Khủng hoảng chính trị tại Bolivia

Hơi hướng cách mạng màu?

- Thứ Ba, 12/11/2019, 07:38 - Chia sẻ
Bất chấp việc Tổng thống Evo Morales quyết định từ chức và thông báo bầu cử lại để hàn gắn đất nước, thúc đẩy đối thoại chính trị, lực lượng cảnh sát và quân đội Bolivia đã phát lệnh bắt giữ ông và nhiều quan chức cấp cao khác. Động thái này có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ.

Bước đi được sắp đặt

Một lãnh đạo cấp cao của phe đối lập Bolivia xác nhận, cảnh sát và quân đội đã phát lệnh bắt Tổng thống Evo Morales, đồng thời một chiến dịch tìm kiếm đang được tiến hành tại tỉnh Chapare, nơi được cho là ông Morales đang có mặt. Trước đó, có tin cảnh sát đã phong tỏa và tịch thu chiếc máy bay cá nhân của Tổng thống Morales tại sân bay El Alto ở Thủ đô La Paz.

Trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Morales lên án lệnh bắt giữ nói trên là hoàn toàn “bất hợp pháp”, là âm mưu chống lại dân chủ và là một cuộc đảo chính. Ông Morales đồng thời lên án vụ tấn công nhằm vào nhà riêng của ông do các nhóm “bạo lực” tiến hành, và cho biết những kẻ đảo chính đã phá vỡ pháp quyền, chỉ ít giờ sau khi ông tuyên bố từ chức Tổng thống Bolivia.


Tổng thống Evo Morales thông báo từ chức sau 14 năm cầm quyền

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Bolivia Morales đã tuyên bố từ chức sau gần 14 năm cầm quyền; đồng thời chấp nhận tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình - ổn định cho đất nước.
Ngay sau đó, Chủ tịch Thượng viện Bolivia Adriana Salvatierra cùng hàng loạt quan chức cấp cao khác gồm Bộ trưởng Khai thác mỏ César Navarro, Bộ trưởng Khí đốt Luis Alberto Sánchez, Chủ tịch Hạ viện Victor Borda và Thứ trưởng Ngoại giao Carmen Almendras cũng đã đệ đơn từ chức. Theo Hiến pháp Bolivia, Chủ tịch Thượng viện là người quyền lực nhất tại nước này trong trường hợp cả Tổng thống và Phó Tổng thống đều từ chức.

Lực lượng vũ trang và cảnh sát Bolivia đã gây sức ép và yêu cầu nhà lãnh đạo Morales từ chức giữa lúc làn sóng biểu tình bạo loạn của phe đối lập nhằm phản đối kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 20.10 kéo dài gần 20 ngày qua khiến hàng trăm người bị thương.

Tư lệnh quân đội Bolivia Williams Kaliman đã đưa ra kiến nghị trên trong một thông điệp tại tổng hành dinh của lực lượng quân đội ở khu vực phía Nam thủ đô La Paz, trong đó nhấn mạnh, “trước sự leo thang xung đột, vì tính mạng và an toàn của người dân, cũng như bảo đảm thượng tôn hiến pháp, quân đội đề nghị Tổng thống xem xét từ chức để bảo đảm sự ổn định và vì tương lai của đất nước”. Tư lệnh cảnh sát Yuri Calderón cũng cho biết, họ đồng thuận với nhân dân Bolivia trong việc kêu gọi Tổng thống Morales từ chức trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, việc ông Morales bị truy nã ngay sau khi từ chức khiến dư luận cánh tả cho rằng, đây hoàn toàn là bước đi sắp đặt trước nhằm hạ bệ ông, giống như các cuộc cách mạng màu bị thao túng bởi lực lượng nước ngoài.

Cuộc “đảo chính” đường phố

Ông Morales trở thành nhà lãnh đạo da đỏ đầu tiên của Bolivia trong cuộc bầu cử năm 2005 với 54% phiếu ủng hộ, và tái đắc cử 2 lần vào năm 2009 với 64% và năm 2014 với 61%. Trong hơn thập kỷ cầm quyền của ông, từ một trong những nước nghèo nhất khu vực, Bolivia đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Nam Mỹ, trung bình 5%/năm. Những chính sách mạnh mẽ và được lòng dân như quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi doanh nghiệp nhà nước chiến lược và tái phân phối của cải, đã giúp hơn 2 triệu người dân Bolivia thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, chiến thắng thứ 4 liên tiếp của ông trong cuộc bầu cử ngày 20.10 vừa qua đã vấp phải sự phản đối của phe đối lập cũng như các quốc gia cánh hữu ở Mỹ Latin. Trước đó, phe đối lập đã phản đối đề xuất của ông về giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống, bất chấp quyết định này được Tòa án Hiến pháp Bolivia ủng hộ. Chính vì vậy, ngay sau chiến thắng của ông Morales trong cuộc bầu cử Tổng thống, phe đối lập đã phát động các cuộc biểu tình trên diện rộng. Biểu tình bạo lực đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Trường học, doanh nghiệp bị đóng cửa và giao thông công cộng bị đình trệ. Đài phát thanh và truyền hình quốc gia bị người biểu tình và phe đối lập chiếm giữ.

Trước diễn biến phức tạp tại Bolivia, đã có nhiều nước Mỹ Latin bày tỏ sự ủng hộ đối với với ông Morales. Cuba chỉ trích mạnh mẽ việc phe đối lập gây sức ép buộc Tổng thống Bolivia Morales từ chức, hành động mà theo La Habana là một cuộc “đảo chính”. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz - Canel lên án cuộc đảo chính tại Bolivia đe dọa nền dân chủ tại quốc gia Nam Mỹ này. Tổng thống cánh tả Venezuela Nicolas Maduro cũng lên án hành động mà ông coi là một cuộc đảo chính nhằm vào Tổng thống dân cử Evo Morales của Bolivia.

Chính phủ Nicaragua cùng ngày ra thông cáo lên án mạnh mẽ cái gọi là “cuộc đảo chính” tại Bolivia. Thông cáo của Chính phủ Tổng thống Daniel Ortega bày tỏ sự phản đối việc các hành động phớt lờ hiến pháp, luật pháp và các cơ quan đang điều hành quốc gia này.

Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa được thả tự do khi đang chấp hành bản án về tội tham nhũng, cũng lên án hành động đảo chính nhằm vào nhà lãnh đạo Bolivia.

Chính phủ Peru ra tuyên bố kêu gọi nhanh chóng khôi phục hòa bình và hòa hợp ở Bolivia. Chính phủ Colombia kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng thường trực Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia. Colombia mời đại diện của các tổ chức nhà nước thuộc nhiều đảng chính trị, xã hội khác cùng hợp tác nhằm giúp La Paz bảo đảm quá trình chuyển giao chính phủ một cách hòa bình, tuân thủ nghiêm các quy định của hiến pháp, hệ thống pháp luật của Bolivia với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Quỳnh Vũ