Hiểu đúng về thông tin condotel được cấp “sổ hồng”

- Thứ Tư, 19/02/2020, 10:32 - Chia sẻ
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn 703 hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở (condotel). Một số luật sư cho rằng, Công văn 703 cần được hiểu đúng, theo đó đây chỉ là văn bản hành chính mang tính chất thông tin điều hành để thực thi các quy định của pháp luật, chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung công văn không có gì mới, cũng không cấp “sổ hồng” cho condotel.

GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nội dung Công văn 703 không có gì mới

Công văn 703 không có gì mới và chỉ có tác động duy nhất là để các địa phương có cách làm thống nhất theo đúng Luật Đất đai hiện hành đối với loại hình bất động sản condotel.

Về chế độ, thời hạn sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới, trong đó có condotel (biệt thự du lịch), Công văn 703 nêu: Theo Điều 48, Luật Du lịch năm 2017, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại đây thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 của Luật Đất đai và Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT ngày 14.12.2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ. Chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ đã được quy định tại Điều 153 của Luật Đất đai, thời hạn sử dụng đất được quy định tại Khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai.

Về việc cấp giấy chứng nhận, Công văn 703 nêu: Trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo Điều 32 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014, Khoản 22, Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6.1.2017.

Trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 70, Điều 79 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 8, Điều 9 của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19.5. 2014; Khoản 8, Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29.9.2017.

Với công văn này, ít nhất sẽ khắc phục tình trạng trước đây nhiều địa phương hứa hẹn với chủ đầu tư rằng đất sẽ được sử dụng lâu dài, rồi chủ đầu tư “nối dài” hứa hẹn như vậy với người đầu tư thứ cấp. Đây chính là “nút thắt” của thị trường condotel, bởi vì nếu đất được sử dụng lâu dài thì nhà đầu tư thứ cấp mới bỏ tiền vào. Nhưng câu chuyện này chưa giải quyết được.

Thị trường condotel có vướng mắc là do địa phương đẩy mạnh đầu tư để phát triển với cách hiểu đây vừa là căn hộ chung cư, vừa là khách sạn. Tuy nhiên hiện giờ, “danh chính ngôn thuận” nó chỉ mới là khách sạn. Công văn 703 không thay đổi gì thị trường. Ách tắc vẫn nằm nguyên đấy, “khai sinh” ở đây được hiểu theo kiểu “con ngoài giá thú”, có “bố” là căn hộ chung cư và có “mẹ” là khách sạn nhưng giờ condotel chỉ được mang họ của mẹ.

Theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản ổn định, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm 3 việc. Thứ nhất, hướng dẫn để giải quyết những khó khăn hiện nay đối với các hình thức bất động sản mới phục vụ du lịch mà đang có vướng mắc về pháp luật và xây dựng khung pháp luật phù hợp đưa vào dự án sửa đổi Luật Đất đai sắp tới. Thứ hai, rà soát lại hệ thống quy hoạch, kế hoạch để trong quá trình xây dựng, triển khai thực thi cho đúng. Thứ ba, rà soát lại các dự án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án phát triển đô thị, khu dân cư, các dự án phát triển các loại hình bất động sản phục vụ phát triển du lịch để các dự án này được thuận lợi trong quá trình triển khai.

Hiện Công văn 703 chỉ thực hiện được một nửa của nhiệm vụ thứ nhất, nhưng thị trường hiện nay lại đợi nửa thứ 2 của nhiệm vụ thứ nhất mới gọi là điều chỉnh. Do đó, công văn này chỉ có tác động duy nhất là yêu cầu các địa phương thống nhất quan niệm về condotel.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Không thể cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ

Công văn 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường dễ dẫn tới hiểu nhầm rằng các khu đất xây dựng dự án condotel có thể có thời hạn sử dụng từ 50 - 70 năm, như việc cấp “sổ đỏ” với đất xây dựng công trình ở. Thực chất, văn bản này không có gì mới so với những văn bản đã có về loại hình condotel.

Về mặt pháp lý, condotel là phòng khách sạn xây dựng theo kết cấu căn hộ chung cư, nhằm mục đích kinh doanh du lịch. Vì vậy, condotel chính là căn hộ du lịch được quy định tại Điều 48 Luật Du Lịch và bản chất này sẽ không bao giờ thay đổi. Việc xác định đúng bản chất pháp lý của condotel sẽ quyết định đến chế độ sử dụng đất, mục đích, thời hạn sử dụng đất bởi vì thời hạn, chế độ sử dụng đất được áp dụng theo loại đất.

Nếu cấp “sổ đỏ” cho từng căn hộ riêng lẻ sẽ xảy ra tình trạng “sổ đỏ” chồng lên “sổ đỏ” làm thay đổi bản chất của condotel. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ riêng lẻ là khó khả thi. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư condotel cũng không nên hiểu nhầm rằng Nhà nước đã đồng ý cấp “sổ đỏ” cho condotel mà quyết định tiếp tục đầu tư vào loại hình bất động sản này trong giai đoạn hiện nay.

Luật sư HOÀNG TÙNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa

Quyền sở hữu condotel vẫn thuộc về chủ đầu tư

Công văn 703 cần được hiểu đúng là một văn bản hành chính thông thường mang tính chất thông tin điều hành để thực thi các quy định của pháp luật hoặc chỉ đạo, giải quyết công việc cụ thể chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của công văn thể hiện rõ tinh thần này.

Đối với các loại hình như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thì sẽ được cấp giấy chứng nhận theo các quy định liên quan đến Luật Đất đai. Hiện tại, các quy định của Luật Đất đai chưa ghi nhận một loại giấy chứng nhận mới cụ thể cho condotel, do đó quyền sở hữu condotel vẫn thuộc về chủ đầu tư.

Nếu người dân muốn đứng tên chủ sở hữu thì sẽ cấp theo quy định về nhà chung cư (căn hộ chung cư), khi đó có hai hướng: Một là, chi thêm tiền để chuyển đổi hay sang tên thành căn hộ chung cư; hai là, thỏa thuận với nhà đầu tư. Nhưng nếu chỉ có hai hướng như vậy thì sẽ quay lại bài toán mà phía chủ đầu tư đã đưa ra. Do đó, những cá nhân hoặc tổ chức đang kinh doanh loại hình này (không phải chủ đầu tư - PV) cần xem xét và cân nhắc kỹ lựa chọn và giải pháp sao cho phù hợp.

Hạnh Nhung