Hệ thống chính trị và Đảng Cộng sản Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

- Thứ Hai, 04/03/2013, 08:29 - Chia sẻ

Tạo bình đẳng, gắn kết giữa các tổ chức trong liên minh chính trị

Trong Hiến pháp, chế định chế độ chính trị thường quy định các vấn đề về: quyền dân tộc cơ bản; bản chất giai cấp của nhà nước; các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước; chế độ bầu cử; vai trò của các bộ phận trong hệ thống chính trị; chính sách đối ngoại... Đối chiếu với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang lấy ý kiến nhân dân thì hệ thống chính trị chưa được quy định rõ ràng. Tôi cho rằng, cần quy định trong Hiến pháp hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm những bộ phận nào, chức năng, vai trò của từng bộ phận làm cơ sở cho việc ban hành các văn bản luật cho các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong Dự thảo, tại điều 10 quy định về tổ chức công đoàn, còn các tổ chức chính trị - xã hội khác lại không được quy định trong Hiến pháp là chưa phù hợp, sẽ nảy sinh những câu hỏi: vì sao Hiến pháp lại chỉ quy định về tổ chức Công đoàn, còn các tổ chức chính trị - xã hội khác có nằm trong hệ thống chính trị hay không, chức năng, vai trò của nó ra sao, hoạt động có được pháp luật thừa nhận không?...

Ngay nội dung điều 10 cũng chưa chính xác ở đoạn “Công đoàn Việt Nam... đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động...” . Vì trên thực tế, tổ chức Công đoàn chỉ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, còn một bộ phận lớn người lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn, lao động ở các ngành nghề tự do đâu có thuộc tổ chức công đoàn. Họ chỉ được chăm lo, bảo vệ quyền lợi khi họ là thành viên các tổ chức chính trị - xã hội khác, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh, hoặc các tổ chức xã hội khác.

Các tổ chức chính trị - xã hội đều là thành viên của MTTQ, vì thế đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung của MTTQ, ngoài ra còn thực hiện những chức năng, nhiệm vụ theo tính chất đặc thù của từng tổ chức. Do vậy, trong chương I cần có một điều quy định về hệ thống chính trị, nên thể hiện ở điều 10 và viết lại điều 10 như sau:

1. Hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm: Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời đại diện và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hội viên, đoàn viên trong tổ chức của mình; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân; thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

Quy định như vậy sẽ đầy đủ, bình đẳng giữa các tổ chức, tạo sự gắn kết các tổ chức trong liên minh chính trị là MTTQVN.

Khẳng định sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là lẽ đương nhiên

Liên quan đến Hệ thống chính trị, vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam được bàn nhiều. Hiện đang có những ý kiến trái chiều về việc thay đổi, hoặc bỏ điều 4 Hiến pháp quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc quy định rõ một điều trong Hiến pháp về một Đảng chính trị là đặc trưng riêng có của Việt Nam, không nên mang Hiến pháp của một quốc gia nào đó để áp đặt vào một nước khác, bởi Hiến pháp của mỗi nước phải phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống của nước đó. Và như đã đề xuất ở phần trên về việc cần chỉ rõ trong Hiến pháp về hệ thống chính trị ở Việt Nam, việc quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam là sự cần thiết và là lẽ đương nhiên, vì đặc điểm ở Việt Nam:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ phong trào công nhân kết hợp với truyền thống đoàn kết, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, mang bản chất của giai cấp công nhân, hoạt động vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của nhân dân lao động.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời khi đất nước còn đang trong ách đô hộ, áp bức hàng ngàn năm của chế độ phong kiến và thực dân, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc và lập ra Nhà nước.

Thứ ba, hơn 80 năm qua, từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, những thành quả cách mạng của dân tộc có được ngày hôm nay là sự kết hợp sức mạnh dân tộc, truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường của nhân dân ta và sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Đó là điều không thể phủ nhận.

Từ những đặc điểm riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc đưa một điều quy định và khẳng định sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là lẽ đương nhiên và không thể thay đổi.

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta cũng có những lúc sai lầm về phương pháp cánh mạng, trong điều hành tổ chức thực hiện, những thiếu sót đó cũng là lẽ thường tình. Vấn đề là việc nhận thức được những sai lầm, hạn chế và Đảng đã sửa chữa để tiếp tục lãnh đạo cách mạng thành công. Ngay trong thời điểm này, Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết TƯ4 để chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ để tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Đó cũng là điều bình thường, là lẽ đương nhiên. Một số người đã nhìn nhận sự việc một cách phiến diện, thiếu biện chứng, nên đã có ý kiến đề nghị sửa đổi điều 4 theo một ý đồ không tốt, hoặc đề nghị bỏ không đưa vào Hiến pháp là không thể chấp nhận được.

Để bảo đảm chặt chẽ và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp, làm cơ sở pháp lý cho việc lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội, đề nghị bổ sung thêm vào Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nội dung: Mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa bằng pháp luật. Điều đó phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật và mọi tổ chức Đảng, đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Đưa thêm nội dung “Mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng được thể chế hóa bằng pháp luật” cũng để nhằm mục đích pháp luật hóa mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, thông qua hoạt động của Nhà nước để quản lý xã hội; đồng thời để khắc phục tình trạng cấp ủy “lấn sân”, “làm thay” chính quyền mà lâu nay thường xảy ra ở cấp ủy các cấp, bảo đảm cho “ý Đảng hợp với lòng dân”.

Xác định lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân là phù hợp

Cũng liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định trong Hiến pháp là những quy định về lực lượng vũ trang (điều 70). So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có bổ sung 2 cụm từ:  “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam,... , bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân...”.

Khi khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cũng là khẳng định lực lượng vũ trang trước hết trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng. Vì, Đảng và Chủ tịch Hồ chí Minh là người sáng lập và lãnh đạo lực lượng vũ trang giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, việc xác định lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân là phù hợp với lịch sử dân tộc, phù hợp với truyền thống và đặc điểm riêng có của Việt Nam. Đó là việc không thể phủ nhận. 

Có những ý kiến cho rằng lực lượng vũ trang phải và chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân, không nên quy định việc lực lượng vũ trang phải trung thành và bảo vệ Đảng; hoặc có ý kiến lại cho rằng, lực lượng vũ trang cần phi chính trị hóa, không chịu sự lãnh đạo của Đảng. Thật là những suy nghĩ lạc lõng không phù hợp với thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam đã trưởng thành và chiến đấu thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình. Không thể đem mô hình lực lượng vũ trang của các nước đa đảng để áp đặt cho Việt Nam chỉ có một Đảng duy nhất lãnh đạo.

Lương Anh Tế
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương