan tâm.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy: Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt khá với mức tăng 5,7%, là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao trong cả nước. Tỉnh đã thực hiện nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, sắp xếp giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã; sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy vận hành ổn định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đến ngày 15.6, tỉnh đã chi 83,59 tỷ đồng hỗ trợ 68.632 đối tượng khó khăn ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chính sách của Chính phủ và tỉnh…

Xác định các hạn chế và nguyên nhân, những tháng còn lại, tập thể UBND tỉnh xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội: Tăng trưởng GRDP đạt khoảng 12%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu không thấp hơn 48.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; rà soát các khoản thu, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất, thuế tài nguyên, khoáng sản, phí bảo vệ môi trường. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc “có thu thì mới có chi”, bảo đảm ưu tiên cân đối cho nhiệm vụ chi thường xuyên, chi an sinh xã hội; kiên quyết thu hồi hoặc dừng triển khai các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% và trên 10% nhưng hiệu quả thấp, các dự án đến ngày 30.6.2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn để dành nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm…

Thái Nguyên: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa XIII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Xuân Hòa khẳng định: 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, kinh tế tỉnh vẫn bảo đảm tăng trưởng, các hoạt động văn hóa - xã hội được duy trì ổn định.  Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 2,63%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 334,8 nghìn tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ, bằng 41,7% kế hoạch cả năm; thu ngân sách nhà nước ước đạt 6.552 tỷ đồng, giảm 10,2%, bằng 42,1% dự toán… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn thấp so với mục tiêu cả năm, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do Covid-19.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra, 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Trong đó, ưu tiên tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập cản trở doanh nghiệp phát triển để khôi phục và phát triển sản xuất; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tập trung thực hiện các giải pháp nâng cấp thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; ưu tiên quỹ đất tại Khu công nghiệp Sông Công II để thu hút các dự án đầu tự thuộc các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo và công nghiệp phụ trợ…

Bắc Giang: Theo đánh giá tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khóa XVIII: 6 tháng đầu năm, trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19 song kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế dù thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước song vẫn ở mức cao so với bình quân cả nước, ước đạt 6,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.145 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp ổn định, khẳng định rõ vai trò là trụ đỡ trong điều kiện khó khăn; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung, lĩnh vực công nghiệp nói riêng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, ngành dịch vụ tăng trưởng âm; công tác bồi thường GPMB để triển khai các dự án còn nhiều vướng mắc; một số địa phương còn phát sinh khiếu kiện phức tạp.

Để quyết tâm thực hiện thắng lợi thắng lợi "mục tiêu kép" là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện từ nay đến cuối năm. Trong đó, tập trung cao cho công tác lập quy hoạch tỉnh; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo và các vấn đề bức xúc của nhân dân; quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Tĩnh: Thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Khóa XVII, các đại biểu ghi nhận: 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, các vụ mùa thắng lợi, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 36,6 vạn tấn; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.352 triệu USD. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được nâng cao… Tuy nhiên, thu hút đầu tư đạt kết quả thấp, bằng 41% so với cùng kỳ; huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt yêu cầu; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển đã có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu; tiến độ làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng, thực hiện chính sách hỗ trợ OCOP tại các địa phương còn chậm…

Những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục kiên trì, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy hiệu quả đầu tư, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và huy động nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tập trung cao nhiệm vụ thu ngân sách, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu; rà soát đánh giá tiến độ thu và chỉ tiêu thu để kịp thời có các giải pháp chỉ đạo thu đồng bộ, hiệu quả, sát tình hình…

Phú Thọ: Theo đánh giá tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khóa XVIII, từ tháng 5.2020, sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi, các chỉ tiêu tăng cao so với tháng trước. Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt trên 33 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt gần 57% dự toán HĐND tỉnh giao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đứng trong tốp khá và đứng thứ 3 của khu vực miền núi phía Bắc. Lĩnh vực nông nghiệp là điểm sáng trong nền kinh tế, các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản thực hiện có hiệu quả. Toàn tỉnh công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và số trường học chuẩn quốc gia đạt 100% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, kết quả tăng trưởng kinh tế đạt thấp, phần lớn các ngành sản xuất, dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ. Hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ. Hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và cải cách hành chính chưa thực sự đáp ứng nhu cầu với các tổ chức, doanh nghiệp. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư, khu nhà ở, khu đô thị còn chậm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khó khăn…

Long An: Theo ghi nhận tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Khóa IX: Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức kéo dài, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các cấp, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 1,12%. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện. Các chương trình đột phá và công trình trọng điểm từng bước mang lại hiệu quả tích cực… Tuy nhiên, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, thiếu quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiến độ cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng hạn còn chậm…

Những tháng cuối năm, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương sớm đánh giá kết quả, hiệu quả, kinh nghiệm triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công khu xử lý rác tập trung; quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về môi trường, nhất là xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Gia Lai: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khóa XI, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung đề nghị các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích, đánh giá và tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục để khai thác tối đa tiềm năng, đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết số 191/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 đã đề ra; phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ 11 và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh Khóa XI chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận: Nội dung giải quyết cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, việc theo dõi, chỉ đạo giải quyết còn chậm; thủ trưởng một số sở, ngành chưa thực sự quan tâm, chủ động trong chỉ đạo tiếp thu và giải quyết; công tác phối hợp trong xử lý, giải quyết chưa đồng bộ, chặt chẽ… Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành thực hiện trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri; sớm chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị đang, chưa giải quyết…

Đồng Nai: Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Khóa IX, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, các ngành, các cấp đã nỗ lực tập trung thực hiện nhiệm vụ, kịp thời có các giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở tất cả các loại hình, quy mô thuộc mọi thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Để kịp thời ứng phó với tình hình, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với hoạt động của HĐND tỉnh, 6 tháng đầu năm, Thường trực, các Ban và các tổ đại biểu đã tổ chức giám sát trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Tiến độ thực hiện một số dự án; đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn và các công trình thủy lợi; quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã; thực hiện chương trình cải cách hành chính; triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tiền Giang: Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa IX: 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh âm 0,8%, bằng 99,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, đạt 35,9% kế hoạch, giảm 10,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 16.032 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch, tăng 2,7%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.193 tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch, giảm 15,3% so với cùng kỳ... Tuy nhiên, tình trạng hạn, mặn xuất hiện sớm, kéo dài dẫn đến thiếu nước sản xuất; nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng do không có nguyên vật liệu và đầu ra sản phẩm, hoạt động du lịch bị tạm dừng...

Các đại biểu đề nghị những tháng cuối năm cần tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2020 để tập trung lãnh đạo thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Trong đó, lãnh đạo thực hiện tốt việc thu, chi ngân sách; khai thác tốt các nguồn thu, chú ý cân đối các nguồn thu hợp lý và tạo nguồn thu mới; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thường xuyên theo dõi, đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai các công trình xây dựng cơ bản, công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp.

V. CHÂU - M. TUÂN - C.AN - N. ÁNH  - D. ANH – P. HOA – K. BẢO - H. LAN - N. THÚY - S. NGUYÊN