HĐND nhiều tỉnh, thành phố khai mạc kỳ họp giữa năm

- Thứ Ba, 07/07/2020, 08:36 - Chia sẻ
Ngày 6.7, HĐND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã khai mạc kỳ họp giữa năm 2020

Đà Nẵng: Theo đánh giá tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Khóa IX, chính quyền thành phố đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố, đề ra nhiều giải pháp điều hành quyết liệt cùng với tinh thần quyết tâm của hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhiều biện pháp đã được triển khai kịp thời nên dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và đẩy lùi, sức khỏe của người dân được bảo đảm. Trong khó khăn, một số ngành kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng, thành phố đã thu hút được 13.292,8 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 135,07 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; các chính sách an sinh, an toàn xã hội được quan tâm thực hiện. Thành phố đã được Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng….

Đồng tình với những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân đã được UBND thành phố nhìn nhận, phân tích, qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhấn mạnh, bổ sung một số nội dung cần quan tâm thảo luận và có giải pháp tháo gỡ, cụ thể: Tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính sụt giảm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động lớn của dịch bệnh, làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế. Tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Về đầu tư công, mặc dù tập trung quyết liệt, song tiến độ vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ban hành nhiều năm nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống…

Hậu Giang: Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa IX, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2020, các đại biểu nhận định: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn hán, xâm nhập mặn... giá cả thị trường biến động nhưng Hậu Giang vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,51%; tái cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến tích cực và hướng đi rõ nét, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, GRDP bình quân đạt 45,31 triệu đồng, tăng hơn 3,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn là 10.200 tỷ đồng, tăng 7,65% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,51% thấp hơn so cùng kỳ (cùng kỳ là 5,71%) và thấp hơn so với kế hoạch (kế hoạch là 7%); công tác giải ngân các công trình, dự án, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm tiến độ...

Thẩm tra nội dung này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra và quan tâm: Tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các hạng mục, các hợp phần Dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh theo đúng kế hoạch, lưu ý các thủ tục giải ngân nguồn vốn ODA và việc giải ngân phải đúng cam kết và đúng quy định pháp luật; chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu xây dựng phương án đấu giá và có giải pháp tích cực đẩy nhanh thực hiện dự án đường Nguyễn Văn Trỗi - Võ Thị Sáu thị xã Long Mỹ theo nghị quyết cơ chế đặc thù của HĐND tỉnh…

Bến Tre: Theo ghi nhận tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa IX, trong hệ thống chỉ tiêu có 16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, 11 chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh trật tự thực hiện xấp xỉ đạt tiến độ so với nghị quyết giao là thu ngân sách; số giường bệnh/vạn dân; số bác sĩ/vạn dân; người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo; giải quyết việc làm; tỷ lệ hộ sử dụng điện; tỷ lệ hộ sử dụng nước; tỷ lệ điều tra, khám phá án hình sự; huấn luyện quân sự và tuyển quân. Còn lại 5 chỉ tiêu trọng yếu trong lĩnh vực kinh tế đạt thấp so với tiến độ thực hiện nghị quyết là: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP); kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; chi ngân sách; đưa đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm (âm 1,45%), tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản giảm sâu (âm 4,5%), trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ giảm (âm 2,1%). Nguyên nhân chủ yếu do tác động của hạn hán,xâm nhập mặn và dịch Covid-19.

Để bảo đảm khôi phục được tăng trưởng kinh tế vào cuối năm 2020, các đại biểu đề nghị quan tâm một số giải pháp như: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt vụ nuôi thủy sản, sản xuất lúa, màu, khôi phục phát triển nhanh đàn lợn trong điều kiện an toàn dịch bệnh. Tập trung hướng dẫn các biện pháp giúp nông dân hồi phục cây trồng, đặc biệt là dừa, xoài, nhãn nhằm lấy lại đà tăng trưởng trong nông nghiệp vào cuối năm và khởi động lại tăng trưởng kinh tế chung cả tỉnh. Tập trung xúc tiến thị trường, mở ra thị trường tiêu thụ cho nông - thủy sản, kết nối các chuỗi cung ứng trong thương mại, dịch vụ, tour tuyến du lịch trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19…

Lạng Sơn: Theo đánh giá tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Khóa XVI, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 0,47% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,83% so với cùng kỳ; đã thành lập mới 165 doanh nghiệp, đạt 33% kế hoạch với tổng số vốn đăng ký 1.234 tỷ đồng. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, ưu tiên nguồn lực cho 13 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2020 và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng; phòng, chống các loại dịch bệnh… Tuy nhiên, các khoản thu giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, tài nguyên khoáng sản ở một số nơi chưa chặt chẽ.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra, những tháng cuối năm 2020, tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khôi phục nền kinh tế; tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu sản xuất nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã đề ra....

Vĩnh Long: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa IX, các đại biểu ghi nhận: kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 1,24%; sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai thực hiện. Xây dựng NTM, đô thị văn minh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, 48/87 xã đạt chuẩn NTM và thị xã Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 3 trong cả nước và thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thu ngân sách đạt hơn 65% dự toán năm… Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế đạt được thấp so với cùng kỳ và kế hoạch năm; thu ngân sách đạt dự toán nhưng mức độ hoàn thành chỉ tiêu thu chưa đồng đều giữa các nguồn thu, một số khoản thu giảm mạnh so với cùng kỳ; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có số lượng hồ sơ phát sinh thấp…

Những tháng cuối năm, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Trong đó, thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô, duy trì ổn định kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để khôi phục và phát triển kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực: văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng chính quyền điện tử, bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Sóc Trăng: Báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Khóa IX cho thấy: 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 0,51%; thu ngân sách nhà nước đạt 58,45% dự toán, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chỉ số cải cách hành chính năm 2019 đạt 82,03%, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2018; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 đạt 88,78%, tăng 4,38% so với năm 2018…Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 giảm 8 bậc so với năm 2018; tiến độ thực hiện các dự án còn chậm; công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có thêm nhiều rủi ro, thách thức...

Bên cạnh những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm UBND tỉnh đã đề ra, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020; nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các chính sách hỗ trợ đến người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng sớm được tiếp cận và thụ hưởng chính sách…

N. THẢO - H. LAN - L. YẾN - T. BÌNH - H. TÀI - S. NGUYÊN