Hiến pháp cần ổn định và có sức sống lâu bền

- Thứ Sáu, 01/03/2013, 08:23 - Chia sẻ
Theo ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH BÙI ĐỨC THỤ, với tư cách là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, Hiến pháp cần ổn định và có sức sống lâu bền. Vì vậy, chỉ nên quy định những nguyên tắc chung nhất trong Hiến pháp. Liên quan tới thẩm quyền của QH đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy viên thường trực Bùi Đức Thụ cho rằng, để phù hợp với vị trí, vai trò của QH, phù hợp với bản chất của Nhà nước, cần giữ quy định QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

Để phù hợp với vị trí, vai trò của QH, cần giữ quy định QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước

- Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của QH nhiệm kỳ Khóa XIII. Ủy viên quan tâm đến vấn đề nào khi sửa đổi Hiến pháp lần này?

- Với tư cách là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, Hiến pháp quy định nhiều vấn đề như về chế độ chính trị; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội; về bảo vệ Tổ quốc; về bộ máy Nhà nước... Là ĐBQH đại diện cho ý chí và nguyện của nhân dân, tôi phải quan tâm đến tất cả các vấn đề quy định trong Hiến pháp để cân nhắc khi biểu quyết thông qua, để xây dựng các dự án luật, giám sát việc ban hành các văn bản pháp luật khác phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Là thành viên thường trực của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tôi đặc biệt quan tâm đến các quy định về kinh tế, tài chính và ngân sách Nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi lần này.

- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quy định QH quyết định dự toán ngân sách Trung ương, phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương. Quy định như vậy sẽ khắc phục được hiện tượng địa phương chỉ quyết định vấn đề QH đã xem xét, quyết định, thưa Ủy viên?

Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84)

QH có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
...
4. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước;...

(Nguồn: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992)

- Tại khoản 4, Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định thẩm quyền của QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước (bao gồm cả dự toán ngân sách Trung ương và dự toán ngân sách địa phương), phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán. Thực hiện quy định này dẫn đến chồng chéo, trùng lặp về thẩm quyền giữa QH và HĐND trong việc quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, vì trên thực tế, HĐND hầu như chỉ quyết định nội dung cấp trên đã quyết định. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã điều chỉnh thẩm quyền của QH, thay vì QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước thì QH chỉ quyết định dự toán ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương. Việc quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương dự kiến giao cho HĐND nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về thẩm quyền trong việc quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, mở rộng quyền tự chủ, kích thích tính năng động của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm cho ngân sách Nhà nước được quản lý, sử dụng có hiệu quả.

Tôi cho rằng, việc sửa đổi như vậy là không phù hợp. Bởi Điều 75 tiếp tục tái khẳng định QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nhưng dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này lại quy định QH chỉ quyết định dự toán ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương là thu hẹp phạm vi về thẩm quyền của QH trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước, không phù hợp với vị thế, vai trò của QH.

Thứ hai, mô hình ngân sách Trung ương do mô hình tổ chức Nhà nước quyết định. Nhà nước ta là Nhà nước đơn nhất, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có phân công, phân cấp; không phải là Nhà nước liên bang. Vì vậy, việc phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước giao cho HĐND quyết định ngân sách địa phương như mô hình tổ chức Nhà nước theo kiểu liên bang là không hợp lý.

Thứ ba, trong điều kiện chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, quy mô ngân sách Nhà nước còn nhỏ, chi thường xuyên và chi trả nợ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi NSNN, chi đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước... thì việc phân cấp cho các địa phương tự quyết định ngân sách của mình có nguy cơ phân tán nguồn lực, tỉnh nào cũng đầu tư xây dựng sân bay, bến cảng... như thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực tài chính công.

Đặc trưng của hệ thống ngân sách Nhà nước ở nước ta mang tính lồng ghép và sự lồng ghép này thể hiện ở cả 4 cấp ngân sách chứ không riêng chỉ ở ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh. Việc sửa như Điều 75 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới chỉ khắc phục được sự lồng ghép, chồng chéo về thẩm quyền quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán NSĐP chứ chưa khắc phục được tính lồng ghép và sự trùng lặp về thẩm quyền quyết định trong từng cấp ngân sách của NSĐP. Để phù hợp với vị trí, vai trò của QH, phù hợp với bản chất của Nhà nước, cần giữ quy định QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để khắc phục sự trùng lặp về thẩm quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong quản lý, điều hành ngân sách, tôi đề nghị trên cơ sở phân cấp quản lý kinh tế - xã hội để xác định rõ sự phân cấp quản lý về tài chính - ngân sách; mặt khác, QH quyết định dự toán ngân sách Nhà nước không quá chi tiết, nhất là dự toán chi theo từng lĩnh vực để bảo đảm thực quyền của HĐND trong việc quyết định dự toán và đặc biệt là phân bổ ngân sách của cấp mình.  

Để bảo đảm thực quyền của QH trong lĩnh vực tài chính - ngân sách thì việc quản lý, điều hành ngân sách phải tuân thủ đúng thẩm quyền, mọi khoản thu, chi của Nhà nước phải phản ánh đầy đủ trong dự toán ngân sách Nhà nước và được QH xem xét, quyết định

- Quyền quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia của QH dù đã được hiến định nhưng dường như kết quả đạt được chưa như mong muốn. Như vậy, theo Ủy viên có cần quy định cụ thể về nội hàm khái niệm chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này hay không?

- Việc quy định chi tiết hay không chi tiết về nội hàm khái niệm chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia không phải là nhân tố quyết định việc có thực hiện hay chưa thực hiện các quy định của Hiếp pháp mà vấn đề ở chỗ quy định của Hiến pháp có phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước không? Có mang tính khả thi không? Trường hợp quy định của Hiếp pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, mang tính khả thi nhưng vẫn chưa thực hiện thì cần xem xét trách nhiệm của từng cơ quan Nhà nước trong vấn đề này. Với tư cách là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, Hiến pháp cần ổn định, có sức sốëng lâu bền. Vì vậy, chỉ nên quy định những nguyên tắc chung nhất, việc quy định chi tiết để cho các Luật quy định.

- Những quyết đáp về ngân sách Nhà nước là linh hồn, thể hiện tính thực quyền, chất lượng hoạt động của QH. Vì vậy, nếu mới dừng lại ở thảo luận và quyết định những con số, những giải pháp cụ thể thì thực khó để khẳng định rằng đã đạt được tính thực quyền một cách trọn vẹn...?

- Vị thế và vai trò của QH phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của QH, nghĩa là phụ thuộc vào chất lượng công tác lập pháp, chất ượng công tác giám sát tối cao và chất lượng công tác quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề quyết định về tài chính – ngân sách. Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, vị thế, vai trò của QH không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn, của quá trình tiếp tục đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực thì cần phải nâng cao vai trò của QH trong lĩnh vực tài chính – ngân sách.

Để làm được điều đó thì cần phải giải quyết hàng loạt các vấn đề như nâng cao chất lượng ĐBQH và cán bộ tham mưu, giúp việc; đổi mới quy trình, thủ tục, thời hạn xem xét, quyết định ngân sách Nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước, trong đó xác định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong lĩnh vực này; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan QH, giữa các cơ quan QH với các cơ quan của Chính phủ; QH nên quyết định các cơ chế, chính sách, định mức phân bổ ngân sách và phân bổ chi tiết đối với ngân sách Trung ương; tăng cường giảm sát một cách có hiệu quả đối với việc quản lý nguồn lực tài chính công...

Để bảo đảm thực quyền của QH trong lĩnh vực tài chính – ngân sách thì việc quản lý, điều hành ngân sách phải tuân thủ đúng thẩm quyền, mọi khoản thu, chi của Nhà nước phải phản ánh đầy đủ trong dự toán ngân sách Nhà nước và được QH xem xét, quyết định. QH có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm nhưng sự phân bổ này lại căn cứ vào các định mức phân bổ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, mặc dù có xin ý kiến của UBTVQH trước khi quyết định là chưa thật phù hợp với các quy định của pháp luật. Phạm vi ngân sách cũng cần xác định rõ, bảo đảm mọi khoản thu chi của Nhà nước phải thể hiện trong ngân sách Nhà nước. Hiện tại, nhiều khoản thu của Nhà nước để ngoài cân đối ngân sách Nhà nước như thu về xổ số kiến thiết, thu viện phí, học phí, thu phí giao thông nộp vào quỹ bảo trì đường bộ chẳng hạn; nhiều khoản chi của Nhà nước được sử dụng từ các quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác là không hợp lý...

- Xin cám ơn Ủy viên!

Phương Thủy thực hiện; Ảnh: Lâm Hiển