Hệ quả tất yếu?

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:18 - Chia sẻ

Chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa là đến hạn phải hoàn thành việc thoái vốn nhà nước đối với 348 doanh nghiệp theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1232/QĐ-TTg. Nhưng kết quả đến thời điểm này là cực kỳ khiêm tốn khi mới chỉ thực hiện được đối với 92 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch. Kết quả cổ phần hóa các doanh nghiệp theo danh mục đã được phê duyệt tại Công văn 991/TTg - ĐMDN  của Thủ tướng cũng không khả quan hơn được bao nhiêu khi đến nay mới chỉ đạt 28,3% kế hoạch. Thậm chí, những tháng đầu năm nay, cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước giậm chân tại chỗ, không thực hiện được ở doanh nghiệp nào.

Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chậm chạp như vậy thực ra không có gì bất ngờ. Đó là hệ lụy tất yếu bởi sự cộng hưởng của nhiều yếu tố "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". 

Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phản ánh, việc thực hiện cả 3 nghị định có liên quan đến câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 167/2017 về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 32/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp) đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài, một số nội dung chưa cụ thể. Các nội dung về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa chưa được hướng dẫn. Hay việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định 32 để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn đến nay cũng chưa có hướng dẫn thực hiện. 

Việc quy định không thống nhất, cách hiểu còn khác nhau ở những nội dung cơ bản như vậy là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Tại cuộc họp kể trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói thẳng, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đã chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện, chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Thậm chí, khi Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để báo cáo Thủ tướng thì các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp này cũng chậm phản hồi hoặc nêu ý kiến không rõ ràng. Thêm vào đó là hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp chậm cổ phần hóa hoặc chậm chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán… Nhiều vấn đề doanh nghiệp phản ánh là chồng chéo nhưng thực chất, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, khi Thường trực Chính phủ xem xét thì là do hiểu không đúng, dẫn đến lòng vòng. 

Cứ như vậy, sự chậm chạp, trễ nải trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục, cộng với sự ỷ lại, thiếu trách nhiệm và né trách nhiệm đã khiến cho tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bị dền dứ, không hẹn ngày về đích.

Hệ lụy của sự chậm trễ này đối với chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng và với tái cơ cấu nền kinh tế nói chung như thế nào chắc không cần nói thêm nữa. Nhưng phải nói rõ một việc, những lực cản đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp như đã nêu ở trên không phải giai đoạn này mới xuất hiện mà đã dai dẳng từ rất lâu. Kể từ khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn đến nay, đã có giai đoạn nào chúng ta hoàn thành được đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra hay chưa? Từ nhiều năm trước, vấn đề gắn trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp với tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được đặt ra, nhưng đến nay, trừ những lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do sai phạm, vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài sản của nhà nước, thì đã có bao nhiêu lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý trách nhiệm do chọn “vùng an toàn” không làm gì thì không sai, do vừa làm vừa sợ trách nhiệm, do ngại đổi mới, sợ mất quyền? Và tại sao các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lại ngại đổi mới, ngại trách nhiệm?

Thực tế này đòi hỏi tư duy và cách thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tới đây phải khác đi. Cần tạo ra một cơ chế mà ở đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nếu chây ì, không làm hoặc làm sai gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm, còn nếu sáng tạo, dám làm, dám đổi mới và đem lại hiệu quả thực tế thì phải được ủng hộ và bảo vệ. 

Hải Lam