Hiến kế chống ỷ lại trong mua sắm vật tư y tế chống dịch

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:05 - Chia sẻ
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 sáng 7.8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Viện Pasteur Nha Trang đang trong tình trạng quá tải do một vài tỉnh miền Trung “có tâm lý ỷ lại” gửi tất cả mẫu xét nghiệm cho Viện. Trước thực tế này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục.

“Có tâm lý ỷ lại”

Sáng 7.8, Viện Pasteur Nha Trang có công văn gửi Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung về việc tiếp tục nhận hỗ trợ xét nghiệm phòng chống dịch Covid -19.

Viện trưởng Đỗ Thái Hùng xác nhận, sau khi Viện ra thông báo về việc ngừng tiếp nhận mẫu xét nghiệm do thiếu sinh phẩm, vật tư, ngay trong đêm 5.8 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và một số công ty đã kịp thời hỗ trợ. Đến ngày 6.8 Viện Pasteur Nha Trang đã có được sinh phẩm tách chiết, primer, probe, môi trường bảo quản mẫu... nên việc xét nghiệm vẫn diễn ra bình thường. Tuy vậy, Viện sẽ ưu tiên nhận mẫu từ những địa phương có nguy cơ cao dịch bệnh, tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của các tỉnh gửi về nếu kèm sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao tương ứng. Đồng thời, Viện trưởng Đỗ Thái Hùng đề xuất các địa phương chia sẻ với đơn vị này, khẩn trương đầu tư máy xét nghiệm và thiết bị y tế bảo đảm kịp thời phòng chống dịch.

Xét nghiệm Sars- CoV-2 tại Viện Pasteur Nha Trang. Nguồn: Báo Khánh Hòa

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ sáng 7.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế kịp thời điều phối vật tư y tế, sinh phẩm chống dịch hợp lý. Về phía các địa phương cần tổ chức đấu thầu mua vật tư nhanh nhưng không để xảy ra tham nhũng, không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, không được nói là vì thiếu tiền, “thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lý”.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 sáng 7.8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Viện Pasteur Nha Trang đang trong tình trạng quá tải do một vài tỉnh miền Trung “có tâm lý ỷ lại” gửi tất cả mẫu xét nghiệm cho Viện. Trước thực tế này, quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc mua sắm sinh phẩm, không trông chờ vào Trung ương cấp vì theo Điều 22 Luật Đấu thầu quy định trường hợp mua sinh phẩm được áp dụng chỉ định thầu.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thừa nhận, vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong giai đoạn 1 của dịch (nhiều cán bộ có liên quan bị khởi tố vì nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19) đã khiến các địa phương chậm chạp, không chủ động mua sinh phẩm, hóa chất về xét nghiệm.

Nên giao về một mối để đấu thầu?

Trước tình trạng nhiều địa phương cho biết gặp khó khăn trong cơ chế, thủ tục, trong đó có cơ chế về giá (chưa có giá chung, giá trần để địa phương tham khảo như Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh mới đây) nên việc mua sắm bị chậm, thậm chí thụ động, có tâm lý ỷ lại, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phân tích, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu, trong trường hợp dịch bệnh được chỉ định thầu. “Hiện, quy trình, thủ tục để mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế khá đầy đủ. Khâu kiểm tra, thẩm định giá cũng không phải là vấn đề khó khăn khi chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra giá thông qua tờ khai hải quan, internet hoặc hãng sản xuất. Do vậy, hãy cứ thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, khách quan. Nếu đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ mời thầu hoặc thẩm định giá “móc ngoặc” để trục lợi, Bộ Tài chính phải chỉ ra cho bên mời thầu, chỉ định thầu biết giá của loại máy móc, thiết bị, vật tư đó theo tờ khai hải quan là bao nhiêu. Tất nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, giá các mặt hàng này có thể thay đổi, tăng lên so với trước nhưng không thể tăng gấp 5 - 7 lần so với giá gốc”, ông Đông nói.

Để tránh tình trạng địa phương thụ động trong mua sắm phục vụ phòng chống dịch, ông Đặng Huy Đông đề xuất, nên thực hiện mua sắm tập trung (giao về một mối là Bộ Y tế tổ chức đấu thầu). Sau đó, Bộ sẽ công bố đơn vị trúng thầu, địa phương ký hợp đồng mua sắm trực tiếp với đơn vị đó và trả tiền thay vì tự tổ chức đấu thầu riêng rẽ.

Liên quan đề xuất của một số địa phương về ban hành giá trần trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch để địa phương có kênh tham khảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng điều này cần được cân nhắc. Bởi lẽ, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, việc bảo đảm trang thiết bị, vật tư kịp thời sẽ góp phần phòng chống dịch hiệu quả. Nếu vì lý do nào đó khiến các địa phương e ngại thì cần xem lại cách thực hiện. “Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc ban hành giá trần sẽ tránh được tình trạng mua với giá nào cũng được gây thất thoát, lãng phí”, bà Thúy nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 là một dạng thiết bị đặc chủng, chưa kể nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng máy khác nhau nên việc ban hành giá trần không cần thiết. Theo ông, có 2 phương án để mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế trong bối cảnh hiện nay. Phương án thứ nhất là vẫn giao cho CDC địa phương mua sắm dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế, song phải làm rất nghiêm việc đấu thầu cũng như bảo đảm sự tham gia của bên định giá là khách quan, trung thực. Phương án thứ hai là nên lựa chọn tập trung về một mối (Bộ Y tế) để tổ chức đấu thầu và mua một loạt máy rồi cấp cho các địa phương theo nhu cầu cụ thể. Cách làm này vừa bảo đảm kỹ thuật, giá cả và tránh sai phạm ở địa phương.

Một chuyên gia từng làm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cho rằng, do thiết bị, vật tư y tế không nằm trong danh mục định giá và bình ổn giá nên Nhà nước không có trách nhiệm đưa ra giá trần mà giá do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ quy định phải đấu thầu rộng rãi, công khai và phải thẩm định giá. Thực tế, việc thẩm định giá không khó, vấn đề là các bên liên quan có chịu làm hết trách nhiệm hay không?

Cũng theo vị chuyên gia này, do đây là mặt hàng theo nguyên tắc thị trường thuận mua vừa bán, nhu cầu thị trường tăng cao thì giá bị đẩy lên, nếu áp dụng mua sắm tập trung sẽ không hợp lý. Bởi sẽ có hai khả năng xảy ra: Hoặc giá lên cao quá (gây thất thoát cho ngân sách) hoặc giá thấp quá (không ai chịu tham gia thầu đồng nghĩa không mua được trang thiết bị, vật tư). “Chỉ có một cách duy nhất là phải phát huy vai trò khách quan, trung thực của bên thẩm định giá cùng với công khai, minh bạch thông tin tờ khai hải quan, mà muốn vậy vai trò quản lý, giám sát của cơ quan chức năng rất quan trọng”, vị này nói.

Đan Thanh