Hiểu đúng và đủ về giáo dục thường xuyên

- Thứ Năm, 05/12/2019, 07:16 - Chia sẻ
Luật Giáo dục 2019 được xem là một bước tiến cụ thể và mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu mọi người dân đều được học tập thường xuyên, suốt đời. Trong bối cảnh đó, mỗi địa phương, đơn vị liên quan cần nhìn lại kết quả và bất cập để định hướng phát triển giáo dục thường xuyên trong giai đoạn tới.

1 bước chuyển và 4 rào cản

Sáng 4.12, tại Hà Nội, hơn 200 giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX), lãnh đạo sở giáo dục đào tạo, phòng giáo dục đào tạo từ 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bước vào đợt tập huấn đầu tiên kể từ khi Luật Giáo dục 2019 chính thức thông qua. Với chủ đề “Tăng cường năng lực quản lý cho giám đốc về đổi mới giáo dục và xây dựng kế hoạch giáo dục trong các trung tâm giáo dục thường xuyên” và kéo dài 3 ngày (từ 4 - 6.12), hội nghị nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm hiểu đúng và đầy đủ hơn về GDTX trong bối cảnh mới.


Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và giải đáp thắc mắc của cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên
Ảnh: T. Minh

Đó là bối cảnh công tác xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam ít nhiều đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Cả nước có 695 trung tâm GDTX (gồm 32 trung tâm GDTX và 589 trung tâm GDNN - GDTX), 11.019 trung tâm học tập cộng đồng và hơn 4.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, có hơn 150 triệu lượt người được hưởng lợi từ các trung tâm này. Tầm quan trọng của GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân càng được khẳng định trong Luật Giáo dục 2019 với nhiều cơ sở pháp lý khuyến khích GDTX phát triển, đặt nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến hành xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở và xã hội học tập.

Theo thông tin đưa ra tại hội nghị, mặc dù có những kết quả đáng kể trong những năm gần đây, song bước chuyển đưa GDTX làm nòng cốt thúc đẩy giáo dục mở nhằm hiện thực hóa học tập suốt đời là một tiến trình khó khăn. Trong đó, 4 rào cản đối với việc thực hiện Luật Giáo dục 2019 trong lĩnh vực GDTX đã được chỉ ra. Thứ nhất, về nhận thức, học tập suốt đời vẫn chưa được quan niệm là một giai đoạn phát triển mới về chất của giáo dục, vai trò then chốt của GDTX trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời vẫn bị xem nhẹ. Thứ hai là rào cản về thể chế và chính sách, khi mà việc thể chế hóa học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập mới ở giai đoạn đầu, nặng về thiện chí hơn là dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, về cơ cấu hệ thống, mặc dù đã có những cố gắng chuyển sang giáo dục theo hướng mở, liên thông nhưng hệ thống giáo dục nước ta cơ bản vẫn được tổ chức và vận hành theo mô hình khép kín, tập trung đầu vào, hướng tới thi cử, học lên đại học và lấy văn bằng, thiếu tính linh hoạt và liên thông. Cuối cùng là rào cản tài chính. Nước ta dành 20% ngân sách công cho giáo dục nhưng đầu tư cho GDTX chiếm chưa đến 2%. Đáng quan tâm là đóng góp tài chính của doanh nghiệp trong phát triển GDTX, cụ thể trong việc nâng cao tay nghề, nghiệp vụ cho người lao động tại doanh nghiệp hầu như không đáng kể.

“Lấy chất lượng là số một”

“Có cơ sở GDTX làm tốt, có những cơ sở GDTX không làm gì, thậm chí có những địa phương đã giải thể các trung tâm. Đấy là vấn đề thực tiễn”. Chỉ ra thực tế này, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh cho rằng thực tiễn đang đặt ra cho GDTX nhiều công việc khó khăn, dù Luật Giáo dục 2019 đã tạo ra một bước tiến cụ thể và mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu mọi người dân đều được học tập thường xuyên, suốt đời.

Trong khi đó, không ít địa phương, đơn vị đang loay hoay với những vướng mắc trong tổ chức hoạt động. Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX TP Hưng Yên Nguyễn Đức Việt chia sẻ: “Hiện các trung tâm chịu ít nhất 3 đơn vị quản lý: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở LĐ, TB - XH và UBND tỉnh. Bất cập nữa trong quản lý là người có quyền giao tiền và giao người thì không biết việc, người được giao việc lại không có tiền, không có người. Luật Giáo dục 2019 có nhiều điểm thấy đáng mừng nhưng giờ làm sao thu gọn đầu mối quản lý giúp các trung tâm thuận lợi hoạt động”.

Kiến nghị của Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Sa Pa, Lào Cai Đỗ Văn Cốt được nhiều ý kiến đồng tình: “Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ LĐ, TB - XH, Bộ Nội vụ sớm xếp hạng cho các trung tâm. Cách đây vài năm, trung tâm chỉ có hơn 100 học viên, sau đó phát triển lên 300 học viên. Quy mô tăng nhưng không có cơ chế để tăng biên chế giáo viên, vì chưa có cơ chế xếp hạng trung tâm. Có nhiều trung tâm trong tình trạng này”. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đơn vị bày tỏ mong muốn sớm có những định hướng cụ thể để chuẩn bị cho GDTX bước chuyển sắp tới. “Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các trung tâm cần sớm có định hướng cụ thể để chuẩn bị cho công tác tổ chức hoạt động, nhân sự…”, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Sơn La Nguyễn Khắc Tâm nói.

Những ý kiến, kiến nghị đa chiều tại hội nghị đã làm rõ nét “bức tranh” GDTX hiện nay. Việc triển khai Luật Giáo dục 2019 sẽ phần nào giải quyết những vướng mắc, tạo động lực cho GDTX phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trong quá trình đó, đội ngũ thầy cô, cán bộ tại các trung tâm GDTX, GDNN… chính là đầu tàu của công cuộc đổi mới, đem đến chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho hoạt động GDTX. “GDTX phải nhanh chóng chuyển biến theo tinh thần lấy chất lượng là số 1, nhất là trong bối cảnh chuyển tư duy giáo dục từ chú trọng quy mô sang chú trọng chất lượng đầu ra. Việc giúp đội ngũ cán bộ quản lý các trung tâm hiểu về GDTX trong bối cảnh mới sẽ là một bước đi, nhằm bảo đảm đạt được các mục tiêu được hoạch định trong chiến lược phát triển GDTX”.

Thái Minh