Nhịp cầu

Hết thời hạn xóa bỏ, sao vẫn hoạt động?

- Thứ Ba, 08/10/2019, 08:02 - Chia sẻ
Theo lộ trình của UBND tỉnh Bắc Giang, đến cuối tháng 9.2019, các lò gạch sản xuất theo công nghệ lò vòng thuộc TP Bắc Giang và các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang phải chấm dứt hoạt động, tự giác tháo dỡ; riêng 2 huyện Lục Ngạn, Yên Thế chấm dứt trước ngày 30.12.2020. Tuy đã hết thời hạn quy định xóa bỏ nhưng nhiều cơ sở vẫn đang hoạt động.

Theo phản ánh của cử tri, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 46 lò vòng, công suất đạt khoảng 500 triệu viên/năm. Gần 10 năm qua, tình trạng sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò vòng lạc hậu, đặc biệt là không có hệ thống xử lý khí thải bảo đảm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sản xuất và sức khỏe của người dân xung quanh. Ngoài gây ô nhiễm không khí, việc sử dụng nhiên liệu than, dầu, khí, các lò vòng còn gây lãng phí tài nguyên đất đai, đất sản xuất (sử dụng đất màu để làm gạch). Do vậy, việc chấm dứt hoạt động lò vòng, lò cải tiến nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, hướng đến sản xuất lò có công nghệ hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường là cần thiết.

Thực tế, kế hoạch xóa bỏ các lò sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng đã được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành và có lộ trình thực hiện từ năm 2012. Đặc biệt, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát vận động các chủ lò vòng thuộc diện phải chấm dứt hoạt động tự giác dừng sản xuất lò trong tháng 8.2019, tổ chức cưỡng chế đối với cơ sở không tự giác trong tháng 9.2019 nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nguyễn Văn Đô cho biết, với sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, đến nay đã có 22 lò dừng sản xuất, 13 lò đã tự tháo dỡ vỏ lò theo quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn các huyện còn một số lò vẫn đang hoạt động. Đối với những trường hợp này, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc, tuyên truyền thêm đến các chủ lò, thành lập phương án cưỡng chế các cơ sở vi phạm theo quy định và báo cáo lại với UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời, xử lý dứt điểm những lò còn nung đốt tới thời điểm này.

Tại Hội nghị thông tin báo chí tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn khẳng định: Chủ trương của tỉnh là kiên quyết buộc dừng hoạt động các cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng để bảo vệ môi trường phát triển bền vững. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm giải pháp để đồng hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cùng các chủ cơ sở sản xuất. Trước hết, phải vận động các cơ sở chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, không tiếp tục sản xuất, tự giác dừng hoạt động theo lộ trình kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các sở, ngành, huyện, thành phố cần phối hợp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chấm dứt hoạt động của các lò vòng và phá dỡ vỏ lò; rà soát, thu hồi chứng nhận đầu tư đối với các lò vòng, chấp thuận chuyển đổi từ lò vòng sang lò tuynel; quản lý chặt đất đai, tài nguyên khoáng sản sử dụng trong sản xuất gạch. Đồng thời, hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới hoặc học nghề, chuyển đổi việc làm, tạo điều kiện vay vốn nếu có nhu cầu.

Cách đây vài năm, việc xóa bỏ lò gạch thủ công cũng gặp không ít khó khăn nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, tỉnh Bắc Giang đã xóa bỏ hoàn toàn hơn 3.000 lò gạch, đáp ứng mong mỏi của người dân và góp phần bảo vệ môi trường tại các địa phương. Điều này cho thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân thì việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất lò vòng sẽ sớm được thực hiện.

Đình Khoa