Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bạc Liêu

Bài 1: Chia thành các tổ giám sát

- Thứ Năm, 01/10/2020, 08:25 - Chia sẻ
Theo kinh nghiệm hoạt động thực tế của Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, đoàn giám sát nên chia thành 2 tổ khi tiến hành giám sát và khảo sát phục vụ giám sát tại các địa phương, đơn vị. Đối với Tổ giúp việc cũng vậy. Việc tổ chức chung đoàn chỉ tiến hành khi làm việc với UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn tham mưu trực tiếp nội dung giám sát. Việc chia thành 2 tổ sẽ tiết kiệm được thời gian; bảo đảm thành phần tham gia một buổi làm việc không quá đông, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia cùng có cơ hội phát biểu, thảo luận.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bạc Liêu ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Quy trình và cách thức giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Qua giám sát, HĐND tỉnh đã nắm bắt được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; cung cấp được nhiều thông tin sát thực và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan kịp thời xem xét, giải quyết, đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở thực hiện hiệu quả hơn với từng chuyên đề được giám sát.

Lựa chọn nội dung trúng và đúng

Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân rất nhiều, nhưng lựa chọn thời điểm và nội dung nào cho “trúng và đúng” để giám sát là điều rất quan trọng. Việc lựa chọn nội dung giám sát được Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu thực hiện trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, qua thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Thường trực HĐND tổng hợp kết quả các đề xuất; xem xét, thống nhất lựa chọn nội dung, bảo đảm các cuộc giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực. Bên cạnh đó, lưu ý để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và đối tượng chịu sự giám sát.

Nội dung giám sát tập trung vào những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt thấp; những nội dung chất vấn, kiến nghị của cử tri nhiều lần chưa hoặc chậm được thực hiện; các vấn đề cử tri đang bức xúc, quan tâm; những vấn đề trong quá trình quản lý, điều hành của chính quyền các cấp còn nhiều hạn chế, bất cập… Đơn cử, năm 2019, trước bức xúc của cử tri liên quan đến tiến độ xây dựng các dự án thu hút đầu tư và qua kết quả trả lời chất vấn của UBND tỉnh tại các kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công Ban Kinh tế - Ngân sách tổng hợp, khảo sát nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân vì sao dự án đã được giao đất, cho thuê đất chậm hoặc chưa triển khai, trách nhiệm của các cơ quan liên quan… Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn giám sát chuyên đề Tình hình và kết quả thực hiện một số dự án thu hút đầu tư đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bạc Liêu làm việc với UBND huyện Hồng Dân về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn

Ảnh: Mỹ Tiên 

Phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị được giám sát

Việc xây dựng kế hoạch giám sát được Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu xác định phải cụ thể, rõ ràng, xác định đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, phạm vi giám sát. Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc, lựa chọn mốc thời gian sao cho phù hợp. Đề cương báo cáo tránh tình trạng chung chung, không nêu cụ thể làm cho đơn vị báo cáo không đầy đủ, khi giám sát không phát hiện thêm gì, dẫn đến báo cáo kết quả giám sát chất lượng không cao. Đề cương phải thể hiện rõ những nội dung trọng tâm đoàn giám sát quan tâm, gọn, rõ vấn đề và tùy theo nội dung giám sát có thể xây dựng đề cương riêng cho từng đối tượng; mốc thời gian yêu cầu báo cáo và thời điểm gửi báo cáo phải hợp lý để đối tượng chịu sự giám sát đủ điều kiện chuẩn bị, đáp ứng đúng theo yêu cầu của đoàn giám sát.

Kinh nghiệm cho thấy, trước khi xây dựng đề cương, bên cạnh nghiên cứu kỹ các quy định, tài liệu liên quan, cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin bằng nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là nội dung đề cương yêu cầu báo cáo phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát. Trước khi đề cương gửi đến các cơ quan, đơn vị được giám sát, cần thiết phải có sự góp ý và đồng thuận cao của các thành viên đoàn giám sát. Đề cương xây dựng cụ thể từng nội dung cho từng đối tượng, yêu cầu báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin và phối hợp với khảo sát thực tế để có đủ cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan.

Thành phần tham gia đoàn giám sát cũng được Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc lựa chọn cho phù hợp. Tùy theo nội dung chuyên đề, ngoài thành viên các Ban HĐND; mời thêm Mặt trận Tổ quốc, các ngành liên quan; có cơ chế mời các chuyên gia, những người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu, rộng lĩnh vực giám sát tham gia cùng các đoàn giám sát để nâng cao chất lượng (HĐND tỉnh Bạc Liêu đã có nghị quyết chi hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia cho hoạt động giám sát).

Trước khi tiến hành giám sát, Thường trực HĐND (Trưởng đoàn giám sát) tổ chức họp đoàn giám sát với Tổ Thư ký và Tổ giúp việc để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và thống nhất phương pháp giám sát. Theo kinh nghiệm hoạt động thực tế của Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, đoàn giám sát nên chia thành 2 tổ khi tiến hành giám sát và khảo sát phục vụ giám sát tại các địa phương, đơn vị. Đối với Tổ giúp việc cũng vậy. Việc tổ chức chung đoàn chỉ tiến hành khi làm việc với UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn tham mưu trực tiếp nội dung giám sát. Việc chia thành 2 Tổ sẽ tiết kiệm được thời gian giám sát; bảo đảm thành phần tham gia một buổi làm việc không quá đông, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia giám sát cùng có cơ hội phát biểu, thảo luận; hạn chế sự phiền hà cho các cơ quan, đơn vị trong bố trí các điều kiện làm việc.

NGỌC HIỀN