Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp về xung đột tại Nagorno-Karabakh

- Thứ Tư, 30/09/2020, 00:29 - Chia sẻ
Ngày 29.9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp về tình hình xung đột tại Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Đây là cuộc họp kín, diễn ra theo đề nghị của Pháp và Đức.

Căng thẳng giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan leo thang từ hôm 28.9 với các cuộc đụng độ mới nhất xảy ra tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Hovhannisya cáo buộc các lực lượng của Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực phía Nam và Đông Bắc của chiến tuyến Karabakh, khiến 200 binh sĩ nước này bị thương. Song ông cho biết, nhiều binh sĩ chỉ bị thương nhẹ và đã trở lại thực hiện nhiệm vụ.

Binh lính Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh - Nguồn: Reuters

Trong khi đó, các quan chức tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh cho biết, đã có thêm 26 binh sĩ của họ bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ngày 28.9, nâng tổng số thương vong lên 84 người.

Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận thuộc về lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại có đa số cư dân là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước và dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2.1988 - 5.1994, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra.

Kể từ khi các cuộc giao tranh mới nhất bùng phát ngày 27.9, đã có 95 người thiệt mạng, trong đó có 11 dân thường. Đây là vụ giao tranh nghiêm trọng nhất giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, làm dấy lên nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực vốn bất ổn suốt nhiều thập kỷ qua.

Ngày 28.9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên ngừng bắn, trong khi hối thúc các nhà lãnh đạo hai nước ngồi vào bàn đàm phán. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, Stephane Dujarric cho biết: “Tổng Thư ký nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt giao tranh, đề nghị các bên nối lại đàm phán mà không đưa ra điều kiện tiên quyết dưới sự bảo trợ của của đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức Anh ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) (gồm Nga, Pháp và Mỹ) để tìm ra giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột này”.

Q.Đạt