HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khắc phục việc cấp giấy chứng nhận sai quy định

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:22 - Chia sẻ
Cùng với xây dựng kế hoạch, lộ trình bố trí kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, ưu tiên hỗ trợ tập trung đo đạc cho từng địa phương có biến động về đất đai lớn, cần khắc phục việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) sai quy định đối với số diện tích đất chồng lấn đã thu hồi giấy chứng nhận nhưng người dân chưa giao lại đất cho Nhà nước; khẩn trương xử lý 30.752 trường hợp đã có giấy chứng nhận QSDĐ nhưng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa đến nhận.

Đó là nội dung Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh qua giám sát tình hình cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều giấy chứng nhận cấp sai

Qua giám sát, HĐND tỉnh Gia Lai ghi nhận: Công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ của tỉnh đạt 96,96%, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhận sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo luật định. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn trên diện tích đất lâm nghiệp còn xảy ra: 74 giấy với diện tích 164.940,40m2, đã thu hồi 17 giấy với diện tích 30.964,7m2, còn lại 57 giấy chưa thu hồi với diện tích 133.975,7m2. Một số giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn trên diện tích đất lâm nghiệp, cấp sai quy định đã được thu hồi nhưng trên thực tế người dân vẫn đang sử dụng đất chưa thu hồi được. Chưa có giải pháp thu hồi số giấy chứng nhận QSDĐ và diện tích đất cấp sai nhưng người dân đã sang nhượng.

Đại biểu chất vấn về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh.
Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, số giấy chứng nhận QSDĐ cấp không đúng với quy hoạch, sai vị trí thửa đất và thông tin diện tích, đặc biệt là đất nông nghiệp được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, qua tự rà soát, kiểm tra hoặc do kiến nghị của công dân còn nhiều. Tổng số giấy chứng nhận QSDĐ cấp sai quy định đã được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra là 335 giấy (Đã xử lý và thu hồi được 324 giấy, còn 11 giấy chưa xử lý và thu hồi); tổng số giấy chứng nhận QSDĐ cấp sai quy định đã được phát hiện qua tự rà soát, kiểm tra hoặc do kiến nghị của công dân là 1.020 giấy, đã xử lý và thu hồi 1.020 giấy chứng nhận QSDĐ... Số giấy chứng nhận QSDĐ đã hoàn thành nhưng chưa trao đến tay người dân còn nhiều (30.752 giấy). Số hồ sơ giải quyết cấp giấy chứng nhận QSDĐ trễ hẹn tại các chi nhánh Văn phòng đất ký đất đai còn cao như: Thành phố Pleiku 6,93%, thị xã Ayun Pa 5,7%, thị xã An Khê 4,58%...

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên - Môi trường với UBND các huyện, thị, thành phố, giữa các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với Phòng Tài nguyên - Môi trường các huyện, thị, thành phố trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với tổ chức; xử lý, hướng dẫn, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc chưa thường xuyên, chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của Sở Tài nguyên - Môi trường tuy có triển khai nhưng hiệu quả không cao.

Hướng dẫn địa phương giải quyết vướng mắc

Những tồn tại, hạn chế trên, nguyên nhân chủ quan được Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai xác định do kinh phí đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, việc bố trí tối thiểu 10% từ nguồn sử dụng đất cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương chưa được thực hiện hiện đầy đủ, đồng bộ.

Đáng lưu ý là chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất; chưa có giải pháp quyết liệt rà soát, xử lý các trường hợp tổ chức quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ để diện tích đất bị lấn, chiếm. Trong khi đó, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức Phòng Tài nguyên - Môi trường cũng như Chi nhánh Văn phòng đất đai các huyện, thị, thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm với công việc chưa cao; tại chi nhánh Văn phòng đất đai các huyện, thị, thành phố đa số là nhân viên hợp đồng, thường xuyên biến động, thay đổi. Trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất của các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và địa chính ở cấp xã còn thiếu.

Khắc phục những tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn, Đoàn giám sát HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh: Xây dựng kế hoạch, lộ trình bố trí kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm hàng năm bố trí tối thiểu 10% nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mặt nước cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Ưu tiên hỗ trợ tập trung đo đạc cho từng địa phương có biến động về đất đai lớn, đo địa phương nào hoàn thành địa phương đó.

Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố khắc phục việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ sai quy định đối với số diện tích đất chồng lấn đã thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ nhưng người dân chưa giao lại đất cho Nhà nước (57 giấy với tổng diện tích 133.975,70m2); chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương xử lý 30.752 trường hợp đã có giấy chứng nhận QSDĐ nhưng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa đến nhận.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn kịp thời, cụ thể giúp UBND các huyện, thị, thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với những trường hợp phức tạp trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà UBND các huyện, thị, thành phố đã có ý kiến. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nội dung, trình tự thực hiện việc đăng ký, lập, xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… Báo cáo kết luận của Đoàn giám sát nhấn mạnh.

LAN HƯƠNG