HĐND tỉnh Tuyên Quang - dấu ấn của một nhiệm kỳ

Bài 1: Chủ động, tích cực để có quyết sách hợp lòng dân

- Thứ Ba, 04/08/2020, 05:55 - Chia sẻ
Với nhiều đổi mới, cách làm linh hoạt, việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định vị thế, vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kết quả đó đóng vai trò quan trọng, tạo thế và lực mới để tỉnh hiện thực mục tiêu trở thành địa phương phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhiệm kỳ 2016 - 2020, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII đã có nhiều đổi mới trên các mặt công tác. Trong đó, chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng kỳ họp và thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhằm hiện thực mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền núi phía Bắc.

 

 

Đổi mới thường xuyên, gắn liền với yêu cầu thực tiễn

Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng quy định rõ thời gian hoàn thành và đôn đốc các cơ quan, đơn vị chuẩn bị bảo đảm quy trình, thủ tục hồ sơ theo đúng quy định. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học; công tác điều hành có nhiều sáng tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thiết thực hoạt động của các đại biểu theo tinh thần kỳ họp không văn bản giấy; giảm thời gian trình bày báo cáo, tờ trình, dành thời gian thảo luận, thẩm tra, chất vấn. Đối với thành phần tham dự kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã mời mở rộng đến Thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn, đại diện cử tri thôn, tổ dân phố và giảng viên, sinh viên đại học, đại diện cộng đồng doanh nghiệp… Đây là dịp để Thường trực HĐND cấp xã nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của tỉnh, những nội dung các nghị quyết mới để triển khai thực hiện tại cơ sở. Đồng thời, là cơ hội để cấp xã được học tập kinh nghiệm trong tổ chức điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua 12 kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành 199 nghị quyết nhằm thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp về kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều quyết sách về cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực. Đơn cử như: Nghị quyết quy định về hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm thực hiện, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, người dân các địa phương đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu… với tổng số kinh phí gần 440 tỷ đồng kiên cố hóa hơn 944km kênh mương, bê tông hóa hơn 470km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng 550 nhà văn hóa thôn, bản tổ nhân dân…

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh luôn có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và thay thế. Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu văn bản mới của Trung ương và đồng hành với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đang là “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đơn cử, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi một số thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc cho ý kiến quyết định chủ trương đầu tư một số công trình dự án bị bãi bỏ, dẫn đến tiến độ triển khai một số công trình, dự án trên địa bàn chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu các quy định mới để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm rút ngắn thủ tục hành chính đang là rào cản cho phát triển. Ngay sau đó, một kỳ họp bất thường đã được HĐND tỉnh tổ chức vào tháng 4.2020 để ban hành nghị quyết giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư xây dựng và các công trình đã được giao dự toán năm 2020; bổ sung kịp thời các công trình, dự án, nguồn vốn thực hiện đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020...

Đây là một quyết định rất quan trọng, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự án, tăng hiệu quả đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XVIII

Căn cứ quan trọng để thảo luận, quyết định

Tính chủ động trong việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh được thể hiện thông qua việc Thường trực yêu cầu các Ban của HĐND tỉnh tích cực tìm hiểu, cập nhật những văn bản mới của Trung ương để kịp thời có ý kiến với các cấp, các ngành tham mưu xây dựng nghị quyết áp dụng và triển khai chế độ, chính sách mới theo hướng dẫn của Trung ương, phù hợp điều kiện thực tiễn.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng chỉ đạo, điều hòa hoạt động các Ban HĐND tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra. Các Ban của HĐND tỉnh liên tục cải tiến phương thức làm việc, tập trung trí tuệ, đồng hành cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết, báo cáo ngay từ cuộc họp của UBND tỉnh tới cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tại hội nghị thẩm tra, cùng với lắng nghe các ý kiến của cơ quan hữu quan, thành viên của các Ban tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật hiện hành gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, nêu rõ những bất cập, vướng mắc; dự báo trước những khó khăn khi triển khai thực hiện. Qua đó, làm rõ tính khả thi cũng như những nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Đa số các báo cáo thẩm tra đã trở thành căn cứ tin cậy, mang tính gợi mở để đại biểu HĐND tỉnh có thêm kênh thông tin thảo luận và quyết định trước khi biểu quyết.

Phạm Thị Minh Xuân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang