Thái Nguyên thu hút đầu tư:

Hiệu quả, có chọn lọc

- Thứ Năm, 18/06/2020, 16:44 - Chia sẻ
Cùng nhìn lại năm 2019, với chính sách cởi mở, thông thoáng, với quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Điểm sáng khu vực phía Bắc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2019 việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra. Các đề án, công trình trọng điểm, dự án đầu tư được ký kết trong và sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI)...

Doanh nghiệp nhận quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018
Doanh nghiệp nhận quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018

Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư Chu Văn Khanh cho biết, phát huy thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, năm 2019, tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản, liên tục, công tác xúc tiến đầu tư được như: Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tham dự các hội chợ xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, chuyên đề xúc tiến đầu tư phát sóng trên truyền hình… 

Nhờ đó, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của tỉnh Thái Nguyên năm 2019 ước đạt 40,4 nghìn tỷ đồng, lũy kế bốn năm từ năm 2016 đến hết năm đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra cho cả giai đoạn 2016-2020 là 128 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 368,02 triệu USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 31.737,8 Tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI năm 2019 đạt 28.437 triệu USD, tăng 11,24% so với tổng giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI năm 2018.

Năm 2019, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên đã thẩm định hồ sơ và cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 dự án, trong đó có 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 696,587 triệu USD và 16 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 782,03 tỷ đồng. Điều chỉnh 56 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 25 lượt điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư, số vốn đầu tư tăng thêm là 191,11 triệu USD và 186,619 tỷ đồng, còn lại là các lượt điều chỉnh thông tin nhà đầu tư, quy mô, diện tích sử dụng đất đai của dự án. 

Đóng góp vào thành công chung của tỉnh, có thể kể đến các nhà đầu tư lớn như Samsung; Tập đoàn Masan; Nhiệt điện An Khánh, Dự án Hồ Núi Cốc… đã góp phần quan trọng giúp Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc. Các dự án, đầu tư có hiệu quả không chỉ giúp địa phương tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương mà còn tạo hiệu ứng, tác động lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa điểm đầu tư, kinh doanh hiệu quả.

Kiên quyết thu hồi dự án không hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư. Một số nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án tại các khu vực có vị trí trùng lặp với dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư như đề xuất lập dự án đầu tư vào cùng một khu vực như tại Hồ Núi Cốc, phía đông Tam Đảo…

Một số dự án không thuộc danh mục Nhà nước thu hồi đất, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và phải chủ động thỏa thuận với các hộ dân, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư. Một số nhà đầu tư khác chưa chủ động trong công tác lập, hoàn thiện hồ sơ, bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam

Ông Chu Văn Khanh cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, để tạo môi trường đầu tư lành mạnh, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết liệt thu hồi các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ những năm trước nhưng đến nay không thực hiện, chậm thực hiện. Tỉnh Thái Nguyên có phương án rõ ràng với các dự án chậm, không triển khai, cụ thể, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc trực tiếp với các Nhà đầu tư để làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, yêu cầu Nhà đầu tư cam kết về tiến độ triển khai; tiếp tục kêu gọi các Nhà đầu tư mới có thế mạnh, uy tín, tiềm lực, năng lực tài chính vào nghiên cứu triển khai dự án. Đối với các dự án có tiến độ tích cực thì tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng các quy trình bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ.

 

Box: Ông Chu Văn Khanh cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về thu hút có chọn lọc, Thái Nguyên sẽ tập trung kêu gọi các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch, sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt các dự án đầu tư vào vùng Hồ Núi Cốc và sườn đông Tam Đảo. Thái Nguyễn sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, các dự án có sản phẩm có tính cạnh tranh cao, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Quang Tuấn